Con trâu của thằng Út Khoa
Tôi về Công an phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) dự buổi gặp mặt các thế hệ cán bộ chiến sĩ công an phường nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (19.8.1945 - 19.8.2015). Bên chén trà thơm, ôn lại những kỷ niệm vui buồn trong việc thực hiện nhiệm vụ giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân, Trung tá Phạm Văn Học - Trưởng Công an phường, kể lại vụ án con trâu bị mất trộm mà các anh đã điều tra khám phá nhanh trong tháng 5.1991…
Đối với thằng Út Khoa (con anh Huỳnh Ngọc Tuấn, ngụ phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) không có gì vui bằng cứ chiều chiều ngồi lên lưng trâu nghêu ngao thổi sáo giữa đồng quê bên dòng sông Đoan Trai hiền hòa thơ mộng. Nó luôn yêu thương, chăm sóc con trâu, bởi đó là niềm kiêu hãnh, tự hào của nó với chúng bạn vì không có con trâu nào mập mạp, hiền lành như con trâu của nó.
Nó thường dắt trâu đi ăn những đám cỏ non xanh mơn mởn và sạch sẽ. Đêm về, nó thức đến 10, 11 giờ để hun (xông khói) muỗi cho trâu. Mỗi lần trâu đi cày, nó không cho người cày cầm roi. Nó nói, trâu của nó bảo đi là đi bảo đứng là đứng, không cần đánh…
Trung tá Phạm Văn Học phát biểu ý kiến tại buổi tặng quà của Công an tỉnh. |
12 tuổi đời đã trải 6 tuổi “nghề” chăn trâu, Út Khoa coi việc chăn trâu thổi sáo là thú vui hơn bất cứ thú vui nào khác. Một hôm nó đầm đìa nước mắt vì con trâu bỗng dưng biến mất trong đêm. Chẳng là sáng ra, Út Khoa dậy sớm đổ nước cho trâu uống thì không thấy con trâu thân thương trong chuồng. Sau gần một tiếng đồng hồ cùng bà con chòm xóm đi tìm, gia đình Khoa nghĩ con trâu đã mất. Út Khoa vừa khóc vừa chạy đến công an phường. Nó không cầm được nước mắt khi thấy chú công an phường vừa mở cửa làm việc. Út Khoa không nói được gì ngoài mấy tiếng: “Chú ơi, giúp cháu với. Con trâu của cháu bị ai bắt mất rồi”. Khoa ngồi xuống cũng là lúc anh Huỳnh Ngọc Tuấn bước vào. Sau khi nghe anh Tuấn trình bày sự việc, Trung úy Phạm Văn Học (hiện nay là Trung tá Trưởng Công an phường) ghi nhận sự việc rồi báo cáo cho Đại úy Trần Văn Mỹ - Trưởng Công an phường chỉ đạo điều tra.
Con trâu là đầu cơ nghiệp, là tài sản quý giá nhất của người nông dân nên khi mất ai mà không xót. Thấu hiểu tâm trạng ấy, Đại úy Mỹ, Trung úy Học và Trung úy Nguyễn Văn Liễu đã vào cuộc một cách quyết liệt. Tuy tại địa bàn cũng đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp nhưng trộm trâu là vụ đầu tiên. Mặc dù khá bộn bề công việc, song trước nỗi đau mất con trâu trị giá gần 5 triệu đồng của người dân, các anh đã dốc tâm dốc sức mở cuộc điều tra nhằm đưa thủ phạm ra ánh sáng. Nếu không nhanh chóng để con trâu bị xẻ thịt thì vô cùng đau đớn cho gia đình anh Tuấn, mà thương nhất là thằng Út Khoa.
