Ngăn biến đổi khí hậu, ngừa bệnh tật

QUỐC HƯNG 08/10/2015 10:36

Biến đổi khí hậu gây ra nhiều mối đe dọa cho sự sống trên hành tinh, nhất là sức khỏe của người dân toàn cầu hiện nay.

Nhân Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc mang tính lịch sử quyết định tương lai phát triển của thế giới đi kèm với bảo vệ môi trường bền vững sắp diễn ra tại Paris (Pháp), Tổ chức Y tế thế giới (WTO) nhấn mạnh tính cấp thiết ngăn chặn diễn biến khí hậu cực đoan để bảo vệ sức khỏe nhân loại.

Nhiệt độ trái đất đang tăng, 2015-2016 là hai năm xảy ra hiện tượng nóng kỷ lục. Hiện thời tiết cực đoan làm bùng phát rất nhiều căn bệnh kể cả truyền nhiễm như sốt rét, sốt xuất huyết, dịch tả, hô hấp đến các bệnh không truyền nhiễm như tim mạch, nguy cơ về ung thư. Bảo vệ môi trường sống không những cứu được sinh mạng của hàng triệu người mỗi năm mà giúp giảm thiểu chi phí y tế từ ngân sách quốc gia và gia đình. Tuy nhiên, cuộc chiến chống diễn biến khí hậu cực đoan hiện nay không còn nằm trong phạm vi của mỗi quốc gia mà là cuộc chiến chung của toàn cầu. Ở đó đòi hỏi mỗi công dân, chính phủ hành động để cứu lấy trái đất.

Bệnh dịch tả ảnh hưởng đến sức khỏe vượt qua kiểm soát tại Haiti.(Ảnh:UNAIDS)
Bệnh dịch tả ảnh hưởng đến sức khỏe vượt qua kiểm soát tại Haiti.(Ảnh:UNAIDS)

Báo Straitstimes của Singapore số ra hôm qua (ngày 7.10) có bài viết về hiện tượng El Nino năm nay kéo dài và mạnh nhất kể từ hàng chục năm qua, nhiệt độ trái đất cao hơn, gây ra hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng tại nhiều nơi. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu đang gây nên dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh bất thường tại khu vực Đông Nam Á. Ví như, Bộ Y tế Myanmar vừa xác nhận, trong 9 tháng đầu năm nay, Myanmar có đến 36 nghìn ca mắc sốt xuất huyết chủ yếu tại các khu vực bị lũ lụt, một con số cao kỷ lục kể từ năm 1965.

Tương tự, trên trang web thinkprogress (Mỹ) cho biết, mỗi năm có hơn mười triệu người trên thế giới nhiễm vi khuẩn xanmon (gây bệnh dịch tả), trong đó hơn 100 nghìn ca tử vong, là do môi trường bị ô nhiễm. Các vi khuẩn gây bệnh “sinh sôi” mạnh, nhiễm vào thức ăn và nguồn nước. Theo các chuyên gia y tế, thông thường thì bệnh dịch tả sẽ bùng phát vào mùa hè và chấm dứt vào mà đông. Thế nhưng, nhiệt độ trái đất đang tăng kéo theo hiện tượng thời tiết nóng bức kéo dài như năm nay, làm mùa hè càng kéo dài, số người nhiễm bệnh càng gia tăng.

Tương tự, bệnh sốt rét - một căn bệnh do ký sinh gây ra, là “sát thủ” gây ra 600 nghìn ca tử vong tại châu Phi, trong đó trẻ em tử vong chiếm tỷ lệ cao nhất mà một trong những nguyên nhân là do thời tiết nóng dần lên. Đáng lo ngại là những căn bệnh gây chết người nêu trên hiện nay trên thế giới chưa có vắc xin tiêm phòng. Còn tại châu Âu, ô nhiễm không khí là thủ phạm chính của 400 nghìn ca tử vong sớm mỗi năm. Theo Cơ quan Môi trường châu Âu (AEE), các chứng bệnh tim mạch và chứng nhồi máu cơ tim là nguyên nhân chính (chiếm tỷ lệ đến 80%) các ca chết sớm do ô nhiễm không khí tại châu lục, trên cả các chứng bệnh về phổi và ung thư. Riêng tại Pháp, các nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí có thể ngốn đi ngân sách của nước này đến gần 100 tỷ euro mỗi năm, liên quan chủ yếu đến hậu quả của ô nhiễm không khí lên sức khỏe.

Theo WHO, tất cả căn bệnh có nguyên nhân từ biến đổi khí hậu gây ra hoàn toàn có thể phòng tránh, tùy thuộc vào hành động của mỗi người.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG