Rồi "mèo lại hoàn mèo"
Mỗi năm, UBND tỉnh lại có kế hoạch chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vào những dịp cao điểm như Tháng ATVSTP, chuẩn bị Tết Trung thu, Quốc tế thiếu nhi 1.6, Tết Nguyên đán... Đó là chưa kể hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm tra về ATVSTP của các đoàn kiểm tra liên ngành, phòng y tế... Nhiều lần đi cùng đoàn kiểm tra ATVSTP như các Sở Công Thương, Y tế, NN&PTNT... chứng kiến khá nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo, bếp ăn tập thể hoạt động trong điều kiện không mấy vệ sinh. Khá nhiều cơ sở làm bánh bông lan, bánh mì... nguyên vật liệu bừa bộn trên sàn nhà, lẫn lộn với quần áo, đồ dùng cá nhân. Bánh thành phẩm không được che đậy kỹ nên không tránh khỏi chuyện bị ruồi bu muỗi đậu. Dụng cụ làm bánh nhiều nơi không được rửa, kỳ cọ sạch sẽ nên các lớp bột, đường bám trên thành dụng cụ lâu ngày đổi màu đen xỉn. Sau khi lập biên bản, chỉ rõ những sai phạm mà các cơ sở vi phạm, đoàn kiểm tra hoặc sẽ xử phạt hành chính hoặc sẽ giao lại cho địa phương xử lý, theo dõi không được tái phạm lỗi tương tự. Thế nhưng, trong vài lần quay lại sau đó, tình trạng vi phạm vẫn như cũ ở một số cơ sở trong khi hàng hóa vẫn được bán ra phục vụ người tiêu dùng với số lượng không nhỏ.
Mùa trung thu 2015, UBND tỉnh thành lập 3 đoàn kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh phục vụ trung thu. Tỷ như đoàn kiểm tra do Sở Công Thương chủ trì, kiểm tra 3 huyện Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành. Tại Thăng Bình, Phòng Y tế huyện báo cáo việc kiểm soát tình hình ATVSTP khá ấn tượng khi có hơn 700 cơ sở kinh doanh, sản xuất đã có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức ATVSTP. Thế nhưng, tình hình thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Kiểm tra 2 cơ sở thì cả hai đều vi phạm về việc hàng hóa không có hóa đơn, cơ sở sản xuất đường bát không có bất kỳ giấy tờ đảm bảo ATVSTP, giấy khám sức khỏe, hàng hóa nguyên liệu không có hóa đơn, có chất phụ gia tại cơ sở... Điều đáng nói là vì nhiều lý do nên chưa thể xử phạt hoặc có bất cứ động thái nào khác từ đoàn kiểm tra, phải đợi 24h sau đó để cơ sở xuất trình giấy tờ về nguồn gốc hàng hóa. Kể cả chất phụ gia tạo màu cũng không được đem đi kiểm nghiệm đó là chất gì. Với câu hỏi, liệu sau khi đoàn kiểm tra rời đi, cơ sở đó có tiếp tục sản xuất và tái phạm hay không thì đoàn cho rằng, cán bộ địa phương sẽ giám sát nhưng rõ ràng, trong báo cáo trước đoàn thì con số khá đẹp nhưng tình hình thực tế khi kiểm tra lại hoàn toàn khác.
Có một điều không thể không nhắc đến là sự “bùng nhùng” trong quản lý ATVSTP của các cơ quan chức năng. Hiện Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP tỉnh không còn tồn tại. Từ khi giải thể, những tưởng kiểm tra ATVSTP theo từng ngành sẽ nhẹ nhàng hơn rõ ràng là rối hơn, nhập nhằng, chồng chéo hơn bao giờ hết. Thực phẩm nấu chín trong nhà hàng, bếp ăn... thì y tế lo. Thực phẩm tươi sống ngoài chợ là công thương lo. Nguyên liệu, gia súc, gia cầm là ngành nông nghiệp lo. Do đó, nói về ATVSTP thì vẫn không có đơn vị chủ công trong việc xử lý thực phẩm hoặc một vụ ngộ độc. Vậy nên, trước một cơ sở sản xuất không đảm bảo yêu cầu ATVSTP thì không ngành nào có khả năng đình chỉ mà phải đề nghị tỉnh phúc tra một lần nữa. Nhưng thời hạn để được phúc tra thì đã qua mùa cao điểm, mà thường là “mèo vẫn hoàn mèo” mà thôi. Với cách quản lý thực phẩm như hiện nay, người tiêu dùng đã và đang phó mặc niềm tin cho ông trời?
CHIÊU THỤC ANH