Ngày thế giới phòng chống bệnh dại 28.9: Không thể chủ quan!
Ngày mai 26.9, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh dại với chủ đề “Cùng nhau chấm dứt bệnh dại bằng cách tiêm vắc xin phòng dại cho chó”.
Giai đoạn 2010 - 2015 toàn tỉnh có 19 trường hợp tử vong do bệnh dại; đặc biệt trong 7 tháng đầu năm có 5 trường hợp tử vong, chiếm tỷ lệ cao trong cả nước. Với mục tiêu tăng cường nhận thức trong các cấp, ngành và quần chúng nhân dân về tầm quan trọng của việc phòng ngừa bệnh dại, năm 2015, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT chọn Quảng Nam làm nơi tổ chức mít tinh tuyên truyền nhân Ngày thế giới phòng chống bệnh dại. Đây cũng là dịp để cộng đồng hiểu hơn về mức độ nguy hiểm và tầm quan trọng của việc phòng ngừa bệnh dại. Trong đó, biện pháp hữu hiệu nhất để chấm dứt bệnh dại là tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo.
Khó kiểm soát
Trên thực tế, việc tiêm vắc xin phòng dại cho chó mèo còn rất nhiều hạn chế, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, nơi người dân vẫn quen nuôi chó mèo theo hình thức thả rông, ít quản lý. Mới đây, trong hội thảo phòng chống bệnh dại do ngành y tế phối hợp với chi cục thú y tỉnh tổ chức, thực trạng này tiếp tục được đưa ra cảnh báo như là nguyên nhân lớn nhất của việc xuất hiện nhiều ca tử vong do bệnh dại thời gian qua. Thống kê đến tháng 6.2015, tổng đàn chó trên địa bàn tỉnh khoảng 137.000 con, tổng đàn mèo không thể thống kê. Phương thức nuôi chó mèo chủ yếu là nuôi thả rông, chỉ có một số ít hộ ở khu vực thành phố, thị trấn, thị tứ nuôi nhốt trong khuôn viên gia đình. Việc đăng ký chó nuôi vẫn chưa được thực hiện, trong khi giải pháp xử lý chó thả rông còn bỏ ngỏ. Đại diện Chi cục Thú y tỉnh cho biết thêm, trong năm 2014, mới chỉ tiêm được gần 28.000 con trong tổng đàn; 6 tháng đầu năm 2015, nhờ nguồn hỗ trợ vắc xin dại của Tổ chức Thú y thế giới, Chi cục Thú y phân bổ cho các địa phương có nguy cơ cao tiêm phòng được hơn 19.000 con. Con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với tổng đàn chó. Đó là chưa kể, việc tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo phải được thực hiện hàng năm. Đây cũng chính là trở ngại lớn nhất đối với việc ngăn ngừa sự nguy hiểm của bệnh dại đối với người.
Tiêm vắc xin phòng dại cho vật nuôi. |
Ông Trần Văn Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chia sẻ, khó khăn của việc ngăn ngừa, phòng chống bệnh dại là việc tiêm phòng cho chó, mèo gần như không đạt yêu cầu. Số lượng tổng đàn chó, mèo là rất lớn, nhưng phần đông lại nuôi thả rông, không thể đánh giá tỷ lệ tiêm phòng và quản lý kiểm soát dịch. “Trước đây, kinh phí tiêm vắc xin phòng dại cho chó mèo được hỗ trợ. Tuy nhiên, những năm trở lại đây chủ vật nuôi phải trả tiền tiêm phòng dại cho chó mèo, nên đại bộ phận người dân ở vùng nông thôn không thực hiện tiêm phòng. Thói quen nuôi thả rông chó mèo khiến cho quá trình bắt giữ để tiêm phòng gặp nhiều khó khăn, chủ vật nuôi không hợp tác với lực lượng thú y đã ảnh hưởng đến hiệu quả của việc phòng chống bệnh dại” - ông Hoàn nói.
