Những khoa thi để đời

LÊ BÌNH TRỊ 13/09/2015 09:03

Nói đến truyền thống hiếu học và học giỏi của Quảng Nam người ta thường nhắc đến khoa thi năm Mậu Tuất (1898) dưới triều vua Thành Thái thứ X, khoa thi mà Quảng Nam tự hào cho là “Ngũ phụng tề phi” (Năm con phụng cùng bay) với 3 tiến sĩ và 2 phó bảng. Về sau, việc đánh giá danh hiệu này không còn cao nữa, bởi vì:

Thứ nhất, học phải đi đôi với hành. Học chỉ là bước khởi đầu. Học giỏi, đỗ cao nhưng phải phụng sự đất nước, có sự nghiệp xứng đáng, lưu danh với đời mới là điều đáng quý, đáng trân trọng.  Tài học của các vị trong Ngũ phụng tề phi rất đáng kính nể nhưng lại tiếc các vị ấy chẳng để lại cho hậu thế một sự nghiệp chính trị văn hóa  hay học thuật nào đáng kể ngoài cảnh huy hoàng nhất thời.

công bố tên người trúng tuyển kỳ thi Hương, Nam Định năm 1897. (Ảnh có tính minh họa) Nguồn: Internet
công bố tên người trúng tuyển kỳ thi Hương, Nam Định năm 1897. (Ảnh có tính minh họa) Nguồn: Internet

Thứ hai “Ngũ phụng tề phi” không phải là một sự kiện… hiếm. Trong lịch sử khoa cử của triều Nguyễn có đến… 8 khoa có Ngũ phụng tề phi gồm Quảng Nam 1(1898), Thừa Thiên 1(1851), Hà Nội 3 (1841,1865,1889), Nghệ An 3 (1875,1895,1907). Ngoài ra Thừa Thiên còn có thêm 1 khoa có  “Lục phụng tề phi” (1844) với 2 tiến sĩ và 4 phó bảng và Nghệ An có 1 khoa “Thất phụng tề phi” (1910) với 2 tiến sĩ và 5 phó bảng.

Hai khoa thi khác tuy nhỏ hơn nhưng để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng người Quảng và cả nước, đó là các khoa thi Hương năm Canh Tý (1900) và khoa thi Hương năm Bính Ngọ 1906. Hai khoa thi này cho thấy không những tài học mà còn cả sĩ khí của sĩ tử Quảng Nam.

Khoa thi năm Canh Tý 1900 - Khoa thi của những người “can tội”

Đây là khoa thi có nhiều điều đặc biệt:

đây là khoa thi có nhiều người thi đỗ và đỗ cao. Tại trường thi Thừa Thiên cả khoa có 42 người thi đỗ trong đó Quảng Nam có 14 người chiếm 33,3%  và giành luôn 5 vị trí đầu từ thứ nhất đến thứ 6 (chỉ nhường vị trí thứ 5 cho một sĩ tử người Nghệ An là Phan Thúc Vĩnh). Đó là Huỳnh Thúc Kháng (vị thứ 1, Hương nguyên), Nguyễn Đình Hiến 2, Phan Châu Trinh 3, Lê Bá Trinh 4 và Phan Thúc Duyện 6.

Đây cũng là khoa thi có đóng góp nhân sự cho tất cả danh hiệu khác của “đất học” Quảng Nam do người đương thời tôn vinh:

- Đóng góp 2 người cho danh hiệu Tứ kiệt Quảng Nam (là 4 người đỗ trong 1 khoa thi Hội, năm 1901). Đó là Phan Châu Trinh, Nguyễn Đình Hiến (hai người khác là Võ Vỹ, Nguyễn Mậu Hoán).

- Đóng góp 2 người cho danh hiệu Tứ hổ Quảng Nam (là 4 người học hành uyên bác, trí tuệ tài hoa, có sức mạnh phi thường trong trường văn trận bút. Đó là Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng (hai người khác là Phạm Liệu và  Trần Quý Cáp).

