Cày nát vùng lõi rừng
Vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, giáp ranh giữa 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn là “đất sống” cho đối tượng khai thác vàng trái phép. Bất chấp lệnh cấm của UBND tỉnh, hàng loạt phương tiện, thiết bị, dụng cụ tận thu vàng đã đưa vào cày nát núi rừng, làm ô nhiễm môi trường sinh thái…
Tàn phá sinh thái
Đường vào “xứ vàng” xã Đắc Pring (Nam Giang) trơn trợt, thi thoảng lũ xuất hiện dâng cao ở các ngầm suối, nhưng vẫn không ngăn cản bước chân của lực lượng bảo vệ, truy quét khoáng sản liên ngành các cấp. Bí mật phục kích vào các “tọa độ nóng” trong vùng lõi, lực lượng chức năng ghi nhận hiện thực xâm hại tài nguyên có dấu hiệu phức tạp hơn thời điểm trước đây. Đường mở dọc ngang, chi chít; có nhiều khoảnh rừng cây cối đã triệt hạ, san bằng nhìn vào giống một thung lũng cô đơn với hiện trạng đào bới nham nhở. Nhiều năm qua, chính quyền huyện Phước Sơn đã thành lập tổ cơ động chính quy tuyên chiến với “vàng tặc” (gồm các ngành tài nguyên - môi trường, công an, UBND huyện). Trong những ngày đầu tháng 9, tổ cơ động này tuần tra, truy quét trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh tại địa bàn thôn 4 (xã Phước Đức), phát hiện tại hiện trường bị cày nát với loang lổ hố sâu có một chiếc xe múc đất hiệu Kobelco, máy phát điện và nhiều dụng cụ khai thác. Các đối tượng làm vàng là chủ phương tiện trên được xác định là ông Đỗ Văn Dũng và Văn Tấn Bảy (cùng trú khối 7, thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn), ngay lập tức công an đã yêu cầu người, phương tiện rút khỏi rừng và đang điều tra mở rộng vụ việc. Theo tổ công tác của Công an huyện Phước Sơn, 2 đối tượng này đã tổ chức khai thác quy mô khá lớn, thiết bị cơ giới hiện đại tại bãi Kiến thuộc vùng lõi khu bảo tồn với thời gian dài, di chuyển địa hình liên tục. Trước đó, cuối tháng 7, mật phục hiện trường, các chiến sĩ, công an cũng bắt tại trận 2 đối tượng này dùng phương tiện máy móc trên tận thu vàng ở bãi Kiến. Đáng nói, lúc này có đến 2 xe múc, 12 máy nổ và máy xổ, máy phát điện và hàng chục phu vàng đang trực tiếp làm việc.
Đối tượng huy động cả xe múc để làm vàng trái phép tại xã Phước Đức (Phước Sơn). Ảnh: T.H |
Hai năm gần đây, các bãi Nhẹ, bãi Kiến thuộc thôn 4 (xã Phước Đức) nổi lên như tọa độ “nóng”. Một khu rừng rộng chừng 3ha ở đây đã bị cày xới ngổn ngang, nhiều điểm nước ứ đọng nhuốm màu đỏ lòm. Con suối Rin mùa này đục ngầu như phù sa do hứng chịu nước thải khai thác vàng trái phép từ trên đồi cao đổ xuống. Nhiều đống đất đá đổ cao do bới lấy quặng. Một cán bộ trong đoàn truy quét tiết lộ, để vận chuyển khối lượng lớn vật tư thiết bị phục vụ đào đãi vàng, giới thổ phỉ đã sử dụng các loại xe cơ giới san ủi đồi núi, mở mới hàng chục kilomet đường, nối từ trục đường tuần tra biên giới xuống các khe suối nằm sâu trong rừng. Nếu tiếp tục xâm hại, không bao lâu nữa, nhiều tọa độ khu bảo tồn là cái ruột trống rỗng, hình thành vô số thung lũng sâu trong rừng đặc dụng.
Cần một “liều thuốc” mạnh
Chiến dịch truy quét định kỳ, cao điểm của ngành chức năng đã gây thiệt hại đáng kể tài sản của đối tượng hủy hoại môi trường, vừa để thực thi nghiêm túc các chỉ thị, kế hoạch liên quan đến bảo vệ tài nguyên rừng, khoáng sản của tỉnh, cụ thể là Chỉ thị 20, ngày 21.8.2012 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp quản lý phương tiện, dụng cụ trái phép đưa vào rừng. Tuy nhiên, thực tiễn đặt ra, muốn giữ bình yên cho núi rừng còn nhiều việc phải làm, chứ không riêng cuộc đấu tranh với giới thổ phỉ. Vì sao người dân các huyện miền núi bám rừng, bám vàng để sinh nhai? Không khó để trả lời câu hỏi này. Đó là thực trạng người nghèo khắp nơi đổ về, dân bản địa khan hiếm tư liệu sản xuất, canh tác nông nghiệp thiếu bền vững. Cái lớn hơn là, cơ chế quản lý bất cập, chính sách thực thi pháp luật không nghiêm, “thế giới ngầm” trong vơ vét tài nguyên tồn tại, có tình trạng bảo kê cho vàng tặc của bộ phận cán bộ địa phương… Mặt khác, do thiếu kinh phí nên đến nay, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh vẫn chưa cắm mốc được ranh giới bảo tồn và ranh giới các phân khu chức năng ở ngoài thực địa. Cho nên, các phân khu chưa được bảo vệ hiệu quả và chưa tìm được “tiếng nói chung” trong khâu giữ rừng giữa chủ rừng và chính quyền các huyện Phước Sơn, Nam Giang.
Tại huyện Bắc Trà My, để chấn chỉnh công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn huyện, ngành tài nguyên - môi trường huyện phối hợp với các ngành liên quan đã điều động lực lượng trong tổ công tác cơ động tiếp tục kiểm tra, truy quét và chốt giữ tại các “điểm nóng” khai thác vàng vùng giáp ranh. Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - ông Nguyễn Nhuần cho biết, tuy mùa mưa nhưng ở các bãi thiếc luôn có từ 3 đến 5 chiến sĩ công an, cán bộ chốt giữ. Còn tại huyện Phước Sơn, 9 tháng đầu năm tổ công tác cơ động bí mật mở 5 đợt truy quét, đốt hàng chục lán trại, phá hủy 23 máy hút xịt vòi rồng và máy nổ, đẩy đuổi hàng trăm đối tượng ra khỏi rừng. Qua tìm hiểu, chúng tôi biết, sở dĩ các vàng tặc “nhờn thuốc” với các ngành chức năng là không thể xử lý đập phá tài sản lớn đã tịch thu. Hiện, các huyện Phước Sơn, Nam Giang, Bắc Trà My mạnh dạn đề xuất tỉnh ban hành văn bản pháp luật làm cơ sở xử lý phương tiện khai thác tài sản lớn, cụ thể mức phạt có thể lên đến 1 tỷ đồng.
TRẦN HỮU