Cù Lao Chàm Khan hiếm nước ngọt
Gần 2 tháng qua, người dân trên đảo Cù Lao Chàm phải chật vật mỗi ngày vì nguồn nước ngọt khan hiếm.
Từ tờ mờ sáng, hàng trăm người dân thôn Bãi Ông (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) phải tất bật với việc đi lấy nước ngọt. Người xách can, người mang thùng, xách thau… đổ về các điểm có nguồn nước ngọt để tranh thủ lấy trước. Chị Năm (một người dân thôn Bãi Ông) vừa gánh nước vừa thở hổn hển, than phiền: “Suốt 2 tháng nay, thời tiết khô hạn, nắng chang chang kéo dài, nước khô ran, không còn một giọt. Muốn có nước phải mang thau lên tận suối hứng từng giọt rồi mới có gánh về dùng, khổ ơi là khổ!”.
Thôn Bãi Ông có hơn 100 hộ dân với khoảng 600 nhân khẩu, có địa hình cao nhất xã Tân Hiệp, phần đất nền phần lớn là đá, không thể khoan được giếng. Người dân phải lên suối hay xuống giếng cổ tại thôn Cấm, quãng đường dài hơn 2km để tìm nước về dùng. “Nhà tôi dùng tiết kiệm ít nhất phải bốn đôi (gánh) nước trong ngày. Đó mới chỉ nấu ăn, rửa mặt và vệ sinh. Còn tắm giặt thì cả nhà phải lên suối. Thiếu chi còn chịu được chứ thiếu nước làm răng chịu nổi? Hai tháng ni cứ 4 giờ sáng lên suối đông nghịt người, mà buổi sáng còn đỡ, chiều lại còn đông hơn. Nhất là mấy ngày nắng nóng, từ người già đến con nít phải lên suối tắm giặt, hứng nước xách về dùng. Nhiều lúc quá đông giành lộn cãi vã, thậm chí đánh nhau để giành nước. Cũng vì nước mà làm mất tình làng nghĩa xóm” - chị Nguyễn Thị Dung (thôn Bãi Ông) nói.
Nước ngọt tại Cù Lao Chàm ngày càng khan hiếm. Ảnh Minh Hải |
Chuyện thiếu nước ngọt tại đảo Cù Lao Chàm vào mùa nắng thường xuyên diễn ra. “Ở đây năm nào cũng vậy, nắng là thiếu nước. Bà con kiến nghị lên xã liên tục, nhưng chúng tôi bất lực, vì xã không có kinh phí để đầu tư. Chúng tôi chỉ biết kiến nghị lên TP.Hội An và tỉnh. Nhưng nguồn vốn chậm dẫn đến việc thiếu nước ngọt cho người dân” - ông Trần Tấn Dũng, Bí thư Đảng bộ xã Tân Hiệp cho biết. Năm 2012, Nhà nước đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt tại Bãi Bìm, công trình có tổng diện tích 16.000m2, chứa khoảng 85.000m3 nước với vốn đầu tư 23 tỷ đồng từ nguồn Chương trình Biển Đông - hải đảo. Hồ được thiết kế đủ đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho hơn 3 nghìn người dân và các lực lượng, đơn vị bộ đội đóng chân ở Cù Lao Chàm. Tuy nhiên sau 3 năm đưa vào hoạt động, tình trạng thiếu nước vẫn tái diễn.
Ông Nguyễn Tuân - Đội trưởng Đội dịch vụ công ích Cù Lao Chàm (Công ty CP Công trình công cộng Hội An) cho biết: “Việc thiếu nước có nhiều nguyên nhân, thứ nhất là đường ống chính bằng sắt, được đầu tư từ năm 1997. Đường ống có đường kính phi 140cm, qua nhiều năm sử dụng, phèn và các tạp chất bám đóng bên trong, nay chỉ rộng khoảng 80 - 90cm. Đường ống bị gỉ sắt, thêm vào đó xe ủi thi công đường làm bể nhiều đoạn gây thất thoát nước. Bên cạnh đó, ở Cù Lao Chàm chưa gắn đồng hồ nước đến từng hộ, hiện nay chúng tôi chỉ thu theo đầu người, mỗi người khoảng 3 nghìn đồng/tháng. Mức thu quá thấp, vì thế những hộ ở thấp cứ mở nước chảy thoải mái khiến hồ nhanh cạn kiệt, không đủ nước đáp ứng cho người dân”.
Theo chân nhân viên Đội công ích lên tận hồ, chúng tôi rùng mình trước cảnh nguồn nước ít ỏi còn lại ở đáy hồ đang bị ô nhiễm. Toàn bộ mặt nước có màu vàng đục, bốc mùi hôi thối. Ông Tuân thừa nhận: “Màu nước đục này là do lá cây rừng rụng xuống và phân bò gây nên. Nhưng chưa có kinh phí đầu tư hệ thống lọc làm sạch nước”. Điều đáng nói, hiện mỗi ngày Cù Lao Chàm đón gần 3 nghìn lượt khách du lịch. Tình trạng thiếu nước ngọt và nguồn nước bị ô nhiễm như trên không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn tác động nghiêm trọng đến hoạt động dịch vụ - du lịch.
MINH HẢI - PHAN VINH