Ứng phó với mưa bão - Bài 6: Phú Ninh sẵn sàng các phương án

VINH ANH 06/10/2015 08:30

Trước mùa mưa bão năm nay, công tác đảm bảo an toàn cho hồ chứa nước Phú Ninh tiếp tục được các cơ quan, đơn vị liên quan chú trọng.

  • Ứng phó với mưa bão - Bài 5: Mở đường tránh lũ
  • Ứng phó với mưa bão - Bài 4: Lo "lá chắn nước"
  • Ứng phó với mưa bão - Bài 3: Đảm bảo an toàn cầu Giao Thủy
  • Ứng phó với mưa bão - Bài 2: Ngăn ngừa hư hại di sản
  • Ứng phó với mưa bão - Bài 1: Vùng cao đề phòng sạt lở đất

Hồ chứa nước Phú Ninh có sức chứa khoảng gần 500 triệu mét khối, là công trình thủy lợi lớn nhất của tỉnh. Hệ thống công trình đầu mối bao gồm 1 đập chính, 5 đập phụ (đập Tư Yên, Long Sơn 1, Long Sơn 2, Long Sơn 3 và Dương Lâm), 3 tràn xả lũ, 3 cống lấy nước và 1 nhà máy thủy điện. Ngoài ra còn có 2 hệ thống kênh chính và trên 147km kênh cấp 1, 2. Công trình cách TP.Tam Kỳ khoảng 5km. Do đặc điểm về quy mô, vị trí, hồ chứa nước Phú Ninh được xếp là 1 trong 6 công trình thủy lợi quan trọng quốc gia. Do vậy, công tác phòng chống lụt bão (PCLB) nhằm đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du trong mùa mưa lũ là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Dự lường tình huống xấu

Trước tầm quan trọng của công trình, vừa qua, một hội nghị cấp tỉnh về công tác PCLB dành riêng cho hồ Phú Ninh đã được tổ chức. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì hội nghị. Tại đây, bên cạnh việc đánh giá lại kết quả thực hiện công tác PCLB năm 2014, các đại biểu tham dự đã tập trung nghiên cứu, góp ý cho phương án PCLB năm 2015. Theo đánh giá, an toàn của hồ chứa nước Phú Ninh luôn đảm bảo, tuy nhiên trước tình hình diễn biến bất thường của thời tiết thì rất khó để lường trước tình huống xảy ra. Vì vậy, công tác chuẩn bị các phương án nhằm đảm bảo an toàn cho hồ chứa nước và vùng hạ du luôn được đặt lên hàng đầu.

Các đại biểu góp ý phương án phòng chống lụt bão hồ Phú Ninh. Ảnh: VINH ANH
Các đại biểu góp ý phương án phòng chống lụt bão hồ Phú Ninh. Ảnh: VINH ANH

Căn cứ theo dự thảo phương án PCLB công trình hồ chứa nước Phú Ninh do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam soạn thảo, những tình huống mất an toàn đập có thể xảy ra đều được dự lường. Cụ thể, có 5 trường hợp có thể xảy ra đối với hồ chứa nước Phú Ninh được đặt ra gồm: mái đập bị trượt; xuất hiện mạch sủi, mạch đùn hạ lưu đập; cửa xả lũ bị đứt cáp không vận hành để xả lũ; mực nước hồ dâng cao hơn cao trình (trên 36,50m) nhưng đập tràn sự cố không làm việc; kẹt cửa van tràn xả lũ. Đối với từng trường hợp nêu trên đã có những phương án xử lý cụ thể đi kèm. Chẳng hạn trường hợp mái đập bị trượt, tức là do đường bảo hòa dâng cao, đồng thời mưa dài ngày đập bị ngấm lượng nước lớn nên có thể xảy ra hiện tượng trượt mái. Khi xảy ra trường hợp trên, thì cần tìm mọi cách để hạ mực nước hồ xuống thật nhanh (xả tràn, xả qua cống…), đồng thời tiến hành đắp cơ phản áp ở chân cung trượt bằng rọ đá, bao tải đất hoặc bằng cừ tre để giữ khối đất trượt lại.