- Đóng góp 2 người cho danh hiệu Tứ hùng Quảng Nam (là 4 người tài năng có nhiều đóng góp được nhân dân vinh danh). Đó là Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng (hai người khác là Trần Quý Cáp và Tiểu La Nguyễn Thành).

Đặc biệt, đây là khoa thi mà nhiều vị thi đỗ được Quốc sử quán triều Nguyễn ghép thêm từ “can tội” phía sau tên khi vinh danh họ trong Quốc triều Hương khoa lục  và điều này đã làm cho họ lưu danh thiên cổ. “Can tội” được chính quyền đương thời giải thích là làm chính trị chống đối lại triều đình phong kiến và Nhà nước thuộc địa. Tuy nhiên đối với dân tộc họ có công lao rất lớn. Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện bị kêu án “Trảm giam hậu, lưu tam thiên lý ngộ xá bất nguyên” (Chém nhưng để lại đày ra xa ba ngàn dặm gặp dịp ân xá cũng không được xét tha). Lê Bá Trinh xử “trượng 100, đày 3.000  dặm phát giao biệt xứ phối dịch”  (đánh 100 gậy, đày 3.000 dặm, cho biệt xứ lao dịch), Lê Lượng “xử trượng 100, đồ 3 năm” (đánh 100 gậy, đày 3 năm). Thế là  những người xuất sắc của khoa thi Hương 1900 cả tiến sĩ, phó bảng, cử nhân  hội ngộ với nhau nơi “trường học thiên nhiên” Côn Đảo không hẹn ngày về. (Riêng Lê Lượng bị giam ở Hội An 3 năm và mất tại đây).

Khoa thi năm Bính Ngọ, 1906 - Khoa thi “nát như tương”

Khoa thi này cũng có 4 điều đặc biệt:

Thứ nhất, Phó chủ khảo là một vị quan người Quảng Nam, Án sát Từ Thiệp.

Thứ hai, phần lớn sĩ tử người Quảng tham gia kỳ thi này sau đó đều ít nhiều bị vạ lây vì cuộc kháng thuế cự sưu năm 1908 và cũng trở thành những người “can tội” .

Thứ ba, đây là khoa thi “nát như tương”, để lại một vết nhơ trong lịch sử khoa cử Nho học thời phong kiến, để được đỗ người ta đã phải hối lộ bằng tiền và cả bằng... tình.

Thứ tư, với tính cách ngay thẳng, không sợ cường quyền, sĩ tử Quảng Nam đã làm đơn khởi kiện quan trường, một hành động “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử khoa cử Nho học của nước ta.

Về kỳ thi này, Quốc triều Hương khoa lục viết: “Trường Thừa Thiên lấy đậu 35 người. Nguyên trúng 42 người. Sau khi ra bảng, sĩ tử đưa đơn đến Tòa Khâm sứ và Cơ mật viện khiếu nại về 11 cử nhân học kém mà lại trúng. Vì vậy quý Tòa bàn bạc lập Hội đồng, cử quan người Pháp, người Nam tiến hành duyệt lại”. Kết quả 3 người “có văn lý hơi trội vẫn cho đậu”, còn 8 người “có văn lý bình thường đều bị giáng xuống hạng tú tài”. Tám người này sau đó cho dự phúc hạch. Kết quả có 7 người rớt, còn 1 người được xét cho đậu mạt hạng cử nhân (đỗ chót bảng).

Nói về kỳ thi này, một sĩ tử người Quảng đã có thơ:

Thủ khoa Trần Cáp tiếng chưa đồn
Ba cậu La Hà cũng một môn
Tích đã Thiệp rồi Từ điểm thấp
Văn như Tương nát Tạ khuyên dồn
Con nên khoa giáp cha mòn trán
Em được công danh chị nát trôn
Bốn hai ông cử đà ra dáng
Lại khéo lôi ra một cậu Tôn

Khoa này Quảng Nam có 7 người đỗ cử nhân, chiếm 20% số người thi đỗ của cả khoa, trong đó Điện Bàn 5, Quế Sơn 1, Hòa Vang 1. Đặc biệt, kỳ thi có sự gian lận do hối lộ nên nhiều người học giỏi lại bị hỏng hoặc chỉ đỗ tú tài mà thôi.

