Nâng cao chất lượng chăm sóc y tế
Được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế thông qua sự hỗ trợ từ nguồn quỹ khám chữa bệnh và việc cấp phát thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), rất nhiều hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được tạo điều kiện tốt hơn trong việc chăm sóc sức khỏe, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Phát triển mạng lưới y tế cơ sở
Theo hệ thống điện, đường đang được mở dần về phía các thôn, bản làng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, dịch vụ cùng hệ thống cơ sở y tế dần được đầu tư, nâng cấp. Có thể thấy được sự phát triển của ngành y tế thông qua hệ thống các trạm y tế xã được xây dựng mới, các trạm quân dân y ở miền núi được thành lập, cùng với việc thu hút đội ngũ y - bác sĩ tại các tuyến y tế cơ sở. Nhiều trung tâm y tế tuyến huyện nay đã có thể tiến hành siêu âm, xét nghiệm, chẩn đoán, thực hiện nhiều kỹ thuật phức tạp trong khám chữa bệnh, không chỉ mang lại cơ hội được chăm sóc sức khỏe kịp thời, nhanh chóng trong nhân dân mà còn giảm áp lực cho tuyến trên, vốn luôn trong tình trạng quá tải.
Người dân có cơ hội tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh với chi phí thấp nhờ sự đầu tư cho cơ sở y tế và chính sách BHYT. Ảnh: THANH DŨNG |
Từ khi được đưa vào sử dụng (năm 2013), các khoa phòng của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đông Giang luôn trong tình trạng chật kín bệnh nhân đến khám. Trước đây, khi phòng ốc còn xập xệ, dịch vụ kỹ thuật thiếu, đội ngũ y - bác sĩ chưa được kiện toàn, trung tâm chỉ tiếp nhận xử lý sơ cấp cứu ban đầu, người bệnh buộc phải đi hàng chục cây số đến Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc hoặc phải bỏ ra chi phí lớn để được điều trị tại các bệnh viện ở TP.Đà Nẵng. TTYT huyện Đông Giang được xây dựng, cải tạo lại với nhiều trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ y - bác sĩ được tăng cường đã mang lại hiệu quả lớn trong hoạt động khám chữa bệnh. Nhiều ca bệnh nặng được phát hiện kịp thời và chữa khỏi, người dân càng tin tưởng và tìm đến trung tâm nhiều hơn. Bác sĩ Phạm Công Anh - Phó Giám đốc TTYT huyện Đông Giang chia sẻ: “Toàn huyện có 22 bác sĩ, trong đó nhiều bác sĩ được tăng cường cho trạm y tế xã, nâng cao năng lực khám chữa bệnh ở tuyến này. Nhiều ca bệnh chúng tôi đã có thể tự xử lý và xử lý tốt, không để bệnh nhân và người nhà phải chuyển viện. Nhờ đó, không chỉ bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho nhân dân mà còn giúp người nghèo, các hộ dân tộc thiểu số giảm bớt chi phí điều trị”.
TTYT Đông Giang chỉ là một trong nhiều điểm sáng về nỗ lực tăng cường năng lực khám chữa bệnh, hướng đến việc chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân, đặc biệt với các đối tượng người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Ghi nhận chung trên toàn tỉnh, tỷ lệ người đến khám tại các TTYT ngày càng cao, nhất là ở các huyện miền núi. Trình độ nhận thức được cải thiện, công tác tuyên truyền, vận động bắt đầu phát huy hiệu quả, năng lực khám chữa bệnh của tuyến y tế cơ sở được nâng cao đã và đang tạo được bước chuyển mình đáng kể của ngành y tế. Đây là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận trong hành trình nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Điểm tựa từ BHYT
Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn, Quảng Nam vẫn hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho hộ cận nghèo, bên cạnh mức hỗ trợ 70% do trung ương quy định. Điều đó đồng nghĩa với việc không chỉ hộ nghèo, mà 100% số hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh cũng được cấp và sử dụng thẻ BHYT mà không phải đóng bất kỳ khoản phí nào. “Đây là một trong những cố gắng lớn của tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo có cơ hội được chăm sóc sức khỏe và sử dụng dịch vụ y tế, giảm bớt rất nhiều gánh nặng cho đối tượng này” - bà Nguyễn Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế chia sẻ.
Thời gian qua, bảo hiểm xã hội (BHXH) các huyện, thành phố đã liên tục tổ chức đoàn công tác đến từng xã, thị trấn và các trường học trên địa bàn để phổ biến kịp thời những nội dung mới của Luật BHXH; kiểm tra, đối chiếu và bổ sung các đối tượng được cấp thẻ, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Ông Dương Văn Hùng - Giám đốc BHXH huyện Tiên Phước cho biết: “Những nỗ lực trong thực hiện chính sách BHXH không chỉ giúp địa phương nắm đầy đủ thông tin, quản lý và chỉ đạo khắc phục kịp thời mà còn giúp người dân được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định. Người dân ngày càng hiểu hơn về quyền lợi của mình khi tham gia BHYT. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo”.
Sáu tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có hơn 1,2 triệu người tham gia BHYT. Các cơ sở y tế trên toàn tỉnh đã chi trả hỗ trợ cho 9.227 trường hợp; trong đó chi cho 4.400 trường hợp đối tượng là hộ nghèo, 4.313 đối tượng là người dân tộc thiểu số từ nguồn quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo. |
Theo thống kê của BHXH tỉnh, 6 tháng đầu năm, tỉnh đã cấp gần 254.000 thẻ BHYT cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân xã đảo. Theo Luật BHYT sửa đổi năm 2014 (có hiệu lực từ tháng 1.2015), hộ nghèo được BHYT chi trả 100% chi phí điều trị , thay vì chỉ có 95% như trước đây; còn những hộ cận nghèo được bảo hiểm chi trả 95% thay vì 80% như trước. Đây chính là chiếc “phao cứu sinh” cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Với chủ trương thu đúng, thu đủ theo quy định của luật mới sửa đổi, nguồn quỹ BHYT được kỳ vọng sẽ tăng lên, hướng tới mục tiêu người nghèo và cận nghèo được hưởng dịch vụ khám chữa bệnh tốt nhất với mức chi phí thấp nhất. “Tỉnh hỗ trợ hộ cận nghèo 30% mức phí giúp tỷ lệ người tham gia BHYT ngày càng tăng, nguồn quỹ BHYT sẽ tăng thêm. Đây chính là một chủ trương nhân văn tạo thuận lợi cho các hộ này trong việc khám chữa bệnh. Điều này sẽ tạo điều kiện thực hiện tốt hơn những mục tiêu an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân” - bà Nguyễn Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế nói.
Nỗ lực trong việc nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, thực hiện chính sách BHYT cho hộ nghèo, cận nghèo đang là những giải pháp giúp người nghèo được tiếp cận dịch vụ y tế, giảm gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh, bên cạnh việc tìm kiếm các giải pháp giảm nghèo và giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống nhân dân trong thời gian đến.
PHƯƠNG GIANG