Ám ảnh "ma rừng"
Nỗi sợ “ma rừng” tưởng chừng ngủ sâu khi ánh điện đã thắp sáng từng ngõ ngách thôn bản thì nay trỗi dậy mạnh mẽ ở nóc Măng Dí vì những “cái chết xấu”. Người dân lại dời làng mặc cho chính quyền ra sức vận động, tuyên truyền…
Làng cũ của nóc Măng Dí 1, nơi đã có điện lưới quốc gia và công trình nước sinh hoạt nhưng người dân vẫn bỏ làng vì “cái chết xấu”. |
Bỏ làng
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay toàn huyện Nam Trà My có 19 người tự tử, trong đó xã Trà Nam có 13 người, xã Trà Cang có 6 người. Huyện Nam Trà My đang nỗ lực tập trung các nóc trong huyện để tạo thành 115 khu dân cư. Việc người dân tự ý bỏ làng được đầu tư xây dựng đã phá vỡ quy hoạch khu dân cư của huyện, lãng phí tiền đã đầu tư vào hệ thống điện, đường, nước sạch ở những làng này… Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My khẳng định: “Phải cương quyết, cứng rắn để tránh tình trạng này tiếp tục tái diễn. Nếu người dân bỏ đi nơi khác có địa hình thuận lợi hơn, tốt hơn thì sẽ hỗ trợ, đằng này lại khó khăn hơn gấp bội. Nếu mình cứ nương theo thì người dân ở các nơi khác cũng sẽ làm theo, lúc đó ai sẽ chịu trách nhiệm?”. |
Nơi ở mới của 17 hộ dân nóc Măng Dí 4 nằm chênh vênh trên đỉnh núi. Những mái nứa được dựng lên tạm bợ, có nhà ở đến 3 thế hệ bởi khi chuyển qua đây nhiều người chưa kịp dựng nhà. Làng cũ của họ nằm đối diện với trụ sở UBND xã Trà Mai (huyện Nam Trà My) được xem là “khu đất vàng” khi cả điện lưới quốc gia lẫn công trình nước sinh hoạt đều đã được xây dựng. Vậy nhưng, người dân vẫn quyết định bỏ làng bởi quan niệm không thể tiếp tục sống trên vùng đất dữ. Liên tiếp từ đầu năm đến nay đã có 7 người tại nóc Măng Dí 4 treo cổ tự tử không rõ lý do. Đồng bào xem đây là những “cái chết xấu”. Và họ không thể tiếp tục ở đây với lý do không để có thêm người chết, mặc cho chính quyền địa phương ra sức vận động, thuyết phục.
Chưa bao giờ nỗi sợ con ma rừng lại khiến người dân Măng Dí 4 hoang mang đến vậy. “Trong một tháng có đến 3 người chết, do con ma rừng hết chứ có gây gổ, tranh cãi gì đâu? Tự nhiên chết, không nói gì, nếu không phải ma rừng bắt thì làm sao chết? Dân làng ai cũng sợ, không ở chỗ cũ được nữa đâu” - ông Trần Ngọc Loan (thôn 1, nóc Măng Dí 4) nói. Nhà ông Loan có con trai là Trần Ngọc Giang (sinh năm 1993) vừa treo cổ tự tử. Ngôi nhà ở làng cũ bị bỏ hoang, không ai dám đụng đến. Qua chỗ ở mới, cả 3 gia đình phải chen chúc nhau trong một căn nhà được dựng lên tạm bợ bằng nứa, bạt. “Sao không ở làng cũ, có đầy đủ điện, nước sinh hoạt, lên đây thiếu thốn đủ bề, cực khổ vậy kia mà?” - tôi hỏi. Ông Loan giảy nảy: “Không được, tuyệt đối không được. Đất đó là đất xấu, ma rừng nó ám rồi, còn ở đó là còn có người chết. Không dám đâu”. “Thế đất mới đây có tốt không?”. “Không biết, phải chờ xem đã. Ở một tháng, nếu không có ai chết thì tiếp tục ở, còn nếu không lại chuyển đi nơi khác…”.