Phan Khôi là người học rất giỏi, được nhiều người kính nể, các thầy dạy đặt kỳ vọng sẽ đỗ thủ khoa. Phan Châu Trinh có lần đến thăm trường của Trần Quý Cáp và cho rằng: “Phan Khôi và Mai Dị sẽ là hai tiến sĩ tương lai của Quảng Nam”. Thế nhưng vì không đưa hối lộ nên Phan Khôi chỉ đỗ… tú tài. Bực tức, ông đã làm một bài thơ viết lên tường của trường thi chửi sự dốt nát của các vị giám khảo và sau đó bỏ ngang không thèm theo Hán học và thi cử gì nữa. Cha của Phan Khôi là Phó bảng Phan Trân khi đọc lại bài làm của con cũng phải khen là hay và thất vọng với các vị giám khảo nhưng cũng quở trách… thái độ “vô lễ” của con.

Còn tác giả bài thơ nói trên là Dương Thưởng, người xã Trường An, phủ Tam Kỳ. Dương Thưởng có người em sinh đôi là Dương Thạc cũng thi trong khoa này. Cả hai anh em mặc dù học rất giỏi, được các bạn học là Huỳnh Thúc Kháng và Phan Châu Trinh hết lời ca ngợi nhưng lại bị hỏng. Bực tức, Dương Thưởng cùng em và một số bạn bè như Trương Bá Huy (người làng Tiên Đỏa, phủ Thăng Bình), Phan Khôi (người làng Bảo An, Điện Bàn)… thảo đơn gửi Tòa Khâm sứ và Cơ mật viện để khiếu nại và kết quả như ta đã thấy ở trên. Dù thấy rành rành cái sai của Hội đồng giám khảo nhưng để giữ thể diện cho triều đình nên Tòa cũng chỉ sửa sai đến mức đó và một số thí sinh đáng lý phải được đỗ cử nhân cũng chỉ cho đặc cách đỗ tú tài như  Dương Thưởng, Dương Thạc, Trương Bá Huy…

Phần lớn sĩ tử Quảng Nam trong khoa thi này đều tham gia phong trào Duy tân chủ trương đấu tranh bất bạo động, không tham gia trực tiếp vào các cuộc biểu tình chống sưu thuế nhưng đều bị thực dân và Nam triều theo dõi, tìm cách kết tội. Mặt khác, quan lại địa phương đều còn rất “ấn tượng” với vụ kiện trường thi trước đó nên nhân dịp này tìm cách hãm hại. Phan Khôi, Mai Dị bị bắt giam ở nhà lao Hội An suốt 3 năm với lý do rất mơ hồ là ra Hà Nội học ở trường Đông Kinh nghĩa thục mà không xin phép, cũng như đi dự lễ tế ở Văn thánh Điện Bàn lại mặc âu phục và cắt tóc ngắn.

Bị kết án, Dương Thưởng bị đày ra Lao Bảo và chết ở đây năm 1918; Dương Thạc bị đày ra Côn Đảo và chết năm 1909. Nguyễn Bá Trác bỏ trốn ra nước ngoài cũng bị kêu án đánh 100 gậy và đày 2.000 dặm. Trương Bá Huy bị kết án “càn quấy diễn thuyết, mỗi nơi chỉ trích, phỉ báng quan lại”, bị xử đánh 100 gậy, đày 3.000 dặm ra Côn Đảo; ba năm sau (1911) được tha về, lại cùng Mai Dị tham gia cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân năm 1916 và hai năm sau chết ở Lao Bảo.

LÊ BÌNH TRỊ

LÊ BÌNH TRỊ