Tây Giang xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất trên các tuyến đường
(QNO) - Cơn mưa kéo dài trên diện rộng từ chiều tối 13.9 đã làm nhiều tuyến đường dân sinh nối địa bàn các xã vùng cao Tây Giang bị sạt sở nghiêm trọng, khiến giao thông ách tắc tại nhiều điểm.
Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Phú - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang xác nhận với phóng viên Báo Quảng Nam Online vào cuối giờ chiều nay 14.9. Ông Phú cho hay, ngay sau cuộc họp khẩn được tổ chức vào buổi sáng 14.9, các đơn vị liên quan trên địa bàn huyện đã triển khai công tác chủ động ứng phó và kiểm tra, rà soát tại các tuyến đường, công trình dân sinh, khu tái định cư đồng bào bản địa.
Việc đi lại trên tuyến đường đi 4 xã vùng cao Tây Giang luôn trong tình trạng khó khăn do sạt lở đất mỗi khi mưa lớn kéo dài (Ảnh chụp năm 2014). |
Theo thông tin tổng hợp của Phòng NN&PTNT huyện Tây Giang, cho đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có gần 30 điểm sạt lở lớn nhỏ dọc trên các tuyến đường dân sinh, đường biên giới với gần 2.300m3 đất đá tràn xuống mặt đường. Trong đó, có nhiều điểm sạt lở nặng xuất hiện dọc các tuyến đường lên 4 xã vùng cao từ trung tâm xã A Xan đi Ch'Ơm và Ga Ri do đất đá từ taluy dương khá nhão. "Ngoài các điểm sạt lở nặng, chính quyền địa phương huy động lực lượng tại chỗ khắc phục tạm thời, nhằm đảm bảo việc đi lại của người dân", ông Phú cho hay.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Bh'ling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, sáng cùng ngày chính quyền địa phương cũng đã tổ chức cuộc họp khẩn với các cơ quan, ban nghành của huyện để thông tin về tình hình cơn bão số 3, triển khai thực hiện công tác ứng phó, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu tại công điện khẩn số 04/CĐ-UBND về công tác phòng, chống cơn bão số 3.
Theo đó, ngoài chỉ đạo cán bộ đến tuyên truyền, vận động người dân chằng chống nhà cửa, xây dựng phương án ứng phó tại chỗ, huyện Tây Giang đã huy động lực lượng bám sát địa bàn, lập kế hoạch và phương án cụ thể để hỗ trợ người dân phòng, chống với bão lũ trong trường hợp khẩn cấp. Cũng như mọi năm, huyện Tây Giang cũng vận động người dân xây dựng và phát huy hiệu quả tại các "kho thóc tình thương" nhằm đảm bảo lương thực tốt nhất cho việc ứng phó tại chỗ trong trường hợp mưa lũ kéo dài, gây cô lập địa bàn dân cư. "Riêng tại các điểm có nguy cơ sạt lở, vùng trũng thấp có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống,... chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương chủ động phương án hỗ trợ đưa người dân đến nơi an toàn, đảm bảo không để trường hợp xấu có thể xảy ra", ông Mia nói.
Hiện lưu lượng mưa trên địa bàn huyện vẫn đang rất to, nguy cơ về sạt lở đất, lũ quét rất cao. Do vậy, cùng với việc cử lực lượng túc trực 24/24 giờ, các địa phương của huyện Tây Giang đang khẩn trương xây dựng phương án cụ thể, đồng thời "cắm" cán bộ cơ sở tại các thôn, bản trong suốt thời gian xảy ra mưa lũ.
ALĂNG NGƯỚC