Tương tác với cử tri

BẢO NGUYÊN (Tổng hợp) 09/09/2015 10:02

Trên cơ sở đề nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến đoàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, giải quyết, trả lời ý kiến cử tri theo thẩm quyền.

Sẽ có chính sách hỗ trợ trồng cây dược liệu

Cử tri đề nghị có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân trồng cây dược liệu nhằm thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững. UBND tỉnh cho biết, đối với cây sâm Ngọc Linh, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2821/QĐ-UBND ngày 17.9.2014 về cơ chế khuyến khích, bảo tồn phát triển sâm Ngọc Linh tỉnh giai đoạn 2014 - 2020. Những loại cây dược liệu khác, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT xây dựng cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số dược liệu quý trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, dự kiến trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 15 sắp đến. Trong đó, có quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân trồng cây dược liệu (ba kích, sâm nam, giảo cổ lam, sa nhân...) dưới tán rừng để cải thiện thêm thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri Hội An. Ảnh: M.HẢI
Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri Hội An. Ảnh: M.HẢI

Liên quan đến ý kiến cử tri đề nghị lập quy hoạch vùng sâm Ngọc Linh, trong đó có huyện Tây Giang, theo UBND tỉnh, hiện nay việc quy hoạch sâm Ngọc Linh mới chỉ thực hiện tại huyện Nam Trà My - nơi có cây sâm Ngọc Linh phân bố tự nhiên. Việc lập quy hoạch cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Tây Giang sẽ được thực hiện khi có kết quả khảo nghiệm, đánh giá cụ thể về tính thích nghi, chất lượng sâm khi di thực loài cây tại huyện Tây Giang.

Rừng pơmu nằm trong vùng chi trả dịch vụ môi trường rừng

Cử tri cũng đã kiến nghị cần có chính sách đặc thù hỗ trợ cho người dân bảo vệ, chăm sóc rừng pơmu nguyên sinh trên địa bàn huyện Tây Giang. Kiến nghị này, UBND tỉnh cho rằng, rừng pơmu nguyên sinh trên địa bàn huyện Tây Giang nằm trong vùng chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24.9.2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hiện nay, diện tích này đang giao khoán cho các nhóm hộ quản lý, bảo vệ và hưởng lợi.

Trong năm 2015 - 2016, hợp phần phục hồi các hành lang rừng thuộc dự án dự trữ carbon và bảo tồn đa dạng sinh học sẽ triển khai các hoạt động: khoán quản lý bảo vệ rừng tự nhiên, trồng mây dưới tán rừng tự nhiên trên địa bàn các xã A Xan và Tr’hy (khu vực có cây pơmu phân bố). Trong đó, khoán quản lý bảo vệ rừng tự nhiên cho các nhóm hộ gia đình với mức 200 nghìn đồng/ha/năm; hỗ trợ người dân trồng mây dưới tán rừng tự nhiên nhằm cải thiện sinh kế 3 triệu đồng/ha và 1.000 cây giống/ha.

Tránh chồng chéo trong quản lý, bảo vệ rừng

Cử tri cho rằng, hiện nay việc quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn một số huyện miền núi như Phước Sơn, Nam Trà My có sự chồng chéo giữa các hạt kiểm lâm và Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, đề nghị cần rà soát, phân định rõ. Sau khi kiểm tra, UBND tỉnh cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 BQL rừng đặc dụng, 3 BQL rừng phòng hộ thuộc Chi cục Kiểm lâm và 4 BQL rừng phòng hộ thuộc Sở NN&PTNT. Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT đã thống nhất giao cho Chi cục Kiểm lâm trực tiếp giúp Sở NN&PTNT quản lý các khu rừng đặc dụng do địa phương quản lý.

UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT khẩn trương khảo sát, đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các BQL rừng phòng hộ, cũng như những BQL rừng phòng hộ có Hạt kiểm lâm trong thực tiễn, để có phương án tổ chức bộ máy tối ưu nhằm thống nhất quản lý, tránh chồng chéo và tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Sở NN&PTNT.

Đảm bảo cung ứng điện cho Phước Sơn

Thời gian gần đây trên địa bàn huyện Phước Sơn thường xuyên cúp điện và không thông báo trước, làm ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Cử tri địa phương đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có ý kiến để UBND tỉnh chỉ đạo Công ty điện lực Quảng Nam khắc phục tình trạng trên. Đồng thời đề nghị Tổng Công ty Điện lực miền Trung sớm triển khai xây dựng Trạm biến áp 110kV Phước Sơn.

