Chỉ tiêu đưa ra cần phải dựa trên cơ sở dự báo khoa học, tránh mâu thuẫn

29/09/2015 08:35

Sau khi mở chuyên mục “Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng”, Báo Quảng Nam nhận được ý kiến góp ý của ông Phan Văn Minh - Trưởng ban Kiểm tra Hội VHNT tỉnh đối với Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XX) trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI.

  • GÓP Ý DỰ THẢO CÁC VĂN KIỆN TRÌNH ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII VÀ ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XXI

Về đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2010 - 2015), ông Phan Văn Minh cho rằng: Phần lớn nội dung báo cáo của Dự thảo vẫn dừng lại ở mức độ nhận định chung. Đề nghị bổ sung thêm các dẫn chứng minh họa điển hình, nhất là những biểu hiện tiêu cực có tính chất “nóng” mà báo chí và dư luận đã từng chỉ ra như: phá rừng, khai thác tài nguyên trái phép, xả lũ tùy tiện, trốn thuế, tham ô...

Ở phần thứ hai về “Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển Quảng Nam đến năm 2020”, ông Phan Văn Minh cho rằng, các số liệu chỉ tiêu khi đưa ra cần phải dựa trên cơ sở dự báo khoa học, tránh mâu thuẫn hoặc duy ý chí. Chẳng hạn: Ở mục II-2.1, đề ra chỉ tiêu “GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 75 triệu đồng”, tức là tăng 83% so với hiện nay (41 triệu đồng) thì đến năm 2030 sẽ là 250 triệu đồng. Như vậy có “lạc quan” quá không, và con số đó có đủ độ tin cậy không?
Ông Phan Văn Minh cũng dẫn chứng rằng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nhận định, cách tính GRDP của các tỉnh là không xác thực, không đúng thực tế và so với quốc tế thì không giống ai. Kết quả trên đã dẫn tới một nghịch lý là tất cả các tỉnh mà Thủ tướng đã làm việc trong 7 tháng đầu năm của năm 2014 đều báo cáo GRDP địa phương tăng 9 - 14%, trong khi cả nước chỉ tăng có 5,8%.

Về chỉ tiêu “tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm khoảng 2 - 2,5%” (mục II-2.2), ông Phan Văn Minh phân tích, tỷ lệ hộ nghèo của Quảng Nam năm 2015 ước tính còn khoảng 9,5%. Nếu trong 5 tới, mỗi năm giảm 2% - 2,5% thì đến năm 2020 Quảng Nam sẽ không còn hộ nào nghèo. Điều này mâu thuẫn với mục III.4: “...Đến năm 2020,... các huyện đồng bằng tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%, các huyện trung du, miền núi ở mức dưới 7% (không bao gồm hộ nghèo thuộc diện trợ cấp xã hội thường xuyên)”.

Trong các chỉ tiêu về môi trường (mục II-2.3), ghi rằng “95% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh”. Ông Phan Văn Minh đặt vấn đề liệu rằng con số này có khả thi, nếu chúng ta hiểu rằng nước “tự chảy” dẫn từ suối về ở các thôn bản, nước giếng bơm từ lòng đất lên hoàn toàn không phải là nước hợp vệ sinh.

Đối với các nhóm giải pháp (mục III - Phần thứ hai), ông Phan Văn Minh đóng góp thêm:

Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, cần có dự án khai thác hiệu quả và tiết kiệm nguồn nước Phú Ninh. Chẳng hạn, bước đầu có thể xây dựng thí điểm hệ thống đường ống ngầm thay cho kênh mương lộ thiên. Hệ thống này sẽ vận hành tương tự như hệ thống cấp nước sinh hoạt, giúp tiết kiệm nước, tiết kiệm đất sản xuất, khai thác được tiềm năng trên vùng cát dọc bờ tây sông Trường Giang.

Cần có biện pháp mạnh tay hơn trong việc ngăn chặn nạn phá rừng, khai thác tài nguyên trái phép. Trong thực tế, chính một số những người có quyền hành và người dân thiếu việc làm tại các địa phương là thủ phạm chính trong nạn phá rừng. Vậy nên, đối với cán bộ, đảng viên sở tại: các lực lượng, cơ quan chức năng cần thường xuyên tổ chức kiểm tra việc sở hữu trái phép tài nguyên rừng trong nhà riêng và có biện pháp chế tài thích ứng; cần tổ chức học tập, tuyên truyền các văn bản pháp quy về bảo vệ tài nguyên rừng; vận động, khuyến khích, lập đường dây nóng cho cán bộ, nhân dân tố giác vi phạm. Đối với cư dân bản địa: các ngành, chính quyền địa phương cần mở rộng các cơ sở dạy nghề, xây dựng thêm nhiều làng nghề để người dân có thêm công việc tăng thu nhập, nhất là đối với thanh niên; tổ chức cư dân trên địa bàn thành những đơn vị bảo vệ rừng kèm theo chế độ thù lao và thưởng - phạt thích đáng.