Ứng phó với mưa bão - Bài 2: Ngăn ngừa hư hại di sản
Là những di sản kiến trúc lâu đời, mỗi khi đến mùa mưa bão, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An lại đối diện với những tác động, tàn phá của thiên tai. Vì vậy, công tác phòng chống bão lụt tại 2 di sản càng trở nên khẩn trương hơn bao giờ hết.
|
Cây ngã đổ va quẹt vào đền tháp là một trong những nguy cơ tiềm ẩn của Mỹ Sơn trong mùa mưa bão. Ảnh: V.LỘC |
Sẵn sàng ứng phó
Với hàng nghìn di tích chủ yếu là kiến trúc nhà gỗ có niên đại hàng trăm năm, Đô thị cổ Hội An thường xuyên đối diện với nguy cơ bị ngập lụt và hư hại mỗi khi đến mùa mưa bão. Rút kinh nghiệm những năm trước khi Chùa Cầu và một số công trình khác bị xói lở mạnh do tác động của dòng chảy, thời gian qua việc gia cố được tiến hành thường xuyên; các dự án như nạo vét khai thông dòng chảy, phòng chống mối mọt… sau nhiều năm triển khai đã hoàn thành, đặc biệt những ngôi nhà có nguy cơ sụp đổ cũng được kè chống an toàn. Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di tích Hội An cho biết, hàng năm thành phố đều bố trí nguồn kinh phí khoảng 50 triệu đồng cho công tác khảo sát kiểm tra từng công trình kiến trúc, kịp thời phát hiện những di tích xuống cấp để có giải pháp duy tu chống đỡ. Ngoài ra, trung tâm cũng phối hợp với các tổ dân cư, khối phố, phường nắm tình hình cụ thể danh sách từng ngôi nhà cổ, nhất là những ngôi nhà thuộc dạng xuống cấp nghiêm trọng để khoanh vùng theo dõi. “Sau nhiều năm Hội An được các cơ quan ban ngành của tỉnh và trung ương quan tâm tập trung nguồn lực, đến nay hầu hết di tích xuống cấp nghiêm trọng đã thoát khỏi nguy cơ sụp đổ. Hiện chỉ còn khoảng 12 di tích nhưng cũng đã nằm trong kế hoạch tu bổ, vì cuối năm chưa làm được nên sẽ triển khai sang năm sau. Riêng với sạt lở bờ sông Hoài đoạn từ Chùa Cầu đến cầu Cẩm Nam cũng đang thành lập ban chỉ đạo để chuẩn bị tu bổ, trước mắt sẽ ứng trước 50 tỷ đồng (trong tổng dự trù kinh phí khoảng 140 tỷ đồng), cuối năm nay sẽ khởi công, còn lại sang năm tính tiếp” - ông Trung nói.
Tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, do vị trí nằm trong lòng chảo, khe suối hẹp, cây rừng che phủ nên đến mùa mưa bão thường bị gập úng cục bộ, cây ngã va quẹt vào di tích ảnh hưởng rất lớn đến công trình kiến trúc cũng như các hoạt động du lịch và sự an toàn của du khách. Trước thực tế trên, Ban Quản lý di tích đã thành lập ban phòng chống bão lụt với sự tham gia của các thành viên là tổ bảo vệ, tổ di tích, đoàn viên thanh niên… thường xuyên kiểm tra, rà soát từng tháp, kịp thời phát hiện những cây rừng đổ ngã để có biện pháp chống đỡ hoặc đốn hạ. Riêng với các nhóm tháp E, F, B do đã xuống cấp hoặc đang trong quá trình chờ trùng tu nên việc kiểm tra, phòng chống càng được chú trọng. Ngoài chống đỡ các mảng tường rạn nứt, việc gia cố chân tháp, đặt bảng cảnh báo tại những tháp có nguy cơ sụp đổ cao cũng được các thành viên trong ban phòng chống bão lụt liên tục kiểm tra xử lý, sẵn sàng ứng phó khi có mưa bão hay tình huống xấu xảy ra.
Nguy cơ tiềm ẩn
Theo ông Phan Hộ - Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, để chủ động phòng chống bão lũ, thời gian qua bên cạnh việc rà soát lại hệ thống cây cối, cắt tỉa cành nhánh tránh ngã đổ, ban quản lý cũng tăng cường khảo sát lại các dòng suối, kịp thời có giải pháp kè chắn xói lở gây ảnh hưởng đến khu vực tháp. Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng hẹp nên hiện tượng gió lốc, gió xoáy xảy ra khiến cây cối ngã đổ vào tháp là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, các khu vực dịch vụ bên ngoài như nhà đôi, quầy dịch vụ ăn uống công đoàn, nhà trưng bày... đều nằm ở khu vực biệt lập, địa bàn rộng nên rất khó khăn khi xây dựng các phương án phòng chống lụt bão. Đặc biệt, khi mùa mưa đến, nước lũ tràn về ngập các nhóm tháp B, C, D về lâu dài sẽ dẫn đến hiện tượng phân rã các mạch gạch tường tháp. “Vấn đề lo lắng nhất của Mỹ Sơn trong mùa mưa bão là xói lở khe Thẻ nên phải có giải pháp cấp thiết. Hiện phương án kè mềm đang được Ban Quản lý di tích trao đổi, hợp tác chặt chẽ với Viện Sinh thái và bảo vệ công trình Việt Nam dưới hình thức trồng các loại cây cỏ có khả năng bảo vệ bờ suối khe Thẻ chống ảnh hưởng đến thực trạng khu di tích” - ông Hộ cho biết.
Khác với Khu đền tháp Mỹ Sơn, mối quan ngại của Đô thị cổ Hội An chính là những tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến sự bất thường của thời tiết. Ông Nguyễn Chí Trung cho rằng, nếu bão lụt bình thường thì không sao nhưng trong trường hợp bão lụt lớn, diễn biến phức tạp thì khó biết đâu mà lần, vì liên quan đến biến đổi khí hậu là những thay đổi của dòng chảy, bồi tụ, xói lở… “Lụt lội của Hội An là chuyện đã xảy ra hàng trăm năm qua vì phố nằm ở vùng hạ lưu cửa sông, ven biển. Vấn đề bây giờ là lụt ít hay lụt nhiều, dòng chảy ra sao. Ví dụ như ngày xưa cũng lụt nhưng do dòng chảy được khơi thông, nên thời gian ngập nước ít, còn bây giờ do sông bị bồi cạn nên lụt xuống chậm hơn, dòng xoáy cũng mạnh hơn. Giải pháp tạm thời cũng chỉ là khai thông dòng chảy nhưng cái này lại thuộc vấn đề lớn của tỉnh, của trung ương. Còn trách nhiệm, khả năng địa phương có hạn. Chưa nói, di tích thì phải xuống cấp, cứu được cái này thì cái khác xuống cấp nên công tác tu bổ là thường xuyên. Điều quan trọng là những cái có nguy cơ bức thiết thì Hội An đã qua được giai đoạn đó. Tất nhiên vẫn còn vài di tích do vướng quyền sở hữu đang được tháo gỡ nhưng nhìn chung cũng đã ổn và đang tiếp tục lập hồ sơ tu bổ” - ông Trung phân tích.
______________________
Bài 3: Đảm bảo an toàn cầu Giao Thủy
Nhà thầu thi công dự án cầu Giao Thủy đang đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dứt điểm những hạng mục dở dang và sẵn sàng nhiều phương án ứng phó khi mùa mưa bão đã bắt đầu.
THÂN VĨNH LỘC