Chuyện ghi ở Gợp

N.THI 08/10/2015 09:41

Sau trận đánh kinh thiên động địa tại Cổng Trời, người dân Cơ Tu tại xã Cà Dăng (Đông Giang) cũng ngầm truyền miệng với nhau, nơi đây là mảnh đất thiêng, ai cũng phải cung kính mà không được xâm phạm...

Làng Mèn đang trên đường phát triển. Ảnh: N.THI
Làng Mèn đang trên đường phát triển. Ảnh: N.THI

1. Xã Cà Dăng lâu nay được xem như một “ốc đảo” giữa rừng già. Nơi đây núi non trùng điệp. Những ngôi làng chỉ có lác đác nhà dân nằm men theo các sườn núi. Bao đời nay, Cà Dăng là nơi sinh sống của tộc người Cơ Tu xứ Quảng. Từ Trại giam An Điềm (xã Đại Hưng, Đại Lộc) chạy lên Cà Dăng là con đường đất gồ ghề, đầy dốc dựng đứng. Sau cơn mưa rừng, con đường trở nên thử thách hơn với chúng tôi. Anh bạn đồng nghiệp ngồi sau xe cứ mỗi lần tôi lên dốc hay qua những chỗ bùn lầy lại phải nhảy xuống đi bộ. Cả đoạn đường này chỉ khoảng 20km nhưng chúng tôi phải mất gần 2 giờ đồng hồ mới đến. Trong tất cả con dốc gây sởn da gà ở cung đường này thì dốc Ba Nga và dốc Vĩnh Biệt được mệnh danh là “đệ nhất dốc”. Trong đó, dốc Vĩnh Biệt khi mới nghe tên đã thấy choáng.

Lao xuống một con dốc cao là tới ngay dốc Vĩnh Biệt. Anh bạn đồng nghiệp nhìn thấy cái dốc đứng quá, dài gần 200m, thì vội vàng bảo tôi dừng xe để anh xuống đi bộ. Một bên dốc là núi cao dựng đứng, một bên là hố sâu thăm thẳm. Nếu lái xe không chú ý và tập trung cao độ thì rất dễ lao cả người và xe xuống vực sâu. Chiếc xe cà tàng của tôi lên được nửa dốc thì như có lực kéo vô hình, không lên tiếp được, bánh xe lăn chậm dần, đứng lại rồi quay lui. Chưa bao giờ trong đời tôi có cảm giác nín thở khi chạy xe như khi đi qua dốc Vĩnh Biệt. Sau rất nhiều cố gắng và phải mất gần 20 phút chúng tôi mới đưa chiếc xe vượt dốc Vĩnh Biệt.

2. Đến Cà Dăng khi mặt trời bắt đầu đi ngủ sau những dãy núi mờ xa, chúng tôi vào ở nhờ nhà một anh tên Bảo. Bảo là người dưới huyện Đại Lộc lên đây buôn bán tạp hóa. Và thật may cho chúng tôi khi trong bữa cơm nhạt chiều tối đó tại nhà anh Bảo, chúng tôi gặp được anh Alăng Den - Chủ tịch UBND xã Cà Dăng. Vì nhà anh Den sát cạnh nhà anh Bảo nên chúng tôi mời anh Den qua cùng ngồi trò chuyện. Hôm đó, chúng tôi được nghe anh Den kể nhiều về mảnh đất này.

“Mình sinh ra và lớn lên ở đây nên cũng nhiều lần nghe người cao niên trong làng kể về trận đánh kinh thiên động địa tại Cổng Trời trong thời kỳ chống Mỹ xâm lược” - anh Den kể.

Cổng Trời mà anh Den nhắc đến là phần đất thuộc làng Mèn, xã Cà Dăng. Người dân trong vùng hay gọi nơi này là Gợp. Lịch sử Đảng bộ huyện Đông Giang cũng nêu rõ về trận đánh này: “Vào sáng 15.10.2960, địch ở đồn Hiên chia làm 3 tốp với 3 trung đội hành quân cách nhau một quãng khá dài tiến về dốc Gợp. Đến 9 giờ sáng, trung đội hành quân đầu tiên của địch đã lọt vào trận địa mai phục của ta, dưới sự chỉ huy trận đánh của đồng chí Bhnươch Ríp. Ba tiếng chim kêu làm hiệu vang lên, lập tức các cánh mũi tên thuốc độc của ta bắn thẳng vào tên chỉ huy trung đội địch. Đồng thời toàn bộ tên thò bay thẳng vào đội hình làm địch hốt hoảng tháo chạy tán loạn, rơi vào các bẫy hầm chông tre. Toàn bộ trung đội địch bị tiêu diệt, 2 trung đội đi sau hốt hoảng tháo lui...”.

