Quản lý tổng hợp vùng bờ: Hoàn thiện cơ chế, phát huy nguồn lực

NGUYỄN QUANG VIỆT 01/10/2015 09:39

UBND tỉnh vừa quyết định thành lập Ban điều phối thực hiện chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ Quảng Nam. Cùng với các nguồn lực đầu tư trong thời gian qua, việc hoàn thiện cơ chế quản lý là điều kiện cần để nâng cao công tác quản lý tổng hợp vùng bờ của tỉnh.

Huy động nguồn lực

Thời gian qua, công tác quản lý tổng hợp vùng bờ đã được chú trọng tại Quảng Nam. Nổi bật là hoạt động liên kết, hội nhập với quốc tế. Cụ thể, đến thời điểm này, Quảng Nam đã kết nối và thu hút được sự tài trợ kinh phí của nhiều tổ chức quốc tế khác nhau như Catholic Relief Services (CRS), Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Liên minh đất ngập nước (WAP) hay Chương trình rừng ngập mặn cho tương lai (MFF). Mới đây, dự án trồng và phục hồi rừng ngập mặn tại xã Tam Giang và Tam Hòa (Núi Thành) do tổ chức CRS tài trợ 3,2 tỷ đồng đã được nghiệm thu và bàn giao cho 2 địa phương ven biển quản lý. Dự án được tiến hành từ năm 2012 - 2015, trồng mới và phục hồi được 40ha rừng ngập mặn với 3 đối tượng chủ lực là đước, bần, mắm. Riêng tại xã Tam Giang, dự án được tiến hành từ tháng 6.2014 và hoàn thành vào cuối tháng 8.2015, trồng, phục hồi rừng ngập mặn được 27,45ha qua địa bàn 4 thôn Đông Xuân, Đông An, Đông Bình và Đông Mỹ. Theo UBND xã Tam Giang, trồng và phục hồi rừng ngập mặn sẽ hạn chế được sự xói lở ở bờ sông, giảm tác hại của gió bão và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nguồn kinh phí tài trợ của các tổ chức còn giúp tạo sinh kế ổn định cho các cộng đồng dân cư sinh sống ở khu vực nguy hiểm ven sông, ven biển trên địa bàn tỉnh. Rừng dừa nước phát triển tốt ở khu vực xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) vào thời điểm này cũng nhờ vào sự tài trợ của các tổ chức quốc tế.

Rừng dừa nước phát triển tốt ở khu vực xã Cẩm Thanh TP.Hội An. Ảnh: N.Q.V
Rừng dừa nước phát triển tốt ở khu vực xã Cẩm Thanh TP.Hội An. Ảnh: N.Q.V

Song hành với liên kết quốc tế, nguồn lực từ chính sự đóng góp của cộng đồng dân cư ven biển cũng đã giúp ổn định hơn trong quản lý tổng hợp vùng bờ. Điển hình là mô hình đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An), được UBND tỉnh thành lập vào năm 2013. Đến nay, các tổ chức cộng đồng do chính người dân thôn Bãi Hương bầu ra đã giữ vai trò quyết định trong mọi hoạt động tại vùng biển được giao quản lý. Các tổ tự quản, tổ tuần tra, tổ tuyên truyền trong tiểu khu bảo tồn biển đã hướng dẫn, giám sát người dân thôn Bãi Hương sản xuất đi đôi với bảo vệ và tái tạo nguồn lợi, đồng thời ngăn chặn sự xâm nhập trái phép của các tàu cá từ bên ngoài. Bà Nguyễn Hoàng Yến - Chi cục trưởng Chi cục Biển & hải đảo Quảng Nam cho rằng, quản lý tổng hợp vùng bờ là lĩnh vực đa ngành, đa phương diện, rất cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, địa phương, nhất là dân cư ven biển. Thực tế cho thấy, khi huy động sự vào cuộc của cộng đồng thì các chương trình, dự án đều đạt hiệu quả cao nhất.

Hoàn thiện cơ chế

Tại hội nghị “Truyền thông về quản lý tổng hợp đới bờ (THĐB) cho dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ” được Tổng cục Biển & hải đảo (Bộ TN-MT) phối hợp với Chi cục Biển & hải đảo Quảng Nam tổ chức cách đây một năm, PGS-TSKH. Nguyễn Tác An cho rằng, điểm mấu chốt trong quản lý tổng hợp vùng bờ là phải có cơ chế thông thoáng, có tính chất riêng biệt, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc” do liên quan đến tổng hợp đa ngành. Chỉ có vậy mới làm cho biển đảo và các khu vực liên quan trở nên năng động, phát triển phù hợp, hướng đến tính bền vững.

Vùng bờ Quảng Nam có diện tích tự nhiên khoảng 1.583km2 (15% diện tích toàn tỉnh), dân số chiếm 57% toàn tỉnh, đường bờ biển dài 125km, trải dài qua 6 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Thời gian qua, các hoạt động kinh tế - xã hội như xây dựng hạ tầng, phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế mở, du lịch, kinh tế biển… ở khu vưc này đã và đang đe dọa tài nguyên biển đảo cũng như đời sống của người dân. Bởi vậy, nâng cao quản lý tổng hợp vùng bờ là điều cần kíp, vì sự phát triển bền vững.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu ký quyết định thành lập Ban điều phối thực hiện chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ Quảng Nam, đây được xem là bước đi quan trọng trong việc hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp vùng bờ ở cấp độ địa phương. Ban điều phối có sự phân nhiệm và phối hợp rõ ràng. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn làm Trưởng ban, có sự phối hợp chặt chẽ của các Sở TN-MT, NN&PTNT, VH-TT&DL, Tài chính, Ngoại vụ, KH&CN, KH&ĐT cùng các địa phương ven biển. Nhiệm vụ của ban điều phối là tham mưu, giúp Chủ tịch UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ trong phạm vi của tỉnh theo đúng các quy định tại Quyết định số 2295/QĐ-TTg ngày 17.12.2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng như các nhiệm vụ khác liên quan đến công tác quản lý tổng hợp vùng bờ trong phạm vi của tỉnh được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, nhìn lại để phát triển là việc cần kíp trong quản lý tổng hợp vùng bờ của Quảng Nam. Có thể nhận diện được vài “điểm nghẽn” như các văn bản hướng dẫn triển khai từ Trung ương chưa đầy đủ, gây khó khăn trong thực hiện. Trang thiết bị, kinh phí phục vụ, công cụ quản lý còn thiếu và yếu. Bởi vậy, UBND tỉnh đề xuất với Trung ương rà soát, hướng dẫn và phổ biến kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp vùng bờ. Cùng với đó là đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương cũng như cụ thể hóa trách nhiệm, nhiệm vụ của từng ngành, đơn vị, có kế hoạch lồng ghép một cách thống nhất khi triển khai nhiệm vụ.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT