Sạt lở biển Hội An: Doanh nghiệp du lịch gặp khó

THÂN VĨNH LỘC 06/09/2015 06:32

Sạt lở bờ biển Cửa Đại (Hội An) đã không còn là chuyện mới mẻ trong những năm gần đây. Dù đã có nhiều giải pháp đối phó tạm thời được triển khai, tuy nhiên bãi biển tiếp tục sạt lở, tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh của những khách sạn ven biển, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó.

 Các giải pháp kè chống sạt lở bờ biển Cửa Đại cũng chỉ mang tính tạm thời. Ảnh: VĨNH LỘC
Các giải pháp kè chống sạt lở bờ biển Cửa Đại cũng chỉ mang tính tạm thời. Ảnh: VĨNH LỘC

Khách sụt giảm

Khu vực ven biển Cửa Đại (phường Cửa Đại) hiện có 5 dự án nghỉ dưỡng cao cấp, ngoài 2 dự án là khách sạn Fusion Alya và Vinpearl Resort Hội An đang xây dựng dở dang bỏ hoang thì các khách sạn còn lại đã đi vào hoạt động từ lâu. Tuy nhiên, tình trạng nước biển xâm thực ngày càng nghiêm trọng không chỉ gây tốn tiền của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của những khách sạn tại đây. Tại khách sạn Victoria, mỗi năm đơn vị phải chi ra hàng tỷ đồng để kè chắn biển, riêng năm 2014 khoảng 3 tỷ đồng đã được doanh nghiệp bỏ ra đổ đá chống xói lở 300m bờ biển khách sạn nhưng kết quả vẫn như “muối bỏ biển”. Đặc biệt, việc không còn bãi biển đã khiến lượng khách đến lưu trú cũng sụt giảm rất nhiều. Dù chưa có thống kê chính thức nhưng theo đại diện lãnh đạo khách sạn Victoria, sạt lở biển là một trong nguyên nhân lớn tác động đến sự sụt giảm lượng khách nghỉ dưỡng. “Khách sụt giảm ngoài tác động xấu đến hoạt động kinh doanh còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, thu nhập của hàng trăm con người đang làm việc tại khách sạn”, đại diện khách sạn Victoria phản ánh. Tương tự, tại khách sạn Sunrise dù lượng khách lấp phòng vẫn được duy trì 60% - 70% công suất phòng do bờ biển đã được kè chắn tạm thời, nhưng so với những năm trước cũng sụt giảm khá nhiều. Không ít đoàn khách đã hủy đặt phòng hoặc giảm thời gian lưu trú khi chứng kiến bờ biển trước khách sạn không còn.

Tuy nhiên, nghiêm trọng nhất phải kể đến khách sạn Goldensand, hiện tại biển đã ăn sát gần hồ bơi, đe dọa hoạt động kinh doanh của đơn vị. Bà Nguyễn Châu Thanh Thu – Trợ lý tổng giám đốc khách sạn Goldensand khẳng định, sạt lở biển đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu như những năm trước tỷ lệ khách luôn lấp đầy phòng thì vài năm trở lại đây, nhất là từ khi bãi biển không còn, lượng khách đăng ký lưu trú nghỉ dưỡng đã sụt giảm hẳn. Riêng trong 2 năm 2013 - 2014 lượng khách giảm 70% - 80% do không thể đón được khách đoàn. “Để có khách chúng tôi phải đi đến làm việc với từng công ty lữ hành nhưng khi họ đến khảo sát thấy biển không còn nên đã từ chối đưa khách về” - bà Thu nói. Thậm chí, dù khách sạn đã giảm giá phòng xuống 50% cũng như “câu” khách bằng nhiều dịch vụ hỗ trợ hấp dẫn nhưng cũng không khả thi. Để tự cứu mình, doanh nghiệp đã đầu tư hàng tỷ đồng kè chắn cứng nhằm hạn chế tác động của biển xâm thực nhưng đã không được TP.Hội An cho phép, thậm chí còn bị phạt tiền và yêu cầu tháo dỡ.  