Dù câu chuyện về trận đánh tại Cổng Trời đã nhuốm bụi thời gian, nhưng ký ức về nó vẫn còn được lưu truyền cho đến tận ngày nay. Ông Lê Văn Trưởng - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đông Giang cho biết, thực tế tại Gợp còn diễn ra một số trận đánh nữa. Tuy nhiên, do không đủ cứ liệu lịch sử nên đến nay cũng chỉ ghi nhận được trận đánh năm 1960 mà thôi.

3. Từ sau trận đánh đó, người dân làng Mèn nói riêng và xã Cà Dăng nói chung xem Cổng Trời là mảnh đất thiêng. Ai ai trong xã cũng đều tỏ thái độ thành kính mỗi khi đi qua nơi này. “Không riêng người dân Cà Dăng xem Cổng Trời là mảnh đất thiêng, chính tôi mỗi khi đến đó cũng lạnh người lắm. Anh biết tôi thấy có cây gỗ hoàng linh rất to chỗ Cổng Trời, mấy lần định xẻ gỗ về làm nhà nhưng không dám đốn hạ đó” - anh Bảo chia sẻ.

Cùng quan điểm với anh Bảo, anh Den nói: “Bà con ở xã mình không ai dám đốn hạ cái cây, bắt con thú nào ở Cổng Trời. Khu vực Cổng Trời có rất nhiều trăn. Người ta coi trăn ở đây là trăn “ông”, trăn “bà”, là trăn “thần” nên chẳng ai dám bắt”...

Sáng sớm hôm sau chúng tôi nhờ Bảo dẫn đường đưa lên Cổng Trời để được “mục sở thị” mảnh đất thiêng của đồng bào Cơ Tu nơi đây. Quãng đường từ trung tâm xã Cà Dăng lên Cổng Trời dài gần 10 cây số với rất nhiều đường dốc hiểm trở. Trên đường đi, thi thoảng chúng tôi bắt gặp nhóm thợ làm cầu đường. Gần một tiếng đồng hồ vượt đèo, qua 3 ngầm nước, chúng tôi đến Cổng Trời. Chúng tôi để xe lại, men theo con đường nhỏ xuống dốc để đến Cổng Trời. Trước mắt chúng tôi, một dòng suối nghiêng mình uốn lượn dưới cổng đá với rất nhiều thạch nhũ kỳ thú.

Cổng Trời hiện ra trước mắt chúng tôi đẹp lung linh như một bức tranh vẽ. Một “cây cầu” đá tự nhiên với nhiều hình hài thạch nhũ vắt ngang qua 2 quả đồi dài chừng 50m. Dưới “cây cầu” đá, dòng suối rì rào chảy. Trời đang nắng trưa, nhưng khi chúng tôi bước vào dưới “cầu” đá, cảm giác lành lạnh bao trùm cơ thể.

Trong lúc chúng tôi ngồi nghỉ dưới “cây cầu” đá, một nhóm người dân bản địa gùi lúa rẫy đi ngang. Tôi gọi hỏi một anh còn trẻ trong nhóm mà sau tôi biết anh tên là Alăng Tôn về sự xuất hiện của trăn “thần” ở Cổng Trời. Anh Tôn bảo: “Trăn ở đây nhiều lắm. Trăn lớn có, nhỏ có. Mình cũng hay gặp nữa. Cách đây chừng nửa tháng mình có gặp một con trăn thân to bằng bắp đùi. Mỗi lần gặp trăn “thần” ở Cổng Trời, mình cũng như nhiều người khác đều tìm đường khác mà đi, không thì phải chờ cho trăn “thần” qua rồi mình mới đi. Mình không dám vô lễ với trăn “thần” đâu”.

Vượt qua mưa bom bão đạn, đến nay xã Cà Dăng không ngừng thay da đổi thịt. Hiện xã có gần 2.000 nhân khẩu, riêng làng Mèn có 58 hộ dân. Chia tay Cà Dăng, chia tay Cổng Trời, chia tay những em học sinh làng Mèn vừa tan lớp, chúng tôi tin tưởng một tương lai tươi sáng đang mở ra với làng Mèn nói riêng và xã Cà Dăng nói chung. Và chúng tôi mong sao một ngày gần đây, những điều ông Lê Văn Trưởng nói sẽ thành hiện thực: “Chúng tôi đang có kế hoạch đề xuất lên tỉnh lập bia di tích lịch sử cách mạng tại Gợp. Bởi đó cũng là mảnh đất anh hùng”.

N.THI

N.THI