Nông thôn mới lên… sân khấu

VINH ANH 28/09/2015 09:18

Lần đầu tiên được tổ chức, Liên hoan Nghệ thuật quần chúng xã nông thôn mới tỉnh Quảng Nam lần thứ nhất, năm 2015 đã mang đến cho người xem những cảm nhận thú vị về đời sống.

Liên hoan diễn ra từ ngày 16 đến 25.9 tại 5 cụm (gồm Nông Sơn, Duy Xuyên, Tiên Phước, Phú Ninh và Quế Sơn), với sự tham gia của hơn 500 diễn viên thuộc 17 đoàn nghệ thuật quần chúng các xã nông thôn mới trên toàn tỉnh.  

Chuyện “thích nghèo”

Một vấn đề lâu nay hay được nhắc nhiều liên quan đến câu chuyện giảm nghèo ở nhiều địa phương đó là không muốn thoát nghèo. Chính quyền mong muốn người dân thoát nghèo để giảm bớt tỷ lệ hộ nghèo, giảm gánh nặng cho nhà nước, trong khi đó nhiều hộ dân dù đã hết nghèo nhưng vẫn muốn được tiếp tục làm… hộ nghèo. Điều này tất nhiên là liên quan đến câu chuyện nông thôn mới, bởi nó gắn với tiêu chí số 11 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tức là tỷ lệ hộ nghèo phải xuống dưới 6%. Việc nhiều hộ dân không muốn thoát nghèo vì không muốn mất đi quyền lợi, chính sách cho hộ nghèo đã khiến nhiều địa phương đau đầu tìm cách giải quyết. Trong đó vận động đăng ký thoát nghèo là một trong những biện pháp mà các cấp chính quyền đã áp dụng.

Tiểu phẩm “Thích nghèo” của đơn vị xã Quế Lộc gây ấn tượng người xem. Ảnh: V.ANH
Tiểu phẩm “Thích nghèo” của đơn vị xã Quế Lộc gây ấn tượng người xem. Ảnh: V.ANH

Câu chuyện trên được sân khấu hóa một cách đầy thú vị và thu hút nhiều người xem thông qua tiểu phẩm “Thích nghèo” của đoàn nghệ thuật quần chúng xã Quế Lộc (Nông Sơn). Lấy bối cảnh từ địa phương, khi có đoàn kiểm tra của huyện xuống cơ sở để khảo sát, đánh giá về hộ nghèo, các diễn viên không chuyên của xã Quế Lộc đã tạo nên một tiểu phẩm hết sức thú vị. Trong đó tập trung vào câu chuyện của gia đình ông Sáu Khôn, dù gia đình đã sắm sửa được nhiều vật dụng có giá trị như bàn ghế, tivi, tủ lạnh… nhưng khi nghe tin có đoàn kiểm tra, ông Sáu Khôn đã ngụy trang gia đình ông thành gia đình “nghèo rớt mồng tơi” nhằm tiếp tục xin… nghèo. Không may thay, đoàn kiểm tra mà ông lo sợ ấy lại là bà sui tương lai của gia đình mà ông không hề biết. Tưởng bà sui là cán bộ của huyện, ông Sáu hết lời than nghèo kể khổ với mong muốn tiếp tục được bầu chọn làm hộ nghèo của thôn. Tuy nhiên, khi bà nghe ông Sáu kể nghèo, sợ quá không dám cho con trai lấy con gái nhà ông Sáu. Sự việc vỡ lỡ, ông Sáu hối hận và tự trách mình sao tham lam không chịu thoát nghèo. Với lối diễn xuất tài tình kết hợp với những điệu dân ca, hò vè, các nhân vật trong tiểu phẩm đã tạo được tiếng cười cho khán giả. Anh Nguyễn Nam (TP.Tam Kỳ), một khán giả khi xem tiểu phẩm “Thích nghèo” đã chia sẻ: “Câu chuyện không muốn thoát nghèo thì ai cũng biết nhưng không ngờ khi đưa lên sân khấu lại thú vị đến vậy. Những diễn viên không chuyên của xã Quế Lộc diễn xuất thật tài tình”.

