Chia sẻ kinh nghiệm du lịch cộng đồng

KHÁNH LINH 07/09/2015 08:36

Chia sẻ lợi ích và cách thức quản lý mô hình du lịch cộng đồng thông qua kinh nghiệm từ các nước, nhất là Nhật Bản là nội dung hội thảo “Nâng cao năng lực phát triển sản phẩm và phục vụ khách du lịch cộng đồng” do Trung tâm ASEAN - Nhật Bản (AJC) phối hợp với Tổng cục Du lịch và Chi hội PATA Việt Nam vừa tổ chức tại TP.Đà Nẵng.

Phát triển du lịch cộng đồng tại Nam Giang nhằm giúp  người dân xây dựng niềm tin về các giá trị văn hóa Cơ Tu của mình. Ảnh: KHÁNH LINH
Phát triển du lịch cộng đồng tại Nam Giang nhằm giúp người dân xây dựng niềm tin về các giá trị văn hóa Cơ Tu của mình. Ảnh: KHÁNH LINH

Hệ thống “Những ngôi làng đẹp nhất Nhật Bản”

Trong những năm trở lại đây, mô hình phát triển du lịch cộng đồng đã trở hành xu hướng chung của nhiều quốc gia trong khu vực và châu Á. Với mục tiêu lấy cái đẹp của các ngôi làng để làm nền tảng phát triển kinh tế, tại Nhật Bản du lịch cộng đồng đã đóng vai trò quan trọng trong gìn giữ các giá trị di sản nông thôn cũng như góp phần nuôi dưỡng bản sắc và lòng tự hào của người dân. Thông qua phát triển du lịch, người dân không chỉ bảo vệ, gìn giữ ngôi làng mà còn tạo dựng nơi đây như một di sản hoặc một bảo tàng tự nhiên độc đáo. Đặc biệt, với hệ thống tổ chức “Những ngôi làng đẹp nhất Nhật Bản” được xác lập như một câu lạc bộ quy tụ các ngôi làng đẹp trên khắp đất nước, đã trở thành cái đích hướng đến cho những làng du lịch cộng đồng nhằm giúp tiếp cận với nhiều cơ hội quý giá trong phát triển du lịch.

Để trở thành thành viên của “Những ngôi làng đẹp nhất Nhật Bản”, ngôi làng phải đáp ứng những tiêu chí nghiêm ngặt như:  phải thuộc nông thôn, quy mô và dân số tối đa khoảng 10 nghìn người (đây là quy mô nhỏ ở Nhật Bản, trung bình mỗi ngôi làng Nhật Bản là 13 nghìn người); phải có ít nhất 2 di sản là phong cảnh và kiến trúc hoặc văn hóa. Đặc biệt, phải có sự ủng hộ của công chúng bằng cách đưa ra những chứng minh về sự biểu quyết, ủng hộ của dân làng cũng như cam kết của làng trong việc giữ vững các giá trị của làng đó. Bù lại, khi đã là thành viên chính thức, ngôi làng sẽ có nhiều cơ hội trong phát triển du lịch vì “thương hiệu” là thành viên của “Những ngôi làng đẹp nhất Nhật Bản” mang lại. “Hiệp hội sẽ thẩm định về chất lượng của ngôi làng đăng ký tham gia với khung điểm 100, nếu đạt 100/100 điểm sẽ được kết nạp và ký vào văn bản gọi là hiến chương về chất lượng, tuần tự 5 năm một lần sẽ được kiểm tra, đánh giá nhằm xem những người thực hiện đã làm như thế nào để phát triển ngôi làng đó” -  ông Dananjaya Axioma, Giám đốc Trung tâm AJC cho biết.

Ngoài ra, cơ cấu quản lý làng du lịch cộng đồng tại Nhật Bản cũng được tổ chức chuyên nghiệp với một ban giám đốc và 2 ủy ban (ủy ban về chất lượng và ủy ban về phát triển kinh doanh), còn các thuyết minh viên tại làng chủ yếu là những người nghỉ hưu làm việc với niềm vui và tự hào về ngôi làng của mình là chính chứ không vì lợi nhuận. Để duy trì hoạt động, ngân sách hàng năm của mỗi ngôi làng ở Nhật Bản khoảng 27 triệu yên. Trong đó, 80% kinh phí từ nguồn trợ lực Chính phủ, 20% còn lại là của địa phương nên người dân không phải chú trọng quá mức đến việc “tận thu” tài nguyên của làng trong phát triển du lịch.

