Niềm tri ân
Bước ra từ chiến tranh, Quảng Nam là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng người có công, đối tượng chính sách. Từ đó đến nay, Quảng Nam luôn xác định, muốn kinh tế - xã hội phát triển, một trong những vấn đề cần tập trung thực hiện tốt là chăm lo cho người có công. Đó cũng là lời đồng vọng tri ân của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể xã hội, nhân dân đất Quảng…
Lãnh đạo tỉnh thăm người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng - điều dưỡng người có công Quảng Nam. Ảnh: THÀNH CÔNG |
“Uống nước nhớ nguồn”
Phía đầu nguồn Thu Bồn, huyện Nông Sơn là một trong những căn cứ cách mạng, nơi ghi dấu những cống hiến máu xương của biết bao chí sĩ, chiến sĩ trong công cuộc đấu tranh giành độc lập. Tách ra từ huyện Quế Sơn, giữa bộn bề những công việc của buổi đầu xác lập, chính quyền huyện vẫn tập trung cho công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ tồn đọng, tồn sót, chăm lo cho người có công, đối tượng chính sách. “Là một trong những địa bàn chiến lược trong chiến tranh, nên số lượng người có công, đối tượng chính sách trên địa bàn Nông Sơn khá lớn. Ngay từ những ngày mới chia tách, chúng tôi đã tập trung tiếp nhận, xử lý và triển khai giải quyết dứt điểm hồ sơ còn tồn đọng, tồn sót. Đến nay, ngoại trừ những chế độ chính sách mới đang được triển khai, có thể nói Nông Sơn đã cơ bản thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng đối với người có công, không để xảy ra tồn đọng, tồn sót” - ông Lê Văn Châu, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nông Sơn chia sẻ.
Ngoài thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác giải quyết chế độ chính sách đối với người có công, ngành LĐ-TB&XH tỉnh còn tích cực triển khai phối hợp, huy động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể. Những dịp sơ kết, tổng kết, các mô hình làm tốt công tác người có công đều được biểu dương, khen thưởng kịp thời, từng bước nhân rộng. Cùng với đó, công tác quản lý của các cấp, các ngành, chế độ trách nhiệm của cơ quan làm công tác chính sách, trách nhiệm của cán bộ chuyên môn được nâng lên. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tổ chức thường xuyên, qua đó kịp thời xem xét xử lý những sai phạm, tiêu cực, nhũng nhiễu trong việc tổ chức thực hiện chế độ chính sách ưu đãi người có công, góp phần đảm bảo việc thực hiện chủ trương chính sách, chế độ ưu đãi ngày càng tốt hơn. |
Không chỉ là nhiệm vụ, việc tập trung giải quyết chế độ chính sách cho người có công còn là niềm tri ân của thế hệ hôm nay đối với những hy sinh, cống hiến của lớp người đi trước. Đây cũng chính là tâm niệm của những cán bộ làm công tác xác minh, giải quyết hồ sơ chế độ chính sách trong ngành LĐ-TB&XH tỉnh. Theo ông Trần Văn Chiến - Trưởng phòng Người có công Sở LĐ-TB&XH, các cán bộ chuyên trách của phòng đã làm việc liên tục, nghiêm túc với số lượng hồ sơ không nhỏ trong suốt thời gian vừa qua. Đối mặt với nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ chuyên trách thực hiện công tác chính sách cho người có công đã tận tâm, tận lực, nhiều lần đi cơ sở để xác minh hồ sơ, giải quyết chế độ chính sách... Triền miên trong chuỗi công việc khổng lồ đó, chính ý thức trách nhiệm đối với phần việc mình đảm nhận, với đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, đã trở thành động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác người có công. “Những hy sinh, cống hiến của thế hệ người đi trước là không thể nào đo đếm. Do đó, chúng tôi nghĩ mình phải tận tâm với công việc, hoàn thành nhiệm vụ được giao là góp phần tri ân những người có công, đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh” - ông Chiến nói.
Chung tay
Không thể phủ nhận những thành quả trong công tác giải quyết chế độ chính sách cho người có công của tỉnh trong thời gian qua. Song, vẫn còn đó những niềm trăn trở đối với đội ngũ cán bộ làm công tác người có công nói riêng, với chính quyền nói chung khi việc xác lập hồ sơ đề nghị công nhận vẫn còn xảy ra sai sót, quy trình xét duyệt chưa đảm bảo, chưa có sự chỉ đạo tập trung, tiến độ chậm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người. Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhìn nhận: “Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã tập trung quyết liệt trong công tác thực hiện chế độ chính sách cho người có công. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nảy sinh nhiều khó khăn, tồn tại. Đây cũng là thách thức mà ngành LĐ-TB&XH phải tập trung khắc phục trong thời gian đến”.
Từ năm 1997 đến tháng 6.2015, ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã xác nhận và thực hiện chế độ trợ cấp cho 10.887 liệt sĩ; 3.610 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 4.039 bệnh binh; 38.307 người có công giúp đỡ cách mạng; 5.030 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 8.279 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 33.162 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương; phong tặng và truy tặng 8.050 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nâng tổng số Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên toàn tỉnh lên 11.659 mẹ, trong đó có 1.095 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, đang được phụng dưỡng... |
Từ đầu năm đến nay, huyện Nam Giang đã triển khai nhiều buổi tuyên truyền, lồng ghép nội dung chính sách trong các dịp gặp gỡ, nói chuyện truyền thống. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu để đưa chính sách về người có công đến với đồng bào miền núi. Chính từ những cuộc gặp gỡ đó, ngành LĐ-TB&XH đã kịp thời rà soát, tháo gỡ vướng mắc, giải quyết chế độ cho người có công. Ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, trở ngại của việc giải quyết chính sách, chế độ đối với người có công một phần là do nhận thức của người dân chưa sâu, chưa cụ thể. Nhờ những kênh tuyên truyền, kịp thời giải thích, hướng dẫn cho nhân dân thực hiện mà huyện Nam Giang từng bước giải quyết nhiều hồ sơ tồn đọng, tồn sót, khắc phục những hạn chế trong công tác người có công trên địa bàn.
Song song với việc tuyên truyền, thông tin chính sách pháp luật về người có công đến với quần chúng nhân dân, ngành LĐ-TB&XH cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác người có công. Từ đó, năng lực thực hiện, hiệu quả công việc được cải thiện đáng kể, nhất là ở tuyến cơ sở, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, từng bước giải quyết dứt điểm những hồ sơ còn tồn đọng, tồn sót. “Vai trò của cán bộ ở cơ sở là rất quan trọng, do đó bên cạnh những buổi tập huấn định kỳ, ngành LĐ-TB&XH cũng đã triển khai nhiều buổi hướng dẫn các thông tư, chính sách mới về người có công. Nhờ đó, lượng hồ sơ tồn đọng, tồn sót và các chế độ chính sách mới được thực hiện sâu rộng và kịp thời, đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước” - ông Huỳnh Tấn Triều, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết thêm.
Sự chung tay của chính quyền và toàn xã hội là niềm tin, chỗ dựa để cùng đồng vọng lời tri ân, thể hiện lòng biết ơn và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” với biết bao thế hệ người có công đối với hành trình phát triển của quê hương, đất nước.
PHƯƠNG GIANG