Phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em: Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

ANH ĐÔNG 07/09/2015 08:27

Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, thời gian qua, công tác phòng chống tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực.

Chuyển biến

Theo Sở LĐ-TB&XH, TNTT là thuật ngữ chỉ những tổn thương cơ thể ở các mức độ khác nhau do tiếp xúc với các nguồn năng lượng vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể hoặc do cơ thể thiếu các yếu tố của sự sống như thiếu ôxy hoặc mất nhiệt. Hiện nay, TNTT là một trong những nguyên nhân chính gây tàn phế, làm mất khả năng sống tiềm tàng ở trẻ em. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính phủ, các cấp, ngành và toàn xã hội.

Thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng chống TNTT trẻ em trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Các ngành LĐ-TB&XH, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, công an, y tế… đã ký kế hoạch liên tịch và thực hiện chương trình phòng chống TNTT trẻ em giai đoạn 2013 - 2015 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình phòng chống TNTT trẻ em tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014 - 2015. Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - Trưởng phòng Chăm sóc, bảo vệ trẻ em (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, 3 năm qua, với sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân, nhiều chương trình, phòng chống TNTT trẻ em tại Quảng Nam đã được triển khai như tập huấn, truyền thông cộng đồng, in ấn tài liệu tuyên truyền, xây dựng mô hình, tổ chức dạy bơi cho trẻ em… Qua đó đã góp phần giảm thiểu tai nạn cho trẻ em, tình hình TNTT trẻ em trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể so với mặt bằng chung cả nước. Đây là kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận.

Hội thảo bàn giải pháp phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em do Sở LĐ-TB&XH tổ chức. Ảnh: VINH ANH
Hội thảo bàn giải pháp phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em do Sở LĐ-TB&XH tổ chức. Ảnh: VINH ANH

Theo ghi nhận, thời điểm xảy ra tai nạn đối với trẻ em thường vào khoảng thời gian nghỉ hè, lễ tết… Trong đó chủ yếu tập trung ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Tại đây trẻ em thường chơi tự do, thiếu sự quản lý của gia đình. Theo chị Trần Thị Ngọc Thảo - Trưởng ban Thanh thiếu nhi trường học Tỉnh đoàn cho biết, xác định được vai trò quan trọng của các tổ chức, cá nhân trong việc phòng chống TNTT với trẻ em, thời gian qua, Đoàn thanh niên tỉnh đã xây dựng được 7 bến đò ngang an toàn, tặng hàng trăm áo phao, thành lập được 2 đội hình sơ cứu nhanh tai nạn giao thông trên quốc lộ 1. Hàng năm đều triển khai đến các liên đội trong tỉnh thực hiện tốt phong trào cổng trường an toàn giao thông, chương trình rèn luyện đội viên, tổ chức lớp “Học kỳ trong quân đội”… Đặc biệt, các cấp bộ đoàn thường xuyên tổ chức các diễn đàn sống để yêu thương, tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ em thông qua các buổi sinh hoạt hè, rèn luyện kỹ năng sống, thực hành xã hội, học võ, tìm hiểu luật giao thông… Qua những hoạt động có thể giúp các em tự bảo vệ bản thân cũng như nhắc nhở, giúp đỡ các bạn khi cần thiết.

Tăng khả năng bảo vệ

Theo Phòng Chăm sóc, bảo vệ trẻ em, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận từ các chương trình thì tình hình TNTT trẻ em của tỉnh vẫn còn những vấn đề đáng quan tâm. Số vụ tai nạn, số trẻ bị tử vong vẫn còn cao. Riêng năm 2014, toàn tỉnh có 27 trẻ bị tử vong do tai nạn, còn 6 tháng đầu năm 2015 đã có đến 14 trẻ tử vong. Trong đó, đuối nước chiếm hàng đầu, tiếp đến là tai nạn khác như bị hóc, ngạt đường thở, côn trùng đốt, điện giật… Những con số đau lòng này tiếp tục dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh toàn xã hội cần tiếp tục có những cố gắng trong việc phòng chống TNTT ở trẻ em. Tại Hội thảo bàn giải pháp phòng chống TNTT trẻ em do Sở LĐ-TB&XH tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng để giảm thiểu TNTT ở trẻ em thì vai trò của gia đình hết sức quan trọng. Theo chị Trần Thị Ngọc Thảo, để giảm thiểu TNTT ở trẻ em, nếu chỉ có các ngành chức năng thì chưa đủ mà còn cần sự vào cuộc từ chính gia đình các em. Việc thường xuyên quan tâm, nhắc nhở, giám sát của người lớn mới thực sự tạo được môi trường an toàn cho trẻ em vui chơi, tìm hiểu thế giới xung quanh. “Các bậc phu huynh cần nghiêm cấm trẻ em bơi ở sông, hồ khi không có người lớn đi kèm; luôn cẩn thận đậy nắp bể, giếng… Cha mẹ cần chấp hành đúng luật lệ giao thông để làm gương cho trẻ. Đồng thời cần nắm vững những phương pháp phòng chống và các biện pháp sơ cấp cứu cho gia đình và trẻ em khi gặp những tai nạn đáng tiếc xảy ra” - chị Thảo chia sẻ.

Theo đại diện ngành y tế, để hạn chế thấp nhất trẻ em bị tử vong, đồng thời hạn chế những biến chứng và di chứng đối với trẻ em khi bị TNTT thì cần phải tăng cường tuyên truyền, tập huấn công tác sơ, cấp cứu TNTT cho cộng đồng. Trong đó, cần tập huấn về các kỹ năng cấp cứu cơ bản như ngạt nước, say sóng, bỏng, điện giật, rắn cắn… để kịp thời sơ cứu trẻ bị tai nạn đúng quy trình kỹ thuật, hạn chế các tai biến nguy hiểm. Bên cạnh đó, các đơn vị y tế cũng cần thường xuyên phối hợp với các đơn vị tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm hướng dẫn cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng chống TNTT ở trẻ em.

ANH ĐÔNG

ANH ĐÔNG