Điều tiết xả lũ

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, việc vận hành xả lũ hồ Phú Ninh là hết sức quan trọng, phải làm sao vừa an toàn đập, an toàn cho tài sản, tính mạng người dân lại vừa đảm bảo nước tưới. Do đó, việc nghiên cứu, soạn thảo phương án PCLB hồ Phú Ninh phải cụ thể, sát thực tiễn và có tính khả thi cao, trong đó phải làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và địa phương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan cần rà soát củng cố lại lực lượng, vật tư để sẵn sàng cho các trường hợp xảy ra khi có sự cố. Đặc biệt cần lưu ý đến việc thông tin sớm cho cơ quan, nhân dân về thời gian, lưu lượng khi xả lũ, tránh xả lũ ban đêm, lúc triều cường.

Nhằm đảm bảo an toàn hồ chứa nước Phú Ninh, theo ông Võ Đình Niên - Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Quảng Nam, công tác điều tiết xả lũ trong mùa mưa bão là hết sức quan trọng. Tùy theo tình hình mưa lũ mà công tác điều tiết lũ phải được vận hành theo đúng kỹ thuật. An toàn hồ chứa là quan trọng nhất, do đó trong trường hợp phải xả lũ để đảm bảo an toàn thì phải ưu tiên, kể cả việc thiệt hại cho nuôi trồng thủy sản trong hồ, hay ngập lụt vùng hạ du. Tuy nhiên, nhằm hạn chế thiệt hại thì trước khi xả lũ phải thông báo trước với địa phương và một số đơn vị liên quan. Chính vì vậy, trong dự thảo phương án PCLB hồ chứa nước Phú Ninh đã đề cập rất cụ thể mối liên hệ giữa Tổ thường trực PCLB hồ chứa nước Phú Ninh và các địa phương liên quan. Ông Niên nói: “An toàn đập là ưu tiên hàng đầu. Do đó việc điều tiết xả lũ không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà nó còn là một nghệ thuật vận hành. Xả lũ làm sao vừa đảm bảo được an toàn vừa tránh thiệt hại cho vùng hạ du là cả một vấn đề”.

Theo phương án PCLB, công tác di dân trong từng trường hợp xả lũ bình thường hoặc khi xảy ra sự cố công trình đều được tính toán kỹ. Do đặc điểm của TP.Tam Kỳ nằm dọc theo sông Bàn Thạch, hệ thống thoát nước đô thị chưa hoàn thành nên thường xảy ra ngập lụt cục bộ khi có mưa lớn. Cùng với đó, để đảm bảo an toàn thì hồ Phú Ninh phải xả lũ. Mưa lớn kết hợp với xả lũ sẽ khiến cho một số khu vực của TP.Tam Kỳ ngập lụt. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, việc xả lũ sẽ được Tổ thường trực PCLB hồ Phú Ninh thông báo trước cho chính quyền địa phương. Tùy theo tình hình ngập lụt, các địa phương Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh sẽ chủ động phương án sơ tán và di dân. Trong trường hợp xảy ra sự cố công trình, tức là 3 tràn xả lũ của hồ chứa nước Phú Ninh xả tối đa mà mực nước hồ tiếp tục dâng và khi mực nước hồ lên đến cao trình +36,50m thì tràn sự cố Long Sơn 1 sẽ tự vỡ kết cấu đến cao trình +32m và chuyển thành tràn xả lũ tự do. Nếu xảy ra trường hợp này thì công tác di dân phải được thực hiện khẩn trương. Đồng thời các sự cố như tràn sự cố không tự vỡ, hoặc tự vỡ nhưng kẹt cửa tràn xả lũ cũng được tính đến (kể cả việc nổ mìn phá đập tràn)… Cùng với việc dự lường các tình huống xấu có thể xảy ra, đi cùng với đó là công tác chuẩn bị về nhân lực, vật tư cũng được dự phòng kỹ. Trong đó, các lực lượng chủ lực như Trung đoàn 143, Lữ đoàn Công binh 270, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh… có vai trò quan trọng trong trường hợp xảy ra sự cố. Các tuyến giao thông quan trọng phục vụ công tác ứng cứu, đi lại khi xảy ra sự cố công trình cũng được chỉ ra.

VINH ANH
Bài 7: Hoàn thiện các âu thuyền
Các công trình khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá ở Cửa Đại và Cù Lao Chàm (Hội An) tiếp tục được đầu tư xây dựng hoàn thiện đã bớt nỗi lo cho ngư dân trong mùa mưa bão…

VINH ANH