Khi xã lên… phường
Tôi hỏi một ông ở khối phố Hà Quảng Bắc, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn đang phơi lưới bên đường: “Lên phường, có chi khác không ?”. Ông đáp: “Nghe rứa hay rứa, xã thành phường, thôn thành khối phố, nhưng tụi tôi làm nghề cá, xã cũng như phường thôi”. Một bà đứng lên nói: “ Răng không khác chứ! Nghe nói rồi đây thuế đất, nhà sẽ lên, cháu tôi đi học, đóng bảo hiểm y tế là tăng rồi đó. Nghe mấy đứa nói ai vay vốn sản xuất, lãi suất rồi cũng tăng…”. Điện Dương là một trong 5 xã vùng đông của Điện Bàn đổi tên thành phường khi huyện lên thị xã. Trong đánh giá năng lực hành chính, kinh tế - xã hội, người ta gọi đó là thăng hạng. Có hai luồng ý kiến: Một, lên để phát triển, như là sự ghi nhận thay đổi về chất của các mặt. Hai, lên hay xuống chưa quan trọng bằng chính việc nhìn vào đời sống nhân dân có thay đổi theo chiều hướng tốt hơn không?
Đường ngang qua ủy ban phường Điện Dương. Muốn nâng cấp thành đường đô thị phải chờ vốn. Ảnh: T.VIỆT |
Ý thứ hai này, lại có hai ý nhỏ, là “ngó cũng rứa rứa”, rồi xen trong đó là dân và cán bộ đều như nhau, thậm chí mệt thêm; ý còn lại là đặt vấn đề vào vạch xuất phát mới. Muốn phát triển thì phải thay đổi. Xã có 15 ngàn dân, với 10 khối phố. Ông Đinh Hùng Liên, Chủ tịch UBND xã Điện Dương cho hay: Thu ngân sách của xã mỗi năm chừng 2 - 3 tỷ đồng. “Lo nhất khi lên phường, là gì?” - tôi hỏi. “Áp lực đầu tư quá lớn - ông Liên nói - Tôi ví dụ, trước đây làm đường giao thông nông thôn, suất đầu tư khác, giờ lên phường, sẽ khác, bởi đường bê tông nông thôn ở xã rộng 3m, thì đô thị phải từ 5m trở lên. Vậy tiền ở đâu ra, rồi hệ thống đường điện chiếu sáng đi kèm, mà nguồn đầu tư chưa thấy đâu hết, trong khi không có hỗ trợ đầu tư từ cấp trên?”. “Ngân sách có được điều chỉnh không?”. “Không. Trong khi đó, từ ngày huyện làm đề án thành thị xã, thì 5 xã vùng đông cùng Vĩnh Điện và Điện An không được bố trí kinh phí làm chương trình nông thôn mới. Chính vì thế, bây giờ chúng tôi thật khó khăn, vì nguồn vốn không có. Nhưng công việc hàng ngày đòi hỏi đầu tư cấp thiết, thì không thể dừng lại. Ví dụ, năm học này, chúng tôi phải nợ bên thi công 3 phòng học cho học sinh tiểu học, xuống cấp nghiêm trọng, mưa gió tới rồi, đâu thể ngồi yên, không có tiền nhưng phải làm cho các cháu học, nợ tính sau”. “Người dân có ý kiến gì không?”. “Chúng tôi chưa nghe gì, vì mọi sự mới bắt đầu, các chế độ chính sách an sinh xã hội, nghĩa vụ của dân chưa thay đổi gì cả, tuy nhiên công tác cán bộ lại ảnh hưởng. Ví dụ như giờ có công an phường, lực lượng do huyện đưa xuống, thì đội ngũ công an xã tính sao đây? Trưởng công an xã được điều qua làm hộ tịch tư pháp, còn phó công an và công an viên là tính vào đội quy tắc đô thị và bảo vệ dân phố. Nhưng đề án đội quy tắc đô thị thì huyện đang xây dựng, còn bảo vệ dân phố thì lập nhanh, nhưng tôi không dám ký ban hành, bởi mở ra là phải có chế độ đi kèm, nên chờ có nguồn kinh phí phân bổ thì mới rục rịch”.
“Thế mạnh của xã hiện nay là chi?”. “Đụng đến đầu tư, chúng tôi nghĩ rằng Điện Dương lợi thế hơn 5 xã vùng đông là quỹ đất xã quản lý lớn hơn, các nhà đầu tư sẽ dễ dàng chọn lựa. Đó cũng là hy vọng của địa phương, để từ đó mà phát triển. Việc còn lại là xã phải tìm cách kêu gọi đầu tư. Chúng tôi vừa có ý kiến là sẽ làm đề án xin một tuyến đường ra bãi tắm Thống Nhất thuộc thôn Hà My Đông B. Cần phải làm, mới tạo kích thích phát triển, chứ không thể dừng lại chờ được”.
Xã lên phường, hay tỉnh lên trung ương, nói gì thì nói, đều liên quan đến trách nhiệm và năng lực cán bộ. Năng động hay không, phải có điều kiện và môi trường để đánh giá. Thời gian có thể ngắn hay dài, nhưng mọi chuyển động trong bất kỳ thời điểm nào, đều là cơ sở hình thành cho những bước tiếp theo. Vùng cát Điện Dương đổi thay 5 năm, 10 năm nữa hay không, thì bắt đầu từ lúc này, khi xã đã thành phường.
T. VIỆT