Sự khác biệt  

Theo ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hoa Hồng (Hội An), người có hơn một tháng tập huấn, tham quan mô hình du lịch cộng đồng tại Nhật Bản, sự khác biệt của mô hình du lịch cộng đồng giữa Quảng Nam (hoặc Việt Nam) và Nhật Bản là một bên lấy các giá trị văn hóa sinh thái của làng làm nền tảng để phát triển du lịch và một bên phát triển du lịch cộng đồng để có điều kiện giữ gìn, bảo vệ vẻ đẹp của làng. Chính vì vậy, việc phát triển du lịch cộng đồng tại Nhật Bản luôn được kiểm soát về chất lượng dịch vụ và số lượng khách tham quan. Điều này đã được Tổ chức Cứu trợ quốc tế Nhật Bản (FIDR) áp dụng vào Nam Giang khi triển khai mô hình “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu” nơi đây. Bà Nobuko Otsuki - Trưởng đại diện FIDR tại Việt Nam cho rằng, mục đích phát triển du lịch cộng đồng tại Nam Giang nhằm giúp xây dựng niềm tin về các giá trị văn hóa Cơ Tu dựa trên nguồn lực tại chỗ để người dân địa phương không chỉ được hưởng lợi mà còn tự hào với những giá trị văn hóa của mình. Thực hiện mục tiêu này, từ năm 2008 - 2012, FIDR đã triển khai dự án dựa trên 3 điểm chính: tìm hiểu, tiếp cận tiềm năng và môi trường sinh thái xung quanh (gần 2 di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn); giúp người dân địa phương cảm nhận được các giá trị văn hóa của mình; kêu gọi sự hợp tác, phối hợp từ chính quyền địa phương và các tổ chức khác… hướng đến thay đổi nhận thức và thu nhập bền vững cho người dân. “Việc làm này giống như đi tìm kho báu, trong đó những giá trị văn hóa Cơ Tu chính là kho báu cần khai thác để mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân địa phương” - bà Nobuko Otsuki chia sẻ.

Trong hội thảo “Nâng cao năng lực phát triển sản phẩm và phục vụ khách du lịch cộng đồng”, đại diện Bộ Du lịch Campuchia nhìn nhận, để du lịch cộng đồng phát triển đúng hướng cần tuân thủ 5 yêu cầu: thái độ của người dân và chính quyền đối với du lịch cộng đồng như hạ tầng, thái độ nhiệt tình, đón khách…; cơ sở vật chất cho du khách; sự hấp dẫn về tài nguyên du lịch; khả năng tiếp cận của khách; khả năng quảng bá, tiếp thị với thị trường. “Ai sẽ là người chịu trách nhiệm quảng bá cho du lịch cộng đồng. Thái độ của người dân địa phương đối với khách ra sao?... Khi trả lời được những câu hỏi này du lịch cộng đồng sẽ phát triển chuyên nghiệp hơn” - vị đại diện này phân tích. Ông Phạm Vũ Dũng thừa nhận, không chỉ giữa Việt Nam và Nhật Bản, việc phát triển du lịch ở Quảng Nam cũng có sự khác biệt giữa những ngôi làng gần Hội An và những nơi xa hơn. Vì vậy, Nhà nước phải hỗ trợ, giúp đỡ trong quy hoạch tuyến, điểm du lịch lâu dài cùng những cam kết giữa các bên liên quan; có cơ chế, đảm bảo an ninh, trật tự cũng như quản lý kinh doanh lành mạnh. Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ cần giúp đào tạo người dân sản xuất sản phẩm hàng lưu niệm; cập nhật và tư vấn các mô hình du lịch nơi khác để người dân nghiên cứu tham gia. Đặc biệt, người dân phải là chủ thể trực tiếp phục vụ du khách và văn hóa bản địa cần được bảo tồn, lưu giữ thường xuyên. “Nên có cơ quan quản lý những làng du lịch cộng đồng và làng du lịch phải đăng ký tham gia để được hưởng những lợi ích về quảng bá, cung ứng khách cũng như được kiểm soát thường xuyên theo kiểu có ra có vào nhằm giúp các làng hoạt động, phát triển đúng hướng” - ông Dũng đề xuất.

KHÁNH LINH

KHÁNH LINH