Nỗi đau của người cha

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 14/09/2015 08:58

Người gầy guộc, khuôn mặt buồn rười rượi, mái tóc dài buộc thành bím, áo quần xộc xệch, hai bàn chân có khi một chiếc dép, một chiếc giày cùng với chiếc xe đạp cà tàng và trong người bao giờ cũng có một mớ giấy tờ. Đó là hình ảnh mà người viết bài này ghi nhận được ở ông Trần Đức Dũng, một người cha chưa thể nguôi ngoai nỗi đau về cái chết của đứa con trai.

Ông Trần Đức Dũng đứng lặng người hàng giờ bên bàn thờ của người con trai. Ảnh: ĐIỆN NGỌC
Ông Trần Đức Dũng đứng lặng người hàng giờ bên bàn thờ của người con trai. Ảnh: ĐIỆN NGỌC

Nỗi đau mất con

Vợ chồng ông Trần Đức Dũng (SN 1953, thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) sinh hạ được 3 người con, trong đó có 1 người con gái, 2 người con trai nhưng 1 người bị bệnh bẩm sinh. Do kinh tế khó khăn nên hai người con gái của ông phải nghỉ học giữa chừng, người con trai út Trần Văn Quý (SN 1987) là một thanh niên khôi ngô, học giỏi nên vợ chồng ông cố “thắt lưng buộc bụng” để nuôi con ăn học mong sau này giúp ích cho xã hội và là nơi nương tựa của vợ chồng ông khi về già. Trong những năm học phổ thông cũng như đại học, Quý nổi trội về học lực, hạnh kiểm và được thầy cô yêu thương, bạn bè quý mến. Năm 2009, Quý tốt nghiệp đại học, cầm trên tay tấm bằng kỹ sư lâm nghiệp, chạy đôn chạy đáo khắp nơi để xin việc nhưng không có nơi nào tiếp nhận. Trong lúc chưa tìm được việc làm, Quý năng nổ, nhiệt tình với mọi công việc do địa phương phân công và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Đỗ Ngọc Thanh - Trưởng ban nhân dân thôn Ngọc Mỹ cho biết: “Quý là một cán bộ đoàn năng động, thường xuyên đổi mới phương pháp sinh hoạt nên thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên, sinh viên và học sinh tham gia các hoạt động, góp phần đưa phong trào đoàn ở địa phương không ngừng phát triển về mọi mặt. Ngoài ra, Quý còn tích cực trong việc xây dựng và sửa chữa các thiết chế văn hóa, đi đầu trong phong trào văn hóa, văn nghệ, TD-TT...”.

Tháng 10.2010, tin vui đến với gia đinh ông Dũng khi Quý được Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp nhận và được phân công về công tác tại Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2. Cầm quyết định trên tay, Quý tỏ ra mừng vui khôn xiết. Niềm vui chưa được bao lâu thì đến tháng 5.2011, gia đình ông Dũng phải đón nhận một tin như sét đánh ngang tai là Quý bị hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Quá đau buồn nhưng được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền cùng cơ quan kiểm lâm giúp đỡ lo hậu sự và hoàn tất các thủ tục để được công nhận liệt sĩ, một phần nào giúp cho gia đình ông Dũng nguôi ngoai nỗi đau. Thế nhưng hơn 4 năm chờ đợi, gia đình ông Dũng vẫn chưa nhận được quyết định công nhận liệt sĩ đối với Trần Văn Quý. Lần gần đây nhất là vào ngày 4.6.2015, gia đình ông Dũng nhận được công văn của Bộ LĐ-TB&XH trả lời không công nhận liệt sĩ đối với cái chết của anh Quý. Nỗi đau lại một lần nữa đến với ông, làm cho ông Dũng đứng ngồi không yên, phải ngược xuôi cầu cứu khắp nơi.

Không được ghi nhận

Theo kế hoạch, sáng ngày 15.11.2011, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2 đã phân công một tổ công tác gồm 7 người do ông Đinh Anh Tuấn - Phó Đội trưởng làm tổ trưởng tiến hành kiểm tra, kiểm soát lâm sản dọc tuyến sông Vu Gia. Lúc 10 giờ 15 phút, tại khu vực Mò O (thuộc xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc), tổ công tác phát hiện một khối lượng lớn gỗ do lâm tặc cất giấu dưới lòng sông. Trong khi đang tiến hành trục vớt số gỗ này để đưa về trạm thì anh Quý bị dòng nước xoáy cuốn trôi, mặc dù tổ công tác rất nỗ lực nhưng chiều cùng ngày mới đưa được thi thể anh lên bờ. Tại Tờ trình số 63 ngày 1.7.2011 của Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, do ông Phạm Thanh Lâm - Chi cục trưởng ký gửi các cấp thẩm quyền, nêu rõ: “Ông Trần Văn Quý là một đảng viên trẻ, một nhân viên kiểm lâm nhiệt tình, năng nổ và tích cực trong mọi công việc được giao. Ông Trần Văn Quý có quan điểm, lập trường vững vàng, kiên quyết đấu tranh chống lâm tặc. Chính nhờ có quan điểm lập trường rõ ràng, trách nhiệm với công việc cho nên khi có yêu cầu công tác kiểm tra, truy quét, ông Trần Văn Quý xung phong tham gia, khi phát hiện gỗ trái phép của lâm tặc cất giấu, ông Trần Văn Quý đã tích cực trục vớt và hy sinh khi đang làm nhiệm vụ”. Ngày 13.9.2011, Chi cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) đã có Công văn số 811 trả lời trường hợp cái chết của ông Trần Văn Quý chưa thuộc diện xem xét xác nhận liệt sĩ. Trước tình hình đó, ngày 4.10.2013, UBND tỉnh Quảng Nam có Công văn số 3862 nêu rõ: “Qua nghiên cứu hồ sơ về trường hợp hy sinh của ông Trần Văn Quý và xét đặc thù của tỉnh Quảng Nam là rừng núi nhiều, địa hình hiểm trở, hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép diễn biến phức tạp; một số đối tượng lâm tặc lợi dụng đường sông để khai thác, vận chuyển gỗ, vì vậy lực lượng kiểm lâm phải cử người theo dõi, mật phục để có chứng cứ xử lý đúng người, đúng tội. Do đó, việc ông Trần Văn Quý không quản ngại nguy hiểm, hy sinh tính mạng trong lúc trục vớt gỗ đang chìm sâu dưới lòng sông phục vụ cho công tác điều tra, xử lý đối tượng khai thác rừng trái phép là một hành động dũng cảm, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia”.

Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là rất rõ nhưng tại Công văn số 2110, ngày 4.6.2015 do Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp ký trả lời: “Ông Quý trong khi xuống sông tham gia trục vớt gỗ trái phép đang cất giấu dưới lòng sông, không mặc áo phao, bơi được khoảng 4 - 5m bị sụp vào hố nước sâu có vòng xoáy nên bị nước cuốn trôi chết. Đây là công tác giải quyết sự vụ của nhân viên kiểm lâm khi được giao, tai nạn xảy ra dẫn đến chết người là yếu tố bất ngờ không thể biết trước. Trong xác nhận liệt sĩ dũng cảm là hành động xả thân của cá nhân, mặc dù biết trước là nguy hiểm đến tính mạng của bản thân nhưng vẫn hành động để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân. Do đó không thể coi trường hợp nêu trên là hành động dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc xả thân để cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân. Vì vậy, ông Trần Văn Quý không đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ theo quy định hiện hành”.

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC