Hết lòng với trẻ khuyết tật
Đã 15 năm nay, chị Phan Thị Tám (trú Điện Thọ, thị xã Điện Bàn) vẫn cần mẫn săn sóc và đem lại niềm vui tiếng cười cho nhiều trẻ khuyết tật tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật liên xã Điện Thọ. Vừa tất bật chuẩn bị nấu ăn buổi trưa cho các em, chị Tám vừa kể về những năm tháng gắn bó đầy thăng trầm với trung tâm thiện nguyện này.
Chị Tám chuẩn bị bữa trưa cho các em tại trung tâm. |
Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật liên xã Điện Thọ bắt đầu hoạt động vào năm 2000. Ngay từ ngày đầu, với chị Tám, trung tâm này đã trở thành mái nhà thứ hai. Chị tâm sự, hằng ngày nhìn những cảnh đời bất hạnh tại đây mình càng có thêm động lực để tận tâm chăm sóc, giúp các em tìm được một niềm vui nho nhỏ nào đó trong cuộc sống. Ở đây, chị và các cộng tác viên khác tập cho các em những kỹ năng cơ bản như đi, đứng, viết…, điều tưởng như đơn giản với các đứa trẻ bình thường nhưng là cả kỳ tích với các em khuyết tật. Nhiều trường hợp khuyết tật nặng khi mới tới trung tâm chỉ nằm im một chỗ la hét sợ sệt nhưng với sự chăm sóc, kèm cặp tận tình của chị Tám, sau một thời gian ngắn đã biết đi chập chững và cảm thấy yêu đời hơn rất nhiều. Như trường hợp của Nguyễn Văn Trung (trú Điện Phước, Điện Bàn) bị khuyết tật phải ngồi xe lăn, năm nay đã 22 tuổi và ở trung tâm ngay từ những ngày đầu mới mở. Đáng ra ở tuổi này, trung tâm không còn nhận nữa vì đã quá độ tuổi quy định nhưng hoàn cảnh và tình cảm của em với mọi người ở trung tâm quá lớn khiến chị Tám vẫn nhận em để chăm sóc. Có lần chị ứa nước mắt khi tình cờ thấy Trung cố gắng viết từng nét chữ nguệch ngoạc vào mẩu giấy hết sức cảm động với nội dung “ba em bị bệnh nặng, mọi gánh nặng gia đình đều dồn hết vào mẹ, thương mẹ lắm nhưng không làm gì được, con chỉ cố gắng sống có ích cho đời hơn thôi”.
Do là trung tâm thiện nguyện nên vấn đề kinh phí và phụ cấp gặp rất nhiều khó khăn. Cứ vài năm trung tâm lại phải nhọc nhằn tìm kiếm đơn vị tài trợ một lần, đã hai tháng nay do phía tài trợ gặp khó khăn chưa thể chuyển kinh phí hoạt động, chị Tám đã phải “tạm ứng” gần chục triệu đồng để đi chợ và phục vụ các em. Lương phụ cấp của chị ở đây cũng chỉ có hơn 1 triệu đồng/tháng nên chị còn phải quần quật làm thêm nhiều việc để nuôi con gái đang học đại học. Nếu không tìm kiếm được nhà hảo tâm tài trợ mới, dù rất đau xót nhưng nhiều khả năng trung tâm phải đóng cửa một thời gian bởi thiếu kinh phí hoạt động. Chị nói: “Gắn bó với trung tâm đã mười lăm năm nay, coi các em khuyết tật cũng như con mình. Còn làm tới bây giờ cũng vì tâm huyết và cái tình với bọn nhỏ chứ tiền bạc chẳng được chi nhiều. Đã thế, giờ trung tâm còn có khả năng phải đóng cửa một thời gian do thiếu kinh phí. Buồn lắm nhưng cũng đành bất lực chẳng biết phải làm thế nào”.
QUỐC TUẤN