Chị Ba nhặt rác

PHAN VINH 22/09/2015 10:42

(QNO) - Hơn 6 năm qua, chị Nguyễn Thị Ba (sinh năm 1966, trú tại tổ 3, thôn 6, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) cần mẫn gom rác thải trong thôn nhằm đem lại môi trường sống trong lành.

Việc thu gom rác của chi Ba đã nhẹ nhàng hơn nhờ thùng rác di động.
Việc thu gom rác của chi Ba đã nhẹ nhàng hơn nhờ thùng rác di động.

Năm 2009, xã Bình Dương cũng như nhiều địa phương khác trên toàn tỉnh phải gánh chịu cơn lũ lụt lịch sử. Sau lũ, rác bị mắc lại ở các bờ kênh, bụi tre, hàng rào… Thấy vậy, chị Ba vận động các chị em ở trong xóm đi thu gom và dọn dẹp. Chỉ trong vòng một ngày, đường sá và cảnh quang của cả thôn 6 được trả về đúng với hình ảnh trước lũ, sạch sẽ và trong lành. Nhận thức được ý nghĩa của việc mình làm, chị đã tự lập nên tổ gom rác gồm 4 phụ nữ. Cứ mỗi tuần một lần, các chị đi vòng khắp các con đường, ngõ hẻm của thôn 6 để gom rác và chở đến nơi xử lý. “Hồi đó chưa có xe máy hay thùng rác gì hết, mọi người thuê xe bò rồi kéo đi từng chỗ để gom lại. Bởi vì khi đó xe môi trường chưa về thôn nên tụi tui phải đẩy rác lên rừng để đốt hoặc đào hố sâu tận 2m rồi chôn”  - chị Ba tâm sự.

Tháng 5.2010, xe môi trường về thôn 6 trong sự hứng khởi của người dân địa phương và đặc biệt là các chị em trong tổ gom rác của chị Ba. Từ đó, cứ  thứ 2 đầu tuần, chị với chiếc thùng rác di động (do xã cấp năm 2013) lại rong ruổi khắp nơi ở thôn 6. Chị Ba kể: “Có vài lần trời mưa lớn, các chị em ngần ngại việc đi gom rác nhưng tôi nghĩ, trời càng mưa thì lại càng nên dọn, để nó úng nước thì khó dọn mà còn bốc mùi. Cực thì cực nhưng xong việc lại thấy vui, trời tạnh mưa thì cũng là lúc đường sá sạch sẽ.”

Việc gom rác khó tránh khỏi những tai nạn nhỏ vì đôi lúc chị Ba lỡ tay gặp phải mảnh chai hoặc kim tiêm. Chị Hà Thị Phương, cùng tổ gom rác với chị Ba kể: “Cái sẹo trên tay chị Ba là lúc vớt rác chỗ bờ kênh. Thấy bao ni lông trôi trên dòng nước, chị ấy lấy cây kéo vào, nhưng nước chảy nhanh quá, cứ kéo gần đến bờ thì lại tụt. Thế là chị đưa tay ra nắm mạnh bao ni lông đó rồi kéo vào, không ngờ đụng phải vỏ chai. Máu chảy ra đỏ cả một vùng nước”.

Thu nhập chính của chị Ba từ những chiếc xe đạp.
Thu nhập chính của chị Ba từ công việc sửa xe đạp.

Những ngày đầu khi mới bắt đầu gom rác, hàng xóm, đặc biệt là gia đình chị Ba, ai nấy đều ủng hộ. Nhưng từ khi thấy chị đã “bén duyên” với rác thì không ít người nói chị “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Bởi sửa xe đạp mới là công việc đem lại nguồn thu nhập chính của chị Ba. Người nhà thấy chị Ba nắng mưa gì cũng đi gom rác, nhiều lần can ngăn: “Hay chị ở nhà đi, sửa xe với chăm cháu giúp tụi em chứ chị đi dọn rác thấy khổ quá!”. Mỗi lần như vậy chị đều cười trừ cho qua chuyện. Với số tiền bồi dưỡng 450.000 đồng mỗi tháng chỉ đủ cho việc sửa san lại thùng rác và đổ xăng nhưng chị Ba không nề hà.

Chị Ngô Thị Thu Ba - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Dương cho biết: “Toàn xã đều ghi nhận việc làm của chị Ba. Công tác “Dân vận khéo” về thu gom rác thải tại địa phương nhờ chị mà đạt hiểu quả cao. Ngoài ra, những loại rác nào dễ phân hủy, có thể đốt được, chị Ba phân loại ra và xử lý để giảm bớt lượng rác cho lên xe môi trường, theo đó cũng giảm bớt nguồn kinh phí cho xã”.

PHAN VINH

PHAN VINH