Nơi ở mới của nóc Măng Dí 4. Những ngôi nhà chỉ được dựng tạm bợ, sơ sài, không điện, không nước sinh hoạt. |
Cạnh đó, ngôi nhà của chị Hồ Thị Duyên được dựng lên bằng những tấm nứa ghép tạm vào nhau, mái được che tấm bạt đã sờn mục để tránh nắng mưa. Nhà của chị Duyên có 2 người tự tử là chồng và cha của mình. Ngôi nhà cũ, nơi chồng chị Duyên treo cổ chết không ai dám đụng tới nên khi chuyển qua chỗ mới không có gì để làm nhà. Chị Duyên kể: “Vợ chồng mình không cãi nhau gì hết, cứ đi làm rẫy bình thường thôi. Tối về, mình ngủ thì nó (chồng Duyên) treo cổ. Ma rừng bắt rồi! Bố mình cũng thế, cả buổi chiều cứ bảo bố chỉ sống hết hôm nay thôi, không sống được nữa. Rồi cầm dây đi vào rừng mà thắt cổ…”. Chồng chị Duyên chọn ngay chỗ dành để treo đầu các con vật săn được như heo, nai… để tự vẫn. Đó là điều tối kỵ với dân làng, bởi đó là nơi linh thiêng, không thể chạm đến. Vậy là cả làng quyết định đi, mặc cho chính quyền ngăn cản.
Ngôi làng mới nằm chênh vênh trên đỉnh núi vừa được họ khai hoang để lấy chỗ dựng nhà. Nền đất yếu do không có cây lớn để giữ đất rất dễ bị sạt lở khi mùa mưa bão đang cận kề. Nhưng người dân vẫn đánh đu mạng sống của mình, chấp nhận may rủi miễn là tránh được ngôi làng cũ.
Chính quyền bất lực
Gặp chúng tôi trong một buổi sáng khi người dân đang đến nhận màn và thuốc được cấp phát miễn phí, ông Hồ Văn Thuấn - Chủ tịch UBND xã Trà Nam (Nam Trà My) thở dài thừa nhận chính quyền đã cố gắng hết sức nhưng cũng đành bất lực trước việc người dân bỏ làng vì “cái chết xấu”. Ông Thuấn nói: “Các cấp đã vào cuộc, tuyên truyền, vận động, thậm chí dọa sẽ bỏ mặc dân chúng nếu chuyển qua chỗ khác, vậy nhưng họ vẫn kiên quyết bỏ đi. Đành chịu, luật tục của họ vốn đã thế rồi, giờ có nói gì họ cũng không chịu nghe…”.
Người Xê Đăng uống rượu rất nhiều. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến cho số vụ tự tử tăng mạnh trong thời gian qua. Ảnh: NG. DƯƠNG |
Việc người dân tự ý bỏ làng đã gây rất nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương khi nơi đây đang là một trong những xã điểm xây dựng nông thôn mới. Toàn xã có 5 thôn, 43 nóc với trên 3.000 nhân khẩu đang được quy hoạch sẽ rút gọn thành 10 khu dân cư để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, từng bước giúp người dân cải thiện đời sống. “Nếu cứ tiếp tục như thế này thì tuyệt đối không thể làm được điều đó. Cứ đầu tư xây dựng xong dân lại bỏ đi thì tiền coi như đổ sông đổ bể. Chính quyền không thể cứ mãi chạy quanh theo họ như thế này được” - ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Nam nói.
Thôn 5, xã Trà Nam có 39 hộ dân của nóc Măng Dí 1 và Măng Dí 3 cũng đã rời làng đi nơi khác. Nguyên nhân cũng không có gì khác khi chỉ trong tháng 8.2015 làng đã có 3 người tự tử bằng lá ngón. Không chỉ ở xã Trà Nam mà ở xã Trà Cang cũng đang diễn ra tình cảnh tương tự khi từ đầu năm đến nay đã có đến 6 người ăn lá ngón tự tử, người dân cũng rục rịch chuyển làng. “Đối với họ, cái chết rất nhẹ nhàng, chỉ cần một mâu thuẫn nhỏ cũng có thể khiến họ tìm đến cái chết. Luật tục này vốn dĩ đã ăn sâu vào trong tiềm thức của họ, muốn giải quyết không phải ngày một ngày hai” - Thượng tá Huỳnh Ngọc Thành, Phó trưởng Công an huyện Nam Trà My cho biết.
Hôm chúng tôi đến nóc Măng Dí 4, trong căn nhà mới dựng, khi mặt trời vượt quá đỉnh núi, một mâm rượu đã được bày sẵn. Đàn ông, phụ nữ đều tham gia. Hơi men làm ửng hồng từng gương mặt. Dường như chỉ có men rượu mới giúp họ thoáng quên nỗi ám ảnh từ trong tiềm thức. Chợt giật mình nhớ tới lời lý giải của Thượng tá Huỳnh Ngọc Thành “ở đây người dân uống rượu nhiều quá, uống như uống nước. Có rượu rồi, cái gì họ cũng dám làm…”.
Phóng sự của NGUYỄN DƯƠNG