Nâng cao nhận thức
Chung tay phòng chống bệnh dại Chiều 24.9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh chủ trì buổi làm việc với đại diện Sở Y tế và các ban ngành liên quan nhằm rà soát lại công tác tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh dại (diễn ra vào ngày 26.9 tại Quảng trường 24.3, TP.Tam Kỳ). Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho lễ mít tinh đã được các đơn vị đôn đốc thực hiện, sẵn sàng cho buổi lễ diễn ra. Dự kiến, trong buổi mít tinh sẽ có các hoạt động như phát động phòng chống bệnh dại trên người và trên chó mèo, kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế trong việc chung tay với Chính phủ phòng chống bệnh dại. Ngoài ra, ban tổ chức sẽ tổ chức một cuộc thi tìm hiểu bệnh dại, tiêm vắc xin dại trên đàn chó. Kết thúc lễ mít tinh, các đại biểu sẽ ký cam kết chung tay phòng chống bệnh dại. Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền lưu động cũng sẽ được tổ chức tại các địa phương trên toàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nhấn mạnh, các đơn vị cần tổ chức chặt chẽ, chu đáo, trang trọng theo kế hoạch đề ra, hướng đến mục tiêu tuyên truyền sâu rộng và nâng cao nhận thức trong quần chúng nhân dân về phòng chống bệnh dại.(P.G) |
Trong số các trường hợp tử vong bị bệnh dại, hầu hết là do bị chó, mèo cắn nhưng không đi tiêm phòng mà lại tìm đến các thầy lang hoặc uống thuốc nam. Tâm lý chủ quan của người dân cũng như công tác kiểm soát bệnh dịch từ chó mèo còn nhiều hạn chế là nguyên nhân số ca tử vong vì loại bệnh này vẫn còn xuất hiện. Từ năm 2011 đến nay, năm nào cũng có bệnh nhân tử vong vì bệnh dại. Năm 2014, có 4 trường hợp tử vong ở rải rác các huyện Núi Thành (2 trường hợp), Nông Sơn (1 trường hợp) và Bắc Trà My (1 trường hợp). Trong vòng 7 tháng đầu năm 2015, cũng đã có 5 trường hợp tử vong. Ông Huỳnh Công Quang - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) cho biết, với số lượng chó, mèo khá lớn ở các địa bàn, tình trạng người dân bị chó mèo cắn, gây ra nguy cơ mắc bệnh dại vẫn còn phổ biến. Nhưng do tâm lý chủ quan, việc tự đến tiêm phòng vắc xin dại sau khi bị chó, mèo cắn là rất ít. “Đa số ca tử vong đều có cùng lý do không tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại, do không hiểu biết về bệnh. Cho đến nay kể cả y học hiện đại và y học cổ truyền đều khẳng định bệnh dại khi đã lên cơn đều dẫn đến tử vong 100%. Người dân tuyệt đối không được chủ quan với loại bệnh này” - ông Quang nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Chín cho rằng trước hết cần phải tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu được tác hại của bệnh dại, chủ động tiêm phòng cho đàn chó mèo để ngừa dại và kịp thời theo dõi, tiêm phòng vắc xin phòng dại khi bị chó, mèo cắn. Nâng cao nhận thức chính là cách hiệu quả, triệt để nhất để ngăn ngừa, loại bỏ bệnh dại”. Buổi mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh dại sắp tới được kỳ vọng là dịp tuyên truyền sâu rộng, thay đổi ý thức trong quần chúng nhân dân. Mục tiêu cụ thể của chương trình là vận động người dân chủ động phòng ngừa bằng các biện pháp: hạn chế nuôi chó thả rông, xích nhốt, rọ mõm chó để đề phòng chó cắn người; tiêm phòng dại cho chó mèo theo hướng dẫn của ngành thú y; diệt chó chạy rông, chó vô chủ, nếu xuất hiện chó dại phải diệt hết chó dại và nghi dại trong vùng…
PHƯƠNG GIANG