Phong trào hiến máu tình nguyện ở Đại Lộc: Nhân lên những điển hình
Qua 5 năm phát động, phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) ở Đại Lộc bước đầu đã có sức lan tỏa, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng.
Lan tỏa…
Giai đoạn 2010 - 2015, phong trào HMTN ở Đại Lộc đã được phát động rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền, phát động được đẩy mạnh nhân dịp “Ngày toàn dân HMTN 7.4”, “Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu 14.6”… và các chiến dịch HMTN do Trung ương Hội Chữ thập đỏ, Tỉnh hội Chữ thập đỏ phát động. Ông Võ Đình Vinh - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đại Lộc cho hay, đến nay, Đại Lộc đã thành lập được 5 câu lạc bộ (CLB) “Ngân hàng máu sống” ở 3 xã Đại Cường, Đại Quang và Đại Lãnh. Cùng với đó, CLB “Hiến máu dự bị” của huyện cũng vừa chính thức ra mắt với số lượng tình nguyện viên lên đến 60 người. Giai đoạn 2010 - 2015, Đại Lộc đã vận động hơn 3.680 đơn vị máu qua 18 đợt tổ chức HMTN, thu hút hàng nghìn lượt người đăng ký tham gia. Chỉ riêng năm 2015, toàn huyện đã vận động hiến được 627 đơn vị máu, luôn vượt chỉ tiêu do Tỉnh hội giao. “Có thể thấy, sự nhiệt tình, năng nổ của những tình nguyện viên ở các CLB rất đáng ghi nhận, tôn vinh. Họ sẵn sàng cho máu khi các bệnh viện có trường hợp bệnh nhân cần tiếp máu khẩn cấp. Qua 5 năm, nổi lên những cá nhân, gia đình điển hình, đóng góp tích cực vào thành quả phong trào. Có thể kể đến gia đình anh Trần Rê (Đại Cường), Nguyễn Văn Cảm (Đại Hồng), Dương Tấn Tình (Đại Quang), Lê Ngọc Anh (Đại An), Văn Quý Đông (Đại Hòa)…” - ông Vinh chia sẻ.
Cán bộ, chiến sĩ công an tham gia hiến máu. Ảnh: BÍCH LIÊN |
Cũng theo ông Vinh, chuyển biến lớn trong phong trào HMTN ở Đại Lộc giai đoạn 2010 - 2015 là đối tượng tham gia hiến máu không chỉ giới hạn trong lực lượng đoàn viên, thanh niên mà đã mở rộng ra ở nông dân, cán bộ, công nhân viên chức lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… Sự xuất hiện những gương gia đình điển hình với nhiều thành viên trong cùng một nhà tham gia hiến máu cứu người cũng là sự chuyển biến rõ nét. Rất đáng quý khi tại nhiều địa phương, có rất nhiều trường hợp cá nhân điển hình đã có quá trình hiến máu hàng chục lần. Không chỉ chuyển biến về số lượng, quy mô với số lượt người hiến và số đơn vị máu vận động được ngày càng tăng, chất lượng phong trào cũng tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, qua nhìn nhận chung, bên cạnh thành quả trên, phong trào HMTN ở Đại Lộc vẫn còn những mặt hạn chế, cụ thể như số đơn vị máu hiến được vẫn còn tập trung ở một số địa phương và thu hút một bộ phận tình nguyện viên nhất định mà chưa có sức lan tỏa sâu rộng và đều khắp toàn huyện…
Ngân hàng máu sống