Chờ giải pháp đồng bộ

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, trong số  7km bờ biển chạy từ phường An Bàng (Cẩm An) đến Cửa Đại hiện đã lấp đầy dự án. Ngoài các khách sạn đang bị sạt lở khu vực Cửa Đại, hầu hết dự án chưa hoạt động phía An Bàng như Lê Phan Resort, Năm Sao, Qudos, Thái Bình Dương… chưa bị tác động hay ảnh hưởng của biển xâm thực. “Những dự án bị sạt lở chủ yếu đã hoạt động từ nhiều năm nay như Victoria, Goldensand, Sunrise, tuy nhiên hầu hết đã tự tiến hành chống đỡ và tỉnh cũng đã chấp nhận chủ trương chống đỡ tạm thời trong khi chờ giải pháp toàn diện dài hơi của tỉnh và Chính phủ” - ông Sơn nói. Riêng việc thống nhất một giải pháp hữu hiệu và toàn diện nhất thì hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa có kết luận. “UBND tỉnh đã có văn bản nói rõ, trong khi chờ các bộ ngành có giải pháp hữu hiệu để giải quyết căn cơ vấn đề sạt lở thì đồng ý cho doanh nghiệp thực hiện các giải pháp chống đỡ, có thể chống đỡ cứng, chống đỡ mềm” - ông Sơn nói thêm. Doanh nghiệp phải tự bỏ vốn ra làm, Nhà nước chỉ bảo vệ các phần công viên công cộng chứ không thể đầu tư vào những đoạn bờ biển doanh nghiệp đang quản lý sử dụng, nhưng dựa trên tổng thể của khu vực biển sẽ yêu cầu doanh nghiệp đóng góp hoặc bỏ vốn ra làm theo phương án được Nhà nước thống nhất, tránh mỗi người làm một kiểu.

Cũng theo ông Sơn, Hội An không có chủ trương lấp kín bãi biển, ngược lại trong quy hoạch đều xen kẽ mỗi dự án là một công viên bên cạnh. Thậm chí thành phố cũng có văn bản quy định từ khách sạn này qua khách sạn khác tối thiểu phải cách nhau 50m bề ngang để dành không gian cho các công viên công cộng phục vụ nhu cầu tắm biển nghỉ ngơi của người dân. Hiện ven biển Hội An có 8 khu công viên công cộng theo thứ tự từ A - K, tương đương mỗi khách sạn có một công viên. “Thành phố cũng đã kêu gọi doanh nghiệp ai có điều kiện thì tham gia đầu tư vào các công viên công cộng, đổi lại thành phố sẽ giao tối đa khoảng 20 - 30% diện tích công viên để khách sạn làm dịch vụ như nhà hàng hoặc vui chơi cho du khách” - ông Sơn thông tin.

Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Kim Anh - Phó Tổng giám đốc khách sạn Victoria, việc doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư chống sạt lở là điều trước đây vẫn làm để tự cứu mình trước khi quá muộn. Riêng năm nay khách sạn đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để kè mềm bên ngoài bờ biển nhằm ngăn sóng từ xa cũng như giúp lắng cát tái tạo bờ biển, dù đạt được những hiệu quả bước đầu nhưng vẫn không đáng kể, chưa nói về lâu dài tuổi thọ của bao cát cũng khó đảm bảo trong môi trường nước biển. “Biển thì mỗi ngày một xâm thực gây xói lở, doanh nghiệp dù có chống đỡ cũng chỉ đối phó tạm thời. Nên điều khách sạn muốn biết là việc nghiên cứu đó đi đến đâu rồi, thời gian cụ thể như thế nào và cần sự hỗ trợ phối hợp của doanh nghiệp ra sao chứ không thể nói là chờ đợi nghiên cứu, rồi kéo dài mãi năm này qua năm khác” - bà Anh nói.

THÂN VĨNH LỘC

THÂN VĨNH LỘC