Tập trung các giải pháp đổi mới GD-ĐT
Phần các nhóm giải pháp của Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã nhận được sự quan tâm góp ý của nhiều đảng bộ. Đặc biệt, ở mục 6 (Đổi mới giáo dục - đào tạo, phát triển khoa học - công nghệ, quản lý phát triển xã hội và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội), nhiều ý kiến góp ý thời gian tới cần triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, cụ thể, đồng bộ để đổi mới giáo dục - đào tạo.
|
Các tổ chức cơ sở đảng thuộc Thành ủy Hội An cho rằng Quảng Nam là vùng đất học. Do đó cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục và chú trọng bồi dưỡng nhân tài, phát triển khoa học công nghệ một cách đồng bộ. Có ý kiến cho rằng, nội dung trong dự thảo: “Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục ở khu vực miền núi, đầu tư phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú (nhất là ở bậc tiểu học và trung học cơ sở)”. Với diễn đạt này thì cụm từ trong dấu ngoặc đơn (nhất là ở bậc tiểu học và trung học cơ sở) có tính chất nhấn mạnh cho ý đầu tư phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú, trong khi theo quy định hiện hành, hệ thống trường dân tộc nội trú chỉ gồm cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Do đó, đề nghị nên điều chỉnh diễn đạt như sau: “Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục ở khu vực miền núi (nhất là ở bậc tiểu học và trung học cơ sở), đầu tư phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú nhằm tạo điều kiện nâng cao dân trí nhanh, bền vững và đào tạo cán bộ cho đồng bào dân tộc thiểu số”.
Trong khi đó, các tổ chức cơ sở đảng ở Điện Bàn lại cho rằng, trong Báo cáo Chính trị của Trung ương có nêu tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nhưng tỉnh chỉ giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục về kinh phí hoạt động, không giao quyền tự chủ về biên chế giáo viên; trong khi đó việc phân bổ biên chế của tỉnh cho các trường THPT lại không phù hợp nhu cầu của trường nên khó khăn trong tổ chức giảng dạy, hoạt động của các trường. Nhiều ý kiến cho rằng cần đặt vấn đề về chủ trương phát triển hệ thống nhà trẻ dành cho trẻ từ 12 đến 36 tháng tuổi vì đối tượng này trường mẫu giáo không nhận, trong khi đó nhu cầu của xã hội rất lớn; hiện nay hệ thống này đang phát triển tự phát, cần có chủ trương về quản lý hệ thống này cho chặt chẽ.
Ý kiến của các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ huyện Phú Ninh còn đề nghị bổ sung các giải pháp chăm lo, hỗ trợ về giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm cho người khuyết tật; xử lý tồn tại việc một số lượng lớn giáo viên chuyển từ miền núi về dôi dư; nên bố trí giáo viên chuyên ngành âm nhạc, hội họa tại các trường học tiểu học và trung học cơ sở; có chính sách đầu tư hợp lý cho các trung tâm giáo dục thường xuyên, dạy nghề; đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực và định hướng hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng... Có ý kiến đề nghị cần thể hiện rõ sự bình đẳng giữa giáo dục công lập với giáo dục ngoài công lập, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong giải pháp cần làm rõ vấn đề phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, trong đó chú trọng xây dựng chất lượng người giáo viên giỏi về chuyên môn, có kiến thức xã hội sâu rộng…
M.Đ (tổng hợp)