Hiệu quả từ sự khéo léo
Năm năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cấp, ngành, địa phương và các đoàn thể trên địa bàn toàn tỉnh triển khai có hiệu quả thông qua nhiều mô hình đa dạng, phong phú từ cơ sở.
Người dân xã Duy Sơn (Duy Xuyên) ra quân thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa. Ảnh: VINH ANH |
Tiếp sức cho người nghèo
Mô hình “Tiếp sức cho người nghèo” thông qua việc vận động cán bộ, nhân dân đóng góp kinh phí mua bò sinh sản tặng hộ nghèo là dấu ấn của phong trào dân vận ở xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên. Bà Hồ Thị Mị - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Duy Tân cho biết, với mục tiêu phấn đấu mỗi năm giảm 5 - 6% hộ nghèo theo nghị quyết HĐND xã đề ra, thời gian qua, Mặt trận và các đoàn thể đã vào cuộc cùng với đảng ủy và chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo. Trong 5 năm qua, Mặt trận xã vận động trên 121 triệu đồng giúp đỡ cho người nghèo. Gia đình chị Trần Thị Nghĩa ở thôn Phú Nhuận 3 là một trong những hộ nghèo khó của xã Duy Tân. Năm 2014, Mặt trận và các hội đoàn thể xã trao tặng chị Nghĩa 1 con bò sinh sản trị giá 18 triệu đồng để phát triển kinh tế. Nhờ chăm chỉ nuôi dưỡng, gần 1 năm chị thu về được 14 triệu đồng từ con bê đầu tiên. Có số tiền lớn cùng số tiền tiến kiệm ít ỏi bấy lâu, chị Nghĩa quyết tâm xây dựng lại ngôi nhà mới, đến nay sắp hoàn thành. Mặt trận xã “trợ lực” thêm bằng cách hỗ trợ thêm 1 phần kinh phí cho chị xây nhà. Phấn khởi vì ngôi nhà mới sắp hoàn thành, chị Nghĩa chia sẻ: “Có được con bò sinh sản, nay lại sắp có thêm ngôi nhà, gia đình tôi yên tâm làm ăn thoát nghèo, không phụ lòng mọi người đã giúp đỡ”.
Cùng với việc vận động cộng đồng xã hội “tiếp sức” cho người nghèo, phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Duy Tân còn đạt nhiều kết quả nổi bật. Bà Hồ Thị Mị cho biết, là xã thuần nông nên công tác vận động nhân dân thực hiện chương trình kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, luôn được chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quan tâm. Trong đó, vận động nhân dân thực hiện thành công dồn điền đổi thửa, xây dựng gần 15km đường giao thông nông thôn, 35km giao thông nội đồng, hơn 9km kênh mương bê tông. Đặc biệt, phong trào vận động đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế gia đình bằng nhiều hình thức phong phú như tổ góp vốn quay vòng bằng thóc, tiền, góp công, giúp cây con giống… đã nâng cao thu nhập, kinh tế cho người dân.
Bài học “Dân vận khéo”
Duy Xuyên là huyện triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đạt nhiều kết quả nổi bật. Các mô hình “Dân vận khéo” đa dạng, phong phú và được nhiều cơ quan, đoàn thể triển khai. Ông Võ Hải - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Duy Xuyên cho biết, 5 năm qua, xác định phong trào thi đua “Dân vận khéo” là nhiệm vụ thường xuyên, Ban Dân vận Huyện ủy tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đến các tổ chức cơ sở đảng, các cấp chính quyền, ngành, đoàn thể. Hệ thống tổ chức dân vận từ huyện đến cơ sở thường xuyên được củng cố kiện toàn. 14 khối dân vận xã, thị trấn đã có cán bộ bán chuyên trách phụ trách công tác dân vận, 94 tổ dân vận ở 94 thôn, khối phố do đồng chí bí thư chi bộ làm tổ trưởng. Hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể, hội quần chúng luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và hướng về cơ sở nên công tác vận động quần chúng luôn đạt được hiệu quả cao. Ông Hải cho biết, trên từng lĩnh vực, từng đơn vị đã xuất hiện những mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu như “Dồn điền đổi thửa”, “Thắp sáng đường quê”, “Hiến đất mở đường”, “Khu dân cư hài hòa, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường”, “Mái ấm gia đình”, “Tổ phụ nữ không có con hư hỏng, không có người vi phạm pháp luật”… Chia sẻ về kết quả thực hiện phong trào “Dân vận khéo”, ông Hải nói: “Dân vận khéo” là “khéo” kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, tập thể và Nhà nước, đồng thời “khéo” tuyên truyền, vận động, thuyết phục, khơi dậy được ý thức trách nhiệm công dân, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần sáng tạo, vượt khó, dám nghĩ, dám làm của quần chúng nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội để mọi người, mọi nhà, mọi tổ chức tự giác chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.
Đánh giá về kết quả thực hiện 5 năm phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên toàn tỉnh, ông Nguyễn Phước Khanh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, qua 5 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhận thức và trách nhiệm của các địa phương, đơn vị, cơ quan về công tác dân vận của Đảng được nâng lên, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào hành động cách mạng và thi đua yêu nước trong nhân dân. Ông Khanh nói: “Thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo sâu sát công tác vận động quần chúng, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể thì nơi đó sẽ tập hợp được lực lượng quần chúng, phong trào thi đua sôi nổi. Bên cạnh đó, việc tập trung xây dựng các mô hình điểm, các điển hình về công tác “Dân vận khéo” và nhân rộng trong các tổ chức dân vận cơ sở, ngành, Mặt trận và đoàn thể là hạt nhân thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
VINH ANH