Khai thác trùn ảnh hưởng đến môi trường
Gần đây, người dân một số địa phương sống dọc sông Trường Giang qua huyện Duy Xuyên đua nhau khai thác trùn dưới sông, gây nhiều hệ lụy cho môi trường và ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.
Mỗi ngày khi thủy triều lên xuống thì cũng là lúc hàng trăm người dân các xã Duy Vinh, Duy Thành và Duy Nghĩa ngâm mình dưới nước khai thác trùn. Nhiều người sử dụng bè và máy nổ sục bùn đất từ đáy sông làm cho trùn biển nổi lên và chảy vào trủ để bắt. Giá mỗi ký trùn tươi được thương lái thu mua 60 - 70 nghìn đồng tại bến sông; người khai thác ít cũng thu được vài trăm nghìn đồng mỗi ngày, có người bán được vài triệu đồng. Thấy nhiều người khai thác trùn có thu nhập cao, ông Lương Thành Minh (thôn 1, Duy Nghĩa) bỏ tiền làm bè, mua lại máy nổ cũ và trủ khai thác được gần 1 tháng nay. “Mình ở gần sông, không làm thì họ cũng làm, chừ trùn còn ít lắm nhưng mỗi ngày cũng kiếm hơn ngày công lao động phổ thông, tuy vất vả nhưng làm mấy tiếng rứa cũng được” - ông Minh nói.
Máy nổ hoạt động liên tục trên sông Trường Giang để khai thác trùn. |
Chính vì dễ kiếm tiền nên dưới đoạn sông chỉ khoảng 100m, có đến gần 50 máy nổ sục bùn bất kể ngày đêm khi con nước ròng. Người dân làm nghề đánh bắt thủy sản trên sông cho biết, từ khi các vòi sục bùn khai thác trùn hoạt động, dòng sông Trường Giang ở khu vực này luôn ở trong tình trạng bị xới tung tầng đáy, các loại tôm cá không còn dồi dào như trước. Việc khai thác trùn theo hình thức này cũng dễ gây ô nhiễm nguồn nước, làm thay đổi dòng chảy và gây xói lở. Gia đình ông Nguyễn Văn Sơn (thôn Nhơn Bồi, xã Duy Thành) sống nhờ nghề rớ và đánh lưới. Do có nhiều người khai thác trùn nên ông đành nghỉ gần một tháng nay. Ông Sơn cho biết: “Lúc đầu một số người dân từ huyện Núi Thành ra đây khai thác trùn có ngày thu cả chục triệu đồng, thấy vậy người dân ở đây bắt đầu làm theo ngày càng nhiều. Nước sông đục ngầu, chỗ lồi chỗ lõm, tiếng máy nổ ầm ầm cả ngày lẫn đêm thử hỏi con chi sống nổi mà sinh sôi nảy nở được. Bà con làm nghề sông ở đây đành bó tay thôi”.
Trùn hay còn gọi là hải sâm sống dưới lớp cát bùn ở các cửa sông, nơi con nước ngọt - mặn giao nhau. Hải sâm có nguồn dinh dưỡng cao, có giá trên thị trường nên nhiều người đổ xô săn tìm. Trong khi các địa phương đang nghiêm cấm khai thác thì nhiều người tập trung về khu vực sông Trường Giang qua địa bàn Duy Xuyên để tận diệt nguồn thủy sản này.
CHÂU TẤN