Quế Sơn, Duy Xuyên chủ động đối phó với bão

HOÀI NHI 14/09/2015 16:32

  • Khẩn trương cứu tàu cá bị nạn tại Núi Thành
  • Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu kiểm tra phòng chống bão số 3
  • Núi Thành: Triển khai ứng phó với bão số 3 trước 18 giờ chiều nay.
  • Mưa lớn, nhiều vùng dân cư miền núi bị chia cách
  • Khắp nơi gồng mình chống bão

(QNO) - Bão số 3 đã tiến sát vào bờ, thời điểm này các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện Duy Xuyên và Quế Sơn đang gấp rút triển khai những biện pháp cấp bách để đối phó với thiên tai nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Hàng trăm tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn an toàn.
Hàng trăm tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn an toàn.

Ngư dân Duy Xuyên tập trung tránh bão      

Trưa 14.9, trời mưa như trút nước nhưng bà Nguyễn Thị Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên cùng các thành viên trong Ban chỉ huy phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn vẫn có mặt tại âu thuyền Hồng Triều để hướng dẫn, bố trí phương tiện tàu thuyền neo đậu tránh trú bão. Bà Hưng nói: “Thời điểm này, âu thuyền Hồng Triều có hơn 200 chiếc tàu của ngư dân địa phương vào tránh bão số 3. Ngoài ra, tàu thuyền của một số nơi khác như Điện Bàn, Thăng Bình cũng vào tránh trú. Được sự giúp sức của lực lượng xung kích, các chủ tàu nhanh chóng hoàn thành xong việc cột chặt nhiều dây neo vào các trụ bê tông lớn nhằm tránh va đập. Cạnh đó, chính quyền xã Duy Nghĩa cũng bố trí người túc trực 24/24 giờ để quản lý, bảo vệ tài sản của bà con ngư dân”. Còn theo ông Trần Châu Giang - Phó phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên, đến 9 giờ sáng 14.9, toàn bộ 364 chiếc tàu của ngư dân 3 xã vùng đông Duy Xuyên gồm Duy Nghĩa, Duy Hải, Duy Vinh đã vào nơi tránh trú bão an toàn.

Người dân tháo dỡ các mái hiên có thể bị bão giật. Ảnh: PHAN VINH
Người dân tháo dỡ các mái hiên có thể bị bão giật. Ảnh: PHAN VINH

Theo quan sát, ngoài âu thuyền Hồng Triều thì hàng trăm ngư dân hối hả đưa phương tiện đánh bắt đi neo đậu tại những nơi khác, chủ yếu là dọc theo bờ sông Trường Giang và một số vùng thuộc phường Cẩm An và xã Cẩm Thanh của TP.Hội An. Vừa cùng 5 thuyền viên dùng dây buộc thuyền vào các gốc dừa nước, ông Lê Chi ở xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên) nói: “Tàu QNa - 024.63 của tôi đang câu cá hố trên vùng biển thuộc TP.Đà Nẵng thì nhận được thông tin áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 3. Ngay lập tức, tôi cùng 5 anh em đi bạn thu dọn ngư lưới cụ và cho thuyền quay về phường Cẩm Thanh tránh trú”.

Người dân khẩn trương chằng chống nhà cửa. Ảnh: PHAN VINH
Người dân khẩn trương chằng chống nhà cửa. Ảnh: PHAN VINH

Trong khi đó, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Duy Xuyên cùng các trạm truyền thanh ở 14 xã, thị trấn cũng bố trí cán bộ trực 24/24 giờ và liên tục cập nhật thông tin về hướng di chuyển của bão số 3 để thông báo kịp thời, rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh nhằm giúp người dân chủ động phòng chống. Chiều nay 14.9, Phòng GD-ĐT Duy Xuyên cho học sinh nghỉ học. Mặt khác, ông Nguyễn Công Dũng - Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên đã có Công điện khẩn yêu cầu ngành liên quan và chính quyền các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão số 3 để triển khai hiệu quả những phương án đối phó. Riêng tại các xã vùng đông của huyện, ông Dũng đề nghị phải kiểm điếm cụ thể số tàu thuyền và sắp xếp vào neo đậu an toàn ở những khu vực kín gió. Ngoài ra, các địa phương, đơn vị và nhân dân phải nhanh chóng triển khai chèn chống nhà cửa, trụ sở, trường học và đề phòng lũ lớn. Đặc biệt, phải theo dõi sát diễn biến của cơn bão này để tiến hành sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi cần thiết…

Quế Sơn thu hoạch chạy lũ

Tại Quế Sơn, ông Nguyễn Văn Chín - Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Phó Ban chỉ huy phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết: “Trước thông tin bão số 3 sẽ đổ bộ vào Quảng Nam, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn của huyện đã có Công điện khẩn yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và chính quyền 14 xã, thị trấn trên địa bàn phải lập tức triển khai những biện pháp cấp bách nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do bão gây ra. Theo đó, phải thực hiện nghiêm túc, triệt để, hiệu quả phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời, nhanh chóng kiểm tra, rà soát các công trình trọng điểm, các hồ chứa nước xung yếu để sớm gia cố, sửa chữa nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn trong bão lũ”.

Người dân đang tập trung chèn chống nhà cửa.
Người dân đang tập trung chèn chống nhà cửa.

Tính đến sáng 14.9, toàn huyện Quế Sơn còn khoảng 200 sào lúa hè thu đã chín nhưng chưa thu hoạch. Trước những diễn biến bất lợi của thời tiết, ngành nông nghiệp huyện và chính quyền các địa phương đang tập trung vận động nhân dân nhanh chóng gặt lúa chạy lũ. “Điều đáng lo nhất của Quế Sơn hiện giờ là vẫn còn 300ha sắn ở xã Phú Thọ, Quế Thuận và một số nơi khác chưa thể thu hoạch. Bởi, hiện nay các nhà máy chế biến tinh bột sắn chưa tiến hành thu mua sản phẩm, nếu nông dân nhổ củ sắn tươi lên gặp trời mưa dầm không phơi được thì sẽ bị hư thối hết” - ông Chín nói.

Được biết, nếu tình huống xấu xảy ra, chính quyền huyện Quế Sơn cùng các đơn vị liên quan sẽ khẩn trương di dời 500 hộ dân ở trong những ngôi nhà tạm bợ và các vùng bị ngập lụt sâu đến khu vực an toàn tránh trú.     

HOÀI NHI

HOÀI NHI