Sàng lọc đối tượng tại địa bàn không thấy dấu hiệu khả nghi nào nên Trung úy Phạm Văn Học tập trung truy theo hướng Đoan Trai, Tam Phú bởi anh Tuấn nghi ngờ đối tượng dắt trâu về hướng này. Tuy có dấu chân trâu đi về hướng đó nhưng lần qua đến địa phận xã Tam Phú thì mất dấu. Rất may là tại đây, Trung úy Học được một thanh niên cho biết, tình cờ anh có thấy đối tượng A., quê huyện Quế Sơn dắt con trâu ra hướng quảng trường đối diện nhà anh Tuấn. Trung úy Học tức tốc quay về báo cáo cho Đại úy Trần Văn Mỹ. Theo chỉ đạo của đồng chí Mỹ, Trung úy Học cùng Trung úy Liễu và anh Tuấn đi bộ trực chỉ hướng Quế Sơn mà mục tiêu cuối cùng là tiếp cận nhà đối tượng A. Từ nhà anh Tuấn ra nhà A. gần 40 cây số theo quốc lộ 1, đối tượng buộc phải dắt trâu theo hướng này. Từ nhận định trên, các anh tiếp tục xác minh dọc quốc lộ. Rất may là khi ra đến Thăng Bình, người dân cho biết có thấy một thanh niên dắt con trâu về hướng Quế Sơn theo đường xe lửa. Tiếp tục đi bộ theo đường xe lửa và quan sát, Trung úy Học và Trung úy Liễu lần theo dấu chân trâu từng đoạn. Khoảng 11 giờ trưa, tổ công tác đến nhà A. thì nhà đóng cửa và con trâu đang được cột ở bụi rậm ven bờ kênh khiến lòng các anh mừng vui như tết. Nhưng nhiệm vụ mới hoàn thành một nửa, bởi vấn đề còn lại là phải bắt được hung thủ. Các anh cùng công an xã tiếp tục nắm tình hình thì được một cậu bé cho biết có thấy chú A. dắt con trâu xuống cột ở bờ kênh. Theo công an xã thì nhà A. không có trâu và cũng không buôn bán trâu. Đến đây thì khả năng tên A. là thủ phạm đã thấy rõ nên tổ công tác cùng công an xã tiếp tục truy tìm tên A. Sau đó Công an thị xã Tam Kỳ tăng cường lực lượng phối hợp điều tra và bắt giữ tên A. đưa về công an xã đấu tranh.
- Chúng tôi là Công an Tam Kỳ ra đây là anh biết chuyện gì rồi chứ? Trung úy Học hỏi khi A. vừa ngồi xuống ghế.
- Dạ, em biết rồi - A. trả lời.
- Vậy khai thật đi. Anh đã thực hiện việc trộm trâu như thế nào? Một điều tra viên hỏi tiếp.
- Dạ, khi vào Tam Phú chơi, trên đường đi, thấy chuồng trâu của một gia đình gần đường ở phường Tân Thạnh, tôi nảy sinh ý định trộm con trâu này. Tôi ra đường ngồi uống cà phê rồi dạo chơi đến khuya thì vào mở cổng chuồng dắt trâu đi. Đến hơn 6 giờ sáng về đến nhà, tôi cột trâu lại và tìm người để bán…
Hoàn tất hồ sơ ban đầu, tổ điều tra cảm ơn anh em công an xã rồi đưa tên A. cùng con trâu về Tam Kỳ trong niềm vui hoàn thành nhiệm vụ.
Được tin các chú công an đã tìm được con trâu, thằng Út Khoa quá sung sướng, vui mừng. Nó chạy bộ gần 3 cây số ra tận ngã ba Kỳ Lý để đón trâu về. Gặp lại con trâu thân yêu, nó âu yếm nói: “Tao tưởng là không còn được gặp lại mày nữa. Thôi đừng buồn. Mày về là tao mừng lắm rồi…”.
Các anh công an không giấu nổi niềm vui khi nhìn thấy Út Khoa tung tăng rảo bước cùng con trâu yêu quý trở về làng quê trong tiếng sáo thân quen vang vọng giữa hoàng hôn.
THANH NGHỊ
(Ghi theo lời kể của trung tá Phạm Văn Học - Trưởng Công an phường Tân Thạnh)