Ứng phó với thời tiết cực đoan
Hiện tượng thời tiết diễn biến bất thường và biến đổi khí hậu từ đầu năm đến nay xảy ra cực đoan khiến người dân lúng túng trong chủ động ứng phó.
Khó đoán
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đường đi của cơn bão số 3 vừa qua rất khó đoán định, hậu quả nặng nhất vẫn là lĩnh vực nông nghiệp với ít nhất 700ha lúa và hoa màu, 162ha cây ăn quả và gần 10ha ao nuôi tôm bị hư hại. Mưa gió còn làm sạt lở 800m bờ biển Cửa Đại… Tuy nhiên, “trở chứng” rõ rệt nhất của thiên tai là cơn lũ xảy ra đầu mùa khô hạn hồi cuối tháng 3 chưa từng thấy trong lịch sử thời tiết miền Trung trong vòng 30 năm qua.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng nhận định, 9 tháng qua, thời tiết trên phạm vi 3 miền Bắc - Trung - Nam diễn ra không theo quy luật tự nhiên nào nên rất khó cảnh báo, dự báo chính xác. Cụ thể nắng nóng cục bộ duy trì tại các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Bình Thuận. Còn khu vực Tây Nguyên liên tục hạn hán, thiếu nước, ảnh hưởng xấu đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Tổng diện tích không thể canh tác và bị thiếu nước đối với vụ đông xuân, hè thu trong cả nước lên đến 191.323ha. Trong khi đó, tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, hiện trượng mưa lũ, sạt lở đất, lốc, sét... đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Người trồng dưa ở Đại Lộc thiệt hại nặng do cơn lũ trái mùa xảy ra hồi cuối tháng 3 năm nay. Ảnh: H.P |
Đánh giá về mức độ khó lường của biến đổi khí hậu, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho rằng, trong những tháng cuối năm 2015, hiện tượng El Nino sẽ có cường độ mạnh kỷ lục trong vòng 60 năm qua, tiếp tục kéo dài tác động xấu đến sản xuất và đời sống của nhân dân, nhất là khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Biểu hiện ở nhiệt độ sẽ tăng lên, lượng mưa giảm mạnh, tiếp tục gây ra tình trạng hạn hán ở các địa phương. Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng nhận dịnh, từ tháng 9 đến tháng 12, trên Biển Đông có thể xuất hiện 6 - 7 cơn bão, trong đó có ít nhất 2 cơn bão sẽ đi vào đất liền nước ta.
Hiện tượng El Nino đã gây bất lợi cho các địa phương trong tỉnh. Mùa nắng thì khô khốc, thiếu nước nghiêm trọng; còn mùa mưa thì lũ chồng lũ, hạ du trở thành “túi chứa nước” khổng lồ. Theo ngành nông nghiệp tỉnh, trước sức tàn phá của biến đổi khí hậu, chúng ta khó có thể “chống” mà chỉ “tránh”. Thực tế, diễn biến của thiên tai từ cuối tháng 3 đến nay rất khó đoán định, người dân trở tay không kịp. Thời điểm hiện tại, vụ lúa hè thu trên địa bàn tỉnh hầu hết đã thu hoạch xong; ở miền núi nhiều nông trường trồng cây cao su đã lên phương án chuẩn bị đối phó với gió bão, dùng dây chằng chống cây đề phòng gió gây đổ gãy.
Cần đầu tư đồng bộ
Tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước về công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thừa nhận, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai vừa qua còn hạn chế, chưa kịp thời. Việc cứu hộ, cứu nạn, bố trí các lực lượng, phương tiện thiếu linh hoạt, thậm chí kém hiệu quả. Đây là hệ lụy của việc chính quyền chưa làm tốt quy hoạch, lồng ghép yêu cầu phòng ngừa thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; ứng phó với biến đổi khí hậu thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng thực tiễn. Một số nơi, các công trình xây dựng phòng chống thiên tai kém chất lượng, không thực hiện được mục tiêu phòng chống thiên tai.
Thông qua tài trợ của Chính phủ Đan Mạch, đến nay các địa phương trong tỉnh đã đầu tư hơn 61 tỷ đồng xây dựng nhiều công trình giúp ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn và nước biển dâng; xây dựng được một số mô hình canh tác thích nghi với biến đổi khí hậu; phát triển diện tích rừng ngập mặn; nâng cao trình độ, nhận thức của cán bộ các cấp và nhân dân về ảnh hưởng, nguy cơ của biến đổi khí hậu, cũng như khả năng thích ứng. Nhiều công trình kè chống sạt lở khu vực bờ sông, cửa biển; nhà sinh hoạt đa năng phòng tránh bão kết hợp với trạm y tế, đảm bảo trú ẩn an toàn cho hơn 1.000 người dân các huyện Thăng Bình, Điện Bàn, Tam Kỳ, Duy Xuyên, Đại Lộc… Tuy nhiên, các dự án, công trình thực hiện cũng mới dừng lại ở mô hình điểm, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Một số chính sách, chương trình cho người dân phòng tránh thiên tai, lũ lụt còn bất cập, như hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ đến nay vẫn chậm tiến độ…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng đề xuất Trung ương cần phân bổ mạnh nguồn vốn để nâng cấp cơ sở hạ tầng dự báo bão lũ, sạt lở đất, xây dựng hệ thống cảnh báo thông tin, nhất là ở các địa phương ven biển. Còn chính quyền các huyện miền núi cho rằng, với những vùng báo động về lũ ống, lũ quét, sạt lở, Nhà nước phải khẩn trương thực hiện di dân, tái định cư; phủ xanh đai rừng phòng hộ ven biển; nâng cấp đê biển, đê sông, xây dựng khu neo đậu tàu thuyền… Để hạn chế rủi ro cho nền sản xuất, ngành nông nghiệp phải triển khai đồng bộ các giải pháp, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước chuyên nghiệp lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn từ tỉnh đến thôn.
TRẦN HỮU