Phát triển kinh tế biển, đảo là một trọng tâm

(Theo chinhphu.vn) 08/10/2015 16:49

(QNO) - Đại hội XII của Đảng nên định hướng chiến lược phát triển kinh tế biển đảo, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần làm ngay - Thiếu tướng, PGS.TS.NGND Lê Kế Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế biển TP.Hồ Chí Minh, nguyên Chuẩn Đô đốc Hải quân góp ý.

  • GÓP Ý DỰ THẢO CÁC VĂN KIỆN TRÌNH ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII VÀ ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XXI

Thiếu tướng Lê Kế Lâm (bên trái) trong cuộc trao đổi xung quanh các góp ý vào Dự thảo văn kiện ĐH Đảng XII.
Thiếu tướng Lê Kế Lâm (bên trái) trong cuộc trao đổi xung quanh các góp ý vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XII.

- Vừa qua khi góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, ông có đề xuất về chiến lược phát triển hướng biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cụ thể là như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Kế Lâm: Tôi có vài suy nghĩ, trong đó, về phần dự báo tình hình thế giới và đất nước những năm sắp tới (Tiểu mục 1 trang 11) thì ngoài những nhận định rất toàn diện, sâu sắc trong Dự thảo, tôi có nhấn mạnh, Biển Đông hiện nay là nơi hội tụ nhiều tiềm năng về kinh tế, tài nguyên; là vùng địa chiến lược quan trọng của châu Á - Thái Bình Dương trong bàn cờ chiến lược các nước lớn, cũng là nơi tập trung nhiều mâu thuẫn đối kháng và không đối kháng. Cụ thể là giữa nội khối ASEAN với nhau, giữa ASEAN với các cường quốc thế giới… mà đỉnh cao là tranh chấp chủ quyền vùng biển rộng lớn và các nhóm đảo.

Do đó, nếu các bên không xử lý tỉnh táo, hợp tình, hợp lý thì rất dễ xảy ra xung đột. Trong bối cảnh như vậy, chúng ta cần phải đặc biệt coi trọng sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ cơ sở hiện có trên quần đảo Trường Sa, bảo vệ nền kinh tế biển, đảo.

- Thiếu tướng có nhấn mạnh đến hoạt động kinh tế biển, vốn là lĩnh vực được đặt mục tiêu sẽ đóng góp 53 - 55% GDP trong “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Nhưng những khó khăn nào đang đặt ra với chúng ta trong quá trình thực hiện mục tiêu này?

- Thiếu tướng Lê Kế Lâm: Đó là mục tiêu cần phải được cụ thể hóa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn về phương tiện giám sát, kiểm tra vùng biển, bảo vệ sự làm ăn bình thường của ngư dân, của các tàu và đoàn tàu vận tải, của tàu thăm dò, tàu nghiên cứu khoa học, tàu khoan và giàn khoan dầu trên các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia.

- Với bối cảnh trong nước và quốc tế như vậy, các dự thảo văn kiện cũng đã nhấn mạnh đến 6 nhiệm vụ trung tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII tới đây. Thiếu tướng có góp ý gì về định hướng nhiệm vụ này của Đảng?

- Thiếu tướng Lê Kế Lâm: Khi đặt vấn đề nghiên cứu, tìm giải pháp thực hiện thì tôi nghĩ phải toàn diện. Khi chỉ đạo hành động thì phải tìm việc trọng tâm, giải quyết tốt các công việc trọng tâm sẽ thúc đẩy toàn cuộc phát triển ổn định. Từ cách đặt vấn đề như vậy, tôi cho rằng các nhiệm vụ số 1 và số 2 phải được coi là các nhiệm vụ trọng tâm của trọng tâm.

Chẳng hạn, về nhiệm vụ trọng tâm số 2: “Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”. Chiến lược này đặt ra vấn đề làm thế nào để “tinh gọn bộ máy của toàn hệ thống chính trị”. Nếu ta không quyết tâm tìm giải pháp khoa học, hợp lý để “tinh gọn biên chế” thì trong một vài thập kỷ nữa, gánh nặng chi thường xuyên cho hệ thống quản lý của ta sẽ vô cùng lớn, tiềm lực kinh tế có phát triển đến đâu cũng không kham nổi.

Do đó, tôi đề nghị Đại hội XII và Ban Chấp hành Trung ương nên ra Nghị quyết chuyên đề, thành lập “Ban cải cách tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước”. Ban này phải do Ban Chấp hành Trung ương quản lý, điều hành thì mới có kết quả, vì đây là một quyết sách hết sức quan trọng, không qua nhiều tầng nấc mà lại có thực quyền. Còn phương thức hoạt động như thế nào, Ban này sẽ bàn cụ thể.

Còn đối với bộ máy hành chính ở địa phương, theo tôi nghĩ có thể tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo 3 cấp hoặc 2 cấp. Trong đó, nếu theo 3 cấp như hiện nay thì tránh được xáo động lớn và cũng hợp với thói quen, tâm lý người dân.

Nhưng hạn chế của mô hình này là gánh nặng về biên chế, trang thiết bị phục vụ bộ máy này vận hành cũng rất lớn… Do đó, nếu cứ giữ mô hình tổ chức như hiện nay mà muốn tinh gọn là hết sức khó khăn.

Tôi cũng có ý kiến nên giảm bớt một cách hợp lý các hội nghị, chương trình tham quan… mà nên tập trung tối đa giải quyết thực tế các công việc của từng cấp, sử dụng chính phủ điện tử chính xác, bảo mật cao và an toàn trong điều hành theo đa tuyến (dọc, ngang, chéo, vượt cấp) nhưng phải bảo đảm không bỏ lọt thông tin cho tất cả các cấp.

- Là người chứng kiến nhiều đổi thay của đất nước, Thiếu tướng có gợi ý mô hình nào trước đây chúng ta đã làm mà hiện nay còn có thể nghiên cứu học hỏi không?

- Thiếu tướng Lê Kế Lâm: Tôi có ấn tượng với mô hình của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, sau Đại hội IV của Đảng, ông đã đề ra chủ trương: Cả nước xây dựng độ 400 quận/huyện thành những đơn vị hành chính tổng hợp có năng lực sản xuất kinh tế, điều hành xã hội và năng lực quốc phòng, an ninh hùng mạnh. Chính vì vậy, cố Tổng Bí thư đã cho sáp nhập các tỉnh thành những tỉnh lớn như: Hà Nam Ninh, Hải Hưng, Vĩnh Phú, Nghệ Tĩnh, Phú Khánh, Hà Sơn Bình…

Thiết nghĩ, thực hiện được mô hình này sẽ giảm được trên 1/3 tổng biên chế, việc quản lý điều hành sẽ nhanh, nhạy, hiện thực hơn, tiềm lực mọi mặt của đất nước sẽ được nâng lên. Với điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, năng lực thông tin liên lạc bằng công nghệ thông tin ngày một tốt hơn, hoàn thiện hơn, trình độ dân trí mọi mặt được nâng lên không ngừng, tiềm lực khoa học công nghệ và sản xuất công nghiệp ngày một hiện đại, đủ tiền đề vật chất và trí tuệ để ta nghiên cứu kỹ mô hình trên.

(Theo chinhphu.vn)

(Theo chinhphu.vn)