Thầy thuốc ở vùng cao

PHƯƠNG GIANG – ALĂNG NGƯỚC 07/09/2015 08:47

Đưa người bệnh từ những làng bản đến trung tâm y tế mỗi khi ốm đau, đến từng nhà, gõ từng cánh cửa để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng cao là sứ mệnh, trách nhiệm và cả tấm lòng của những y bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Đông Giang suốt nhiều năm qua. Chính những nỗ lực miệt mài đó đã thắp thêm niềm tin yêu trong lòng nhiều người dân bản.

Trung tâm Y tế huyện Đông Giang hiện là một trong những đơn vị làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở địa bàn miền núi.
Trung tâm Y tế huyện Đông Giang hiện là một trong những đơn vị làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở địa bàn miền núi.

Tìm đến trung tâm y tế

Aduông 2 là ngôi làng nằm tách biệt trong rừng, cách thị trấn Prao (huyện Đông Giang) chừng chục cây số. Những ngày trước, cứ mỗi lần có ai đó ốm đau, nếu không phải là bài thuốc dân gian của những người lớn tuổi thì dân làng cũng chỉ quen giết gà, giết trâu cúng bái để “chữa bệnh”. Già trẻ đều thế, như một niềm tin tưởng chừng khó có thể lay chuyển. Dần dà, ra thị trấn, bắt đầu có những người nghe nói đến trạm y tế, đến thuốc để chữa bệnh. Y bác sĩ đi vào tận bản, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, khám và phát thuốc cho bà con. Nhiều người dùng thuốc mau chóng khỏi bệnh, lại truyền tai nhau. Cán bộ xã, cán bộ thôn cũng tích cực vận động bà con đến trạm y tế. Sau những lần như thế, bà con quen với hình ảnh những y bác sĩ ở trạm xá, nghe theo những lời tư vấn, sử dụng thuốc mỗi khi có ai đó ốm đau. Nhiều phụ nữ trở dạ, đêm tối dân làng cũng thắp đuốc để đưa đến cơ sở y tế chứ không để sinh tại nhà như trước nữa. Gặp chị Alăng Thị Dắp, người dân làng Aduông 2 tại Trung tâm Y tế huyện Đông Giang, chị chia sẻ: “Thời trước, mình đau ốm người lớn toàn cho mình uống nước lá, rồi giết gà giết heo cúng bái, có khi khỏi, nhưng cũng có khi đau ốm cả mấy tháng trời. Sau này được gặp bác sĩ, được khám, uống thuốc khỏi bệnh nên giờ gia đình mình đau ốm là đến bệnh viện ngay. Nhờ có bảo hiểm y tế, không mất nhiều tiền mà còn mau hết bệnh”.

Cũng như chị Dắp, người Cơ Tu ở các bản làng lân cận đến khám chữa bệnh ngày càng đông, nhất là khi trung tâm y tế huyện và các trạm y tế tuyến xã được xây dựng khang trang, hiện đại hơn. Tính sơ bộ 6 tháng đầu năm, có gần 39.000 lượt người đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Đông Giang và các trạm y tế xã. Trong đó, có gần 25.000 lượt người dân đến khám tại các trạm y tế xã trên địa bàn huyện. Đây là sự chuyển biến đáng kể trong nhận thức của người dân vùng cao. Bà Ating Tươi - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, ngay cả ở các bản làng còn cách trở, người dân đã biết và tìm đến cơ sở y tế hoặc gặp cán bộ y tế thôn bản để nhờ khám, nhận thuốc chứ không còn cúng bái hoặc tự chữa như trước. “Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng triển khai ở các địa phương trên toàn huyện. Nhiều trạm y tế xã được nâng cấp, sửa chữa, đội ngũ y bác sĩ tăng cường về tuyến xã cũng nhiều hơn so với trước đây, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh tại chỗ và phòng chống dịch bệnh. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của người dân cũng được nâng cao, hiệu quả khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe vì thế cũng tăng cao hơn so với trước” - bà Tươi nói.

Hết lòng phục vụ

Năm 2013, Trung tâm Y tế huyện Đông Giang được cải tạo, xây mới và đưa vào hoạt động với tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng. Từ chỗ thiếu nhân lực, trang thiết bị, hoạt động khám chữa bệnh còn hạn chế, đến nay trung tâm trở thành một trong những địa điểm tin cậy của đồng bào vùng cao mỗi khi có nhu cầu khám chữa bệnh. Thay vì phải vượt hàng trăm cây số xuống bệnh viện, người dân có thể an tâm điều trị tại đây. Bác sĩ Phạm Công Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Giang chia sẻ: “Đến nay chúng tôi đã có 22 bác sĩ, 49 y sĩ cùng đội ngũ y tá, điều dưỡng, cơ bản đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh xuống đến cơ sở. Có những địa bàn như ở xã Cà Dăng, chúng tôi bố trí đến 8 y bác sĩ công tác, trong khi mức bình quân là 5 y bác sĩ/xã, nhằm phục vụ tốt hơn cho đồng bào. Hàng năm, các y bác sĩ này cũng được luân chuyển thường xuyên để tăng cường cho tuyến xã, nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại chỗ cho người dân”.

Hơn 5 năm công tác tại Đông Giang, bác sĩ Bríu Quang (Khoa Nội - nhi, Trung tâm Y tế huyện Đông Giang) tâm sự, từ ngày trung tâm y tế được xây mới, người bệnh đến khám rất đông. Phần lớn y bác sĩ tại đây là người địa phương, có khả năng giao tiếp tốt lại am hiểu tập quán, tâm lý của đồng bào nên bà con rất tin tưởng. “Trước đây bà con còn e ngại, dè dặt không dám chia sẻ với bác sĩ về tình hình bệnh tật. Nhờ khả năng giao tiếp bằng tiếng địa phương, bà con tìm đến nhiều hơn, còn mạnh dạn hỏi thăm tình trạng bệnh, nhờ bác sĩ tư vấn trong và sau khi điều trị. Vậy nên dù là địa bàn miền núi nhưng trung tâm y tế rất đông bệnh nhân, có khi 2 - 3 bệnh nhân phải nằm ghép để điều trị, điều mà trước đây chưa bao giờ có” - bác sĩ Quang nói.

Đón nhận và tận tình khám chữa bệnh cho bà con, các bác sĩ, cán bộ ở Trung tâm Y tế Đông Giang đã tạo được niềm tin cho rất đông người dân. Cứ mỗi chiều thứ Năm hằng tuần, người bệnh được tuyên truyền về quyền lợi khi đến khám chữa bệnh, được giải đáp những thắc mắc, giải tỏa những điều chưa hài lòng đối với y bác sĩ và đội ngũ cán bộ. Chính kênh thông tin gần gũi, thiết thực này đã tạo ra một môi trường thân thiện đối với người bệnh. Lồng ghép trong những buổi gặp gỡ đó là dịp tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, phòng chống dịch bệnh. “Trung tâm cũng đã triển khai áp dụng các quy định về đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh của Bộ Y tế cho các cán bộ, y bác sĩ, bước đầu đã đạt được nhiều hiệu ứng khá tích cực. Thời gian tới, trung tâm sẽ duy trì và tăng cường hơn nữa mối quan hệ gần gũi, thân thiện đối với người bệnh, từ đó làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân” - bác sĩ Phạm Công Anh cho biết thêm.

PHƯƠNG GIANG – ALĂNG NGƯỚC

PHƯƠNG GIANG – ALĂNG NGƯỚC