Theo báo cáo của ngành chức năng, trong thời gian qua, khu vực Hiệp Đức và Phước Sơn thường xuyên xảy ra dông sét, gió lốc, nhiều lần gây sự cố mất điện. Nguyên nhân chủ yếu do sét đánh trực tiếp vào đường dây; cây nằm ngoài hành lang tuyến lưới điện ngã vào đường dây khi có mưa; gió lớn làm vỡ sứ… UBND tỉnh đã đề nghị Công ty Điện lực Quảng Nam thực hiện thay các thiết bị kém chất lượng trên tuyến đường dây 35kV từ Hiệp Đức đi Phước Sơn. Đồng thời nghiên cứu lắp đặt thêm các van chống sét, thiết bị báo sự cố, nhằm hạn chế sự cố do dông sét gây ra và phân đoạn tìm nhanh điểm sự cố để sớm khôi phục cấp điện cho nhân dân. UBND tỉnh cũng đã yêu cầu UBND huyện Phước Sơn chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các xã vận động nhân dân hỗ trợ Công ty Điện lực Quảng Nam trong công tác chặt cây, phát quang hành lang tuyến lưới điện.

Về xây dựng trạm biến áp 110kV, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đang lập dự án và đã vay vốn ODA để thực hiện đầu tư xây dựng đường dây và tạm biến áp 110kV tại Phước Sơn. BQL dự án của Tổng Công ty Điện lực miền Trung đang thực hiện công tác thỏa thuận tuyến để triển khai lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật. Khi công trình này hoàn thành sẽ đảm bảo cung cấp điện ổn định lâu dài cho nhân dân Phước Sơn.

Giải quyết các vấn đề liên quan đến sạt lở

Tại Đại Lộc, cử tri đề nghị đầu tư, xây dựng đoạn kè từ thôn Mỹ Hảo, xã Đại Phong đến thôn Ấp Bắc, xã Đại Minh (sông Vu Gia), UBND tỉnh trả lời: công trình kè chống sạt lở sông Vu Gia khu vực xã Đại Phong do ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Đại Lộc tổ chức thực hiện với chiều dài 363,4m, tổng mức đầu tư 9,593 tỷ đồng đã thi công hoàn thành. Đối với đoạn còn lại, giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan kiểm tra cụ thể thực tế tình hình sạt lở, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo đúng quy định về quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển.

Đối với đề nghị sớm di dời 32 hộ dân thôn Mỹ Hảo ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi ở mới an toàn, UBND tỉnh cho biết đã ban hành Quyết định 2590/QĐ-UBND ngày 23.7.2015 tạm ứng kinh phí giao Sở NN&PTNT hỗ trợ di dời 166 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ năm 2015, tuy nhiên trong danh sách hỗ trợ di dời không có trường hợp nào thuộc thôn Mỹ Hảo của xã Đại Phong. Vì vậy, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Đại Lộc rà soát, kiểm tra thực địa đối với các hộ dân thôn Mỹ Hảo để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh  xem xét, giải quyết kịp thời.

Xử lý nghiêm nhà hàng, khách sạn xả thải chưa qua xử lý ra sông Thu Bồn
Cử tri TP.Hội An phản ánh tình trạng một số nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra sông Thu Bồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trước thông tin trên, UBND tỉnh cho hay, hiện nay trên địa bàn TP.Hội An có khoảng 105 đơn vị đang hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn phải thực hiện việc xin cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định. Tính đến tháng 7.2015, UBND tỉnh đã cấp 83 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước cho 80 doanh nghiệp đủ điều kiện cấp phép theo quy định, với tổng lưu lượng nước xả thải 2.910 m3/ngày đêm. Như vậy, trên địa bàn Hội An còn khoảng 22 doanh nghiệp chưa lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xả nước thải theo quy định. UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và môi trường phối hợp với TP.Hội An tiếp tục rà soát, tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các đơn vị có hành vi vi phạm quy định của Luật Tài nguyên nước.

Tạm dừng cử tuyển để giải quyết “đầu ra”

Ngày 15.7.2015, UBND tỉnh tổ chức hội nghị về công tác cử tuyển năm 2015, theo đó UBND tỉnh có chủ trương tạm dừng công tác đào tạo cử tuyển của tỉnh năm học 2015 - 2016. Trong khi đó, cử tri một số huyện miền núi đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương cử tuyển đối với học sinh khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. UBND tỉnh cho biết, việc tạm dừng đào tạo cử tuyển là nhằm rà soát, bố trí việc làm cho học sinh, sinh viên diện cử tuyển đã tốt nghiệp ra trường nhưng chưa được phân công công tác. Thời gian đến, đối tượng cử tuyển, ngành nghề cử tuyển sẽ do hội đồng tuyển sinh của huyện xét duyệt, quyết định theo nhu cầu của địa phương và phải đảm bảo bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp.
Về đề nghị có chính sách, chế độ đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số tự thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, đã được UBND tỉnh quy định cụ thể tại Quyết định số 15/2010/QĐ-UBND ngày 23.7.2010 về quy định chính sách, chế dộ đối với học sinh thuộc khu vực II chương trình 135; học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số và Quyết định số 05/2011/QĐ-UBND ngày 11.2.2011 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 15/2010/QĐ-UBND.

BẢO NGUYÊN (Tổng hợp)

BẢO NGUYÊN (Tổng hợp)