Đối phó khói mù

NAM VIỆT 16/09/2015 10:35

Tình trạng khói mù đang diễn ra nghiêm trọng tại Indonesia, bao phủ sang các nước láng giềng Malaysia và Singapore rất đáng quan ngại.  

Những đám cháy rừng bùng phát tại các tỉnh Riau, Jambi và Sumatra của Indonesia từ hơn một tuần qua đang tạo nên những đám khói mù dày đặc lan tỏa khắp nơi, qua Malaysia và Indonesia. Nghiêm trọng là đến nay, theo xác nhận của các cơ quan chức năng, có khoảng 80 nghìn người tại các tỉnh xảy ra cháy rừng mắc phải các căn bệnh liên quan đến đường hô hấp, trong đó có nhiều người tại Singapore và Malaysia vì hít phải khói quá nhiều. Hàng trăm người phải nhập viện tại Indonesia trong đó có nhiều trẻ em và người già. Nhiều trường học vẫn đóng cửa và người dân một số khu vực được khuyến cáo không nên ra khỏi nhà nếu không thực sự cần thiết.  

Người dân Singapore thường chịu khói mù mỗi năm từ các đám cháy rừng tại Indonesia. ảnh: globalnews
Người dân Singapore thường chịu khói mù mỗi năm từ các đám cháy rừng tại Indonesia. ảnh: globalnews

Hiện rất nhiều người dân tại các tỉnh có cháy rừng nói trên và kể cả những cư dân lân cận đã chạy khỏi nhà tìm nơi trú ẩn an toàn. Benny - một giảng viên đại học tại Riau nói: “Hầu hết người dân địa phương buộc phải đeo khẩu trang cả khi ra ngoài và ở trong nhà. Tôi ở trong nhà suốt 3 ngày qua nhưng tình trạng có vẻ ngày càng tồi tệ hơn”. Mặc dù các nhà chức trách Indonesia khẩn cấp hành động như nhiều máy bay trực thăng thả nước để dập tắt lửa, các kỹ thuật hóa học để gây mưa được sử dụng, máy bay đã không cất cánh được vì tầm nhìn kém và các đám cháy hiện vẫn âm ỉ.

Herry Purnomo - nhà khoa học và là giảng viên của Đại học Nông nghiệp Bogor cho rằng, các quốc gia Đông Nam Á thường xuyên bị khói mù bao phủ như Indonesia, Malaysia và Singapore ước tính phải chi 10 tỷ USD mỗi năm để bù đắp thiệt hại kinh tế do khói mù gây ra. Trong đó Indonesia mất 4 tỷ USD do thiệt hại từ sản xuất nông nghiệp, phá hủy đất rừng, ảnh hưởng sức khỏe và du lịch. Ngoài trách nhiệm của Indonesia, các nhà khoa học khuyến nghị cả Malaysia và Singapore vốn bị ảnh hưởng khói mù từ Indonesia phải san sẻ trách nhiệm với Indonesia. Minh chứng là 50% trong tổng số các công ty dầu cọ đang hoạt động từ Indonesia là do doanh nghiệp từ Singapore và Malaysia làm chủ. Hiện nay, Indonesia có ít nhất 11 triệu héc ta rừng cọ trải dài từ đảo Sumatra đến Papua. Một số công ty dầu cọ đã khai hoang đất sản xuất bằng việc đốt đất rừng để giảm chi phí. Cùng với đó, nhiều nông dân Indonsia vẫn có thói quen đốt nương rẫy để có đất sản xuất trong khi hiện tượng thời tiết El nino kéo dài khiến các khu vực bốc cháy rất nhanh và dữ dội. Truyền thống đốt rừng làm nương rẫy để khai hoang, dù bị coi là bất hợp pháp, vẫn còn được sử dụng rộng rãi tại các khu vực này vào cùng thời điểm hàng năm. Vì thế, cháy rừng là câu chuyện khiến Indonsia đau đầu, cả rất khó khăn để chấm dứt tình trạng này. Vụ cháy rừng tại Indonesia diễn ra có mức độ nghiêm trọng nhất kể từ năm 1997. Khi đó, các vụ cháy lớn tương tự đã vượt ngoài tầm kiểm soát, khiến bầu trời tại một phần khu vực Đông Nam Á tối sầm trong vòng nhiều tháng. Đặc biệt trong các lĩnh vực y tế và hàng không, với thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 9,3 tỷ USD.

Trong khi đó, nhiều trường học tại Singapore và Malaysia đang nhận được lệnh đóng cửa trong khi nhiều trường học khác hạn chế các buổi sinh hoạt ngoài trời vì lo ngại các em sẽ đổ bệnh vì hít khói.

NAM VIỆT

NAM VIỆT