Đại Quang là một trong những địa phương có nhiều thành quả trong phong trào. CLB “Ngân hàng máu sống” của xã và một CLB ở thôn Đông Lâm đã đi vào hoạt động ổn định với hơn 40 tình nguyện viên tham gia. Bà Nguyễn Thị Hồng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã chia sẻ: “Những tình nguyện viên tham gia CLB đều được khảo sát, nắm rõ nhóm máu để tăng sức chủ động. Chỉ khi các bệnh viện có nhu cầu về nhóm máu, số đơn vị máu, các tình nguyện viên mang nhóm máu cần tìm sẽ nhanh chóng đến cho máu cứu người. Bằng nỗ lực đó, 5 năm qua, chúng tôi đã vận động 406 lượt người tham gia hiến tổng cộng 373 đơn vị máu cho các bệnh viện Bắc Quảng Nam và Đa khoa Đà Nẵng”. Ngoài Đại Quang, Đại Cường cũng là địa phương được biết đến nhiều bởi phong trào hiến máu cứu người. Đến nay, toàn xã có 2 CLB “Ngân hàng máu sống” tại hai thôn Trang Điền và Quảng Đại 2, ước tính có 60 tình nguyện viên. Ông Nguyễn Văn Tám - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đại Cường nhìn nhận: “Có thể nói, với người dân thôn Trang Điền và Quảng Đại 2, hiến máu cứu người đã trở thành một hành động, một nghĩa cử cao đẹp đi sâu vào nếp nghĩ của bà con. Nhiều tình nguyện viên đã không phải chờ tới khi có đợt vận động, mà còn thường xuyên hỏi thăm thông tin để được ghi tên vào danh sách cho máu. Qua 5 năm, chúng tôi đã vận động được hơn 300 đơn vị máu từ những tấm lòng vì cộng đồng này”.
Ông Nguyễn Văn Tám cho biết thêm, trên thực tế, đã có rất nhiều câu chuyện cảm động vì tình người của người dân Đại Cường. Ví như sự nhiệt tình của chị Lê Thị Hà, vợ chồng anh Lê Văn Cẩn (thôn Trang Điền) hết sức quý giá. Nhận được thông tin từ bệnh viện yêu cầu hỗ trợ hai đơn vị máu AB, nhóm máu hiếm để cứu sống một sản phụ đang nguy kịch. Tức tốc, Ban chỉ đạo vận động HMTN xã rà soát song vẫn chưa tìm được tình nguyện viên đáp ứng yêu cầu. Biết chị Lê Thị Hà và vợ chồng anh Lê Văn Cẩn ở xã có sở hữu nhóm máu này, chúng tôi đã đến gặp họ trao đổi, vừa nghe đầu đuôi câu chuyện, họ đã bỏ dở công việc giữa chừng tức tốc đến bệnh viện cứu người. Những nghĩa cử đó lấp lánh vẻ đẹp và rất cần nhân lên trong cộng đồng… Hay mỗi khi nhắc tới “Ngân hàng máu sống”, không ai là không biết gia đình anh Trần Rê, một “ngân hàng máu sống” nhỏ ở xã Đại Cường. Nhiều năm nay, gia đình anh Rê đã trở thành hạt nhân của phong trào HMTN xã Đại Cường nói riêng và Đại Lộc nói chung. Anh Rê chia sẻ: “Thôn Quảng Đại 2 của tôi nay đã được gọi với tên quen thuộc là “thôn hiến máu”. Ngân hàng máu sống của gia đình tôi và bà con trong xóm là món quà vô giá đối với người bệnh và chúng tôi cảm thấy vui khi đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác. Bởi chúng tôi hiểu, một giọt máu cho đi là cả niềm vui ở lại” - anh Trần Rê vui vẻ.
Ông Nguyễn Hữu Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo vận động HMTN huyện Đại Lộc cho biết, bản thân việc cho máu là nghĩa cử cao đẹp, mang niềm vui đến cho người khác cũng chính là cho bản thân mình. Địa phương rất trân trọng tình cảm, trách nhiệm và những giọt máu hồng đã cho đi vì người bệnh của đội ngũ tình nguyện viên. Cần tiếp tục duy trì và phát triển mạng lưới “Ngân hàng máu sống”, nâng cao hơn nữa cả về số lượng lẫn chất lượng, đưa phong trào ngày càng đi vào chiều sâu.
BÍCH LIÊN