Chặn xe, không cho dân vận chuyển keo
Nông trường cao su Nông Sơn ngăn chặn, không cho người dân chở keo đã khai thác ra khỏi rừng đưa đi tiêu thụ. Điều đáng nói, vụ việc xảy ra hơn một tuần qua nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Chặn xe, lập biên bản
Suốt hơn 1 tuần qua, nhiều tấn keo lá tràm của hộ ông Võ Cự (SN 1963, trú thôn Thạch Bích, xã Quế Lâm) sau khai thác đưa đi tiêu thụ đã bị người của Nông trường cao su Nông Sơn (thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam) ách lại, lập biên bản và yêu cầu chủ xe xổ hết keo xuống đường. Biên bản kiểm tra hiện trường được lập vào ngày 15.9.2015 giữa phía nông trường là ông Nguyễn Văn Chính, ông Hồ Sáu (thanh tra, bảo vệ của nông trường) và hộ ông Võ Cự có nội dung: “Hộ ông Võ Cự đã vận chuyển keo qua con đường liên lô cao su tại lô 45 của nông trường khi chưa được sự đồng ý của lãnh đạo nông trường. Vậy chúng tôi tiến hành lập biên bản chặn xe của chủ hộ là ông Võ Cự, đồng thời đề nghị tài xế xe đổ keo xuống và chạy xe không về”.
Keo đã khai thác của hộ ông Võ Cự bị người của nông trường ách lại.Ảnh: Hoàng Liên |
Vì việc tiêu thụ keo bị ách tắc, cả tuần qua, gia đình ông Cự phải chạy đôn chạy đáo để “xin đường”, đồng thời trình báo sự việc lên UBND xã Quế Lâm. Song, đáng nói, sự việc diễn ra từ ngày 15.9 nhưng mãi tới hôm qua 22.9 vẫn chưa được xử lý, trong khi nhiều tấn keo vừa khai thác của dân nằm phơi mưa nắng. Ông Cự nói: “Cả chục héc ta đất rừng cả gia đình tôi khai hoang vỡ hóa hàng chục năm nay là sinh kế của cả gia đình, nay đã giao cho cao su hơn nửa với giá đền bù rẻ mạt, chỉ còn một ít diện tích được giữ lại để trồng keo, chăn nuôi, trồng lúa nước. Không hiểu sao, keo chúng tôi trồng tới kỳ thu hoạch, bán tại chỗ không ai mua, phải tự khai thác đưa đi tiêu thụ thì lại xảy ra trường hợp trên. Bị ngăn cấm, yêu cầu đổ keo xuống, chúng tôi chỉ còn cách làm theo dù đã hết lời năn nỉ. Một tuần phơi nắng mưa giá trị cây keo hao hụt”.
Điều bất hợp lý ở đây là tuyến đường mà người của Nông trường cao su Nông Sơn ngăn chặn vận chuyển keo chính là tuyến đường dân sinh có từ trước đây ở vùng này. Trước đây, con đường này khá hẹp, là nơi đi lại sản xuất, canh tác nương rẫy, khai thác dầu rái của dân bản địa. Từ khi Công ty Cao su Quảng Nam triển khai dự án, tuyến đường này được mở rộng phục vụ cho quá trình sản xuất của công ty và rắc rối cũng nảy sinh từ đây. Theo người dân thôn Thạch Bích, người của nông trường nhiều lần bảo cấm, không cho người dân vận chuyển nông sản, keo lá tràm đi qua con đường này. Lý do mà người của nông trường đưa ra là con đường này thuộc tiểu khu 45 của nông trường, nông trường có quyền quản lý, khai thác và cấm dân chở keo, nông sản khai thác qua lại địa phận có cây cao su khi chưa có sự đồng ý của lãnh đạo nông trường. Không chỉ người dân tự khai thác keo đưa đi bán bị ách lại, mà ngay cả tư thương trong vùng muốn đứng ra thu mua keo, đưa đi khai thác cũng bị ách, khiến bà con hết sức hoang mang không biết những lứa keo đến kỳ khai thác sẽ phải đi về xuôi bằng đường nào.
Sẽ giải quyết rốt ráo
Trước thông tin phản ánh từ phía người dân, chúng tôi tìm gặp ông Trần Văn Sang - Chủ tịch UBND xã Quế Lâm. Ông Sang cho biết, vụ việc trên UBND xã đã tiếp nhận. “Phía công ty cao su cho rằng việc chở keo khai thác qua địa bàn cây cao su sẽ ảnh hưởng tới rễ và sự phát triển của cây. Hơn nữa, hộ ông Võ Cự vận chuyển keo khi chưa báo cáo với lãnh đạo nông trường là có. Nay mai chúng tôi tổ chức họp khẩn mời cả công ty và người dân đến đối thoại, giải quyết rốt ráo xem ai đúng ai sai, trắng ra trắng, đen ra đen. Riêng việc keo bị ách lại, chúng tôi sẽ chỉ đạo tức khắc, trước mắt buộc công ty phải tạo điều kiện để người dân đưa nông sản đi tiêu thụ. Cùng với đó, yêu cầu người dân không được tiếp tục khai thác mà chờ giải quyết vụ việc” - ông Sang nói. Cũng theo ông Sang, diện tích đất trồng keo của nhiều hộ dân thôn Thạch Bích hiện nằm trong phạm vi quản lý của nông trường cao su. Khi thực hiện chủ trương từ trên, địa phương đã vận động bà con giao toàn bộ đất cho nông trường. Riêng hộ ông Võ Cự và một số hộ yêu cầu giữ lại một ít diện tích để làm lúa nước, trồng keo, chăn nuôi. Liên quan đến đất rừng, phía gia đình ông Võ Cự và công ty đã từng xảy ra tranh chấp, địa phương đã tổ chức 2 cuộc họp song không đi tới thống nhất.
Ông Nguyễn Ngọc, Phó Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Nông Sơn khẳng định: “Tới thời điểm này, phòng vẫn chưa nghe thông tin gì về trường hợp người của công ty chặn xe chở keo của dân, chúng tôi sẽ xác minh lại sự việc. Nếu đúng như vậy, chúng tôi sẽ báo cáo lên UBND huyện có hướng chỉ đạo xử lý. Quan điểm của huyện là giao đất, không giao đường, nếu sự việc diễn ra như vậy thì cách làm của công ty không đúng”. Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên - môi trường Nông Sơn, đến thời điểm này tổng diện tích đất rừng được giao cho Công ty Cao su Quảng Nam thuê trồng cây cao su tại địa bàn xã Quế Lâm đã lên tới hơn 800ha. Trong số đó, diện tích đất của người dân được bàn giao cho công ty theo thỏa thuận riêng giữa người dân và công ty, địa phương chưa thống kê nắm hết được. Về phía lãnh đạo huyện Nông Sơn, ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Vừa rồi công ty có bàn giao một số đường công vụ của cao su cho địa phương quản lý. Đây là những tuyến đường công vụ của cao su, nhưng cũng là đường phục vụ dân sinh, nên công ty không thể chặn xe không cho người dân chở keo. Hơn nữa, doanh nghiệp đang đứng chân làm ăn trên địa bàn sinh sống của nhân dân, cũng phải tạo điều kiện để người dân được hưởng lợi. Có thể là vấn đề gì uẩn mắc đằng sau, chúng tôi sẽ chỉ đạo làm rõ việc này” - ông Hòa nói.
H.LIÊN - H.YÊN