Tiết mục hát, múa “Cô gái trên nương” của đơn vị xã Lăng (Tây Giang).
Tiết mục hát, múa “Cô gái trên nương” của đơn vị xã Lăng (Tây Giang).

Lan tỏa

Đến với Liên hoan Nghệ thuật quần chúng xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam lần thứ nhất - năm 2015 lần này, 17 đoàn nghệ thuật quần chúng thì mỗi đoàn một sắc màu, góp vào bức tranh chung cho liên hoan đầy sự đa dạng, phong phú. Theo đánh giá của ban tổ chức, các đoàn nghệ thuật đã có sự đầu tư công phu nên đã góp phần vào thành công chung cho liên hoan lần đầu tiên được tổ chức. Theo Nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải – Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh, Trưởng ban tổ chức liên hoan, thông qua các tiết mục của các đoàn giúp người xem hiểu và yêu hơn quê hương, con người ở miền quê đó. Chương trình của phường Cẩm Thanh (TP.Hội An) nổi bật lên chủ đề xuyên suốt “Cẩm Thanh rừng dừa”, làm chúng ta thêm yêu một miền quê biển; chương trình của xã Điện Quang (thị xã Điện Bàn), vẽ thêm một miền quê nông thôn mới, với bao niềm vui, tiếng cười rộn ràng xóm thôn; chương trình xã Đại Đồng (Đại Lộc) nổi trội ở phần ca và một chút duyên dáng chất hài… “Các chương trình đều có sự đầu tư dàn dựng khá công phu, hiệu quả tuyên truyền, chất lượng nghệ thuật đáp ứng được mong muốn của người xem” - ông Hải cho biết.

Trong đêm công diễn, tổng kết tối ngày 25.9, ban tổ chức đã trao giải nhất toàn đoàn cho xã Cẩm Thanh (TP.Hội An); giải nhì cho xã Đại Đồng (Đại Lộc), Điện Quang (Điện Bàn) và Tam Mỹ Đông (Núi Thành). Ban tổ chức cũng đã trao giải ba và trao 30 huy chương bạc và 17 huy chương vàng cho các tập thể và cá nhân xuất sắc.

Bên cạnh đó, ở các thể loại đơn ca, song ca liên hoan đã phát hiện nhiều giọng ca đầy triển vọng như Coor Đưới (Nam Trà My), Bích Hồng (Thăng Bình), Diệu Hiền (Đại Lộc), Thúy Vy (Tam Kỳ)… Đặc biệt, loại hình tiểu phẩm dân ca khu 5 và tổ khúc dân ca được nhiều đơn vị chú ý, vì thể loại này vừa là “tiếng lòng” của nhân dân lao động vừa thuận lợi cho việc đưa nội dung tuyên truyền xây dựng nông thôn mới đến người dân. Liên hoan đã có 16 tiểu phẩm và tổ khúc dân ca. Trong đó, một số tiểu phẩm được đánh giá cao như tiểu phẩm “Thích nghèo” của tác giả Lê Trung Thùy (xã Quế Lộc), phê phán sự dối lừa của một số cá nhân để được nhà nước hỗ trợ thoát nghèo. Tiểu phẩm “Cái sân” của đơn vị xã Đại Đồng (Đại Lộc) của tác giả Nguyễn Sáu, liên quan đến việc hiến đất làm đường, làm những công trình công cộng phục vụ dân sinh, tác giả đưa đến cho người xem thông điệp hãy vì sự phát triển chung của cả cộng đồng dân cư, xây dựng nông thôn mới… Qua các tiểu phẩm, người xem bật cười vì những nét duyên dáng mà các diễn viên thể hiện trong các vở diễn.

Lần đầu tiên liên hoan được tổ chức, đặc biệt đây lại là chương trình nghệ thuật quần chúng nên không thể tránh khỏi những khiếm khuyết, hạn chế. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể thì những gì thể hiện trên sân khấu liên hoan đã là một sự cố gắng rất lớn của đội ngũ làm công tác phong trào, phản ánh được phần nào các hoạt động văn hóa sinh động ở từng xã, thôn. Bởi, văn nghệ quần chúng luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu của quần chúng nhân dân.

VINH ANH

VINH ANH