Từ nguồn vốn vay của thanh niên

LÊ THIÊN NGÂN 03/09/2015 09:24

Từ nguồn vốn tín chấp của tổ chức đoàn, nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp, lập nghiệp thành công.

Đoàn xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên là tổ chức đoàn cơ sở thực hiện tốt một số nội dung công việc ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Hiện nay, dư nợ ủy thác qua Đoàn xã là 1,7 tỷ đồng, trong đó không có tình trạng nợ quá hạn, không xâm tiêu, chiếm dụng và thu lãi đạt trên 98%. Bí thư Đoàn xã Hồ Tấn Oanh cho biết từ nguồn vốn trên, nhiều thanh niên đã đầu tư làm mô hình kinh tế hiệu quả như trồng tiêu, trồng sen, mua máy cày đánh đất. Điển hình là anh Nguyễn Lộc, trú thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú. Khởi nghiệp chỉ 15 triệu đồng từ gia đình và sự hỗ trợ của đoàn, Lộc chọn cách ăn chắc mặc bền đúng chất nhà nông: mua xe máy cày, đánh đất thuê cho bà con nông dân trong vụ mùa. Lộc theo học thêm nghề cơ khí để lúc máy móc trục trặc thì tự sửa chữa, cải tạo. Những lúc mùa vụ nông nhàn, Lộc đầu tư chăn nuôi tổng hợp, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Cùng với hoạt động kinh tế, Lộc tích cực tham gia các phong trào hoạt động đoàn tại địa phương. Hiện anh là Bí thư Chi đoàn thôn Mỹ Sơn. Từ kinh nghiệm tích lũy được, Lộc đã giúp đỡ nhiều thanh niên trong thôn biết cách làm ăn, góp phần thoát nghèo.

Tổ hợp tác nuôi thỏ Điện Hòa (Điện Bàn) khởi nghiệp từ nguồn vốn vay và sự trợ sức của đoàn thanh niên.Ảnh: L.T.N
Tổ hợp tác nuôi thỏ Điện Hòa (Điện Bàn) khởi nghiệp từ nguồn vốn vay và sự trợ sức của đoàn thanh niên.Ảnh: L.T.N

Đoàn xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước cũng là đơn vị quản lý rất tốt nguồn vốn ủy thác, với dư nợ gần 4 tỷ đồng, thu lãi đạt 100%. Từ nguồn này, anh Phạm Minh Hải (30 tuổi, trú thôn 6, xã Tiên Cảnh) vay 30 triệu đồng đã thành công với mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng tổng hợp; hay anh Nguyễn Văn Nhanh (vay 100 triệu đồng) mở gara ô tô, giải quyết việc làm cho 5 lao động tại địa phương với mức lương khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng. Anh Hồ Minh Hiền - Phó Bí thư Đoàn xã Tiên Cảnh cho biết: “Khi tham gia công tác nhận ủy thác vốn vay đã giúp cho các cán bộ đoàn trau dồi thêm kiến thức, có kỹ năng, phương pháp làm việc liên quan đến hoạt động kinh tế, quản lý nhà nước để hiểu thực tế hơn với các công việc sau này”.

Trong thực tế, vấn đề huy động các nguồn vốn khác nhau hỗ trợ thanh niên lập nghiệp luôn được các cán bộ Đoàn quan tâm. Bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp tổ chức đoàn đến với thanh niên và để thanh niên gắn bó với tổ chức đoàn. Tính đến tháng 8.2015, tổng dư nợ ủy thác qua kênh Đoàn thanh niên tỉnh là 357 tỷ đồng với 447 tổ tiết kiệm vay vốn và 15.920 hộ vay. Cũng nhờ đồng vốn được Đoàn thanh niên khai thác, hàng trăm cơ sở sản xuất, dự án làm ăn kinh tế của các bạn trẻ đã được tiếp sức, tạo thêm hàng nghìn việc làm cho các bạn khác. Như trong năm 2015, toàn tỉnh có 3 thanh niên nhận giải thưởng Lương Định Của thì cả ba đều sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay và có trợ sức của tổ chức đoàn. Đáng quý hơn, 2/3 gương mặt nhận giải là những cán bộ Đoàn cơ sở.

Thăng Bình là đơn vị cấp huyện có tổng dư nợ qua kênh của đoàn cao nhất toàn tỉnh với 58 tỷ đồng. Thông qua các buổi sinh hoạt Đoàn, một số chương trình tham quan, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế ở các địa phương khác, thanh niên nhận thức đúng hơn về vấn đề lập nghiệp. Từ chỗ không ít thanh niên còn e ngại khi bắt đầu tiếp cận các nguồn vốn vay, cũng như chưa có định hướng phát triển kinh tế, giờ đây phong trào thanh niên nỗ lực vươn lên thoát nghèo, lập thân, lập nghiệp đã trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn huyện, từ đó xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương làm kinh tế giỏi như anh: Trần Hữu Tịnh (Giám đốc Hợp tác xã Thanh Niên), Ngô Thanh Phong (chủ mô hình nuôi yến và nuôi heo đệm lót sinh học), Đặng Ngọc Thọ (chủ cơ sở gỗ phế liệu)...

Chị Phan Thị Nhi - Bí thư Huyện đoàn Thăng Bình cho rằng khi ủy thác vốn vay của NHCSXH, Huyện đoàn nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của thanh niên ở cơ sở. Thanh niên có nhu cầu vay vốn được đoàn tư vấn, hướng dẫn hỗ trợ. Do đó, nếu không có công tác ủy thác cho vay vốn ưu đãi thì rất khó tạo được sự gắn kết giữa cơ sở đoàn với thanh niên, nhất là thanh niên ở địa bàn nông thôn. “Về mặt phong trào, nếu không có nguồn vốn của NHCSXH thì rất khó thúc đẩy tư duy đổi mới của thanh niên nông thôn, việc triển khai phong trào thi đua tuổi trẻ sản xuất, kinh doanh giỏi sẽ gặp khó khăn” - chị Phan Thị Nhi khẳng định.

Thực tế đó cho thấy, nơi nào cơ sở đoàn quan tâm đến khởi nghiệp, đến nguồn vốn vay thì thanh niên địa phương đó mới được tạo điều kiện tốt. Điều đáng mừng là có nhiều cán bộ đoàn làm kinh tế giỏi. Họ xông xáo, đi đầu và là tấm gương cho thanh niên địa phương noi theo.

LÊ THIÊN NGÂN

LÊ THIÊN NGÂN