Giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam: Mười chín mùa việt dã
Đến hẹn lại lên, vào ngày 16.9 tới tại Quảng trường 24.3 (TP.Tam Kỳ), giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam mở rộng năm 2015 sẽ diễn ra.
Mùa thứ 19, giải đấu được xem là sự kiện lớn nhất thể thao đất Quảng, chào mừng 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9, hướng đến kỷ niệm 71 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 26 năm ngày hội quốc phòng toàn dân. Thông qua giải, động viên mọi người tập luyện TD-TT, tăng cường sức khỏe, góp phần nâng cao đời sống thể chất và tinh thần; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Đặc biệt, giải lần này còn nằm trong chương trình thi đấu của Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Quảng Nam lần thứ VIII năm học 2015-2016 - sân chơi thể thao học đường.
Truyền thống và thương hiệu
Giải Việt dã Báo Quảng Nam là giải đấu có truyền thống lâu dài nhất tỉnh. Ngay sau khi tái lập tỉnh năm 1997, giữa bộn bề khó khăn, lo toan nhiều thứ của những ngày đầu, tuy nhiên, với nỗ lực của mình, Báo Quảng Nam đã cùng với Sở VH-TT&DL, Sở GD-ĐT, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh, BCH Quân sự tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh và Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức giải. Từ thành công của giải lần đầu tiên để rồi đến nay, sân chơi việt dã liên tục duy trì, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Năm 2015 này là năm thứ 19 giải được tổ chức, trở thành giải thể thao có tuổi đời lớn nhất tỉnh.
Nội dung đội tuyển các tỉnh, thành phố năm nay hứa hẹn sẽ hấp dẫn hơn nhờ có thêm một số địa phương tham gia. |
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, không ít giải đấu thu hẹp quy mô, tinh giảm số lượng đoàn, vận động viên (VĐV), thậm chí có giải bị “khai tử” thì ngược lại, Ban tổ chức giải Việt dã Báo Quảng Nam luôn tính đến chuyện mở rộng, nâng tầm. Liên tục trong các năm qua, giải mở thêm nhiều nội dung thi đấu, đáng chú ý là nội dung đội tuyển các tỉnh, thành phố, ngành trong cả nước. Giải lần thứ XVIII năm 2014, bên cạnh 128 đoàn với hơn 2.000 VĐV đến từ các huyện, thành phố, trường học, lực lượng vũ trang, cơ quan, đơn vị trong tỉnh còn có 12 đoàn VĐV của các tỉnh, thành phố gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Kon Tum, Lâm Đồng, Trung tâm Huấn luyện quốc gia Đà Nẵng, Quân đội và đoàn chủ nhà Quảng Nam. Bên cạnh các VĐV trẻ để thử nghiệm, cọ xát, tăng cường tích lũy kinh nghiệm thi đấu, các đoàn còn đưa nhiều VĐV đẳng cấp, kể cả đội tuyển quốc gia từng giành huy chương vàng SEA Games dự tranh.
Với quy mô và sức hút của mình, rõ ràng giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam đã thoát ra khỏi hình ảnh giải đấu phong trào của tỉnh để tạo nên thương hiệu của một sân chơi thành tích cao tầm khu vực. Năm nay, Ban tổ chức còn có kế hoạch mở rộng hơn qua việc mời một số tỉnh phía Nam và phía Bắc nhằm tạo cho giải thêm đa dạng và hấp dẫn. Theo ông Nguyễn Thành Tự - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam không chỉ có sự đua tranh quyết liệt về mặt chuyên môn mà sức hấp dẫn ngày một tăng lên qua nhiều hình ảnh ấn tượng trong công tác tổ chức, thi đấu. Từ một hoạt động phong trào dành cho những người yêu thích đường chạy trong tỉnh, giải đã trở thành sân chơi của VĐV đội tuyển các tỉnh, thành phố, ngành trong cả nước. Qua giải đấu, góp phần giúp cho các địa phương, đơn vị nuôi dưỡng, phát hiện các tài năng thể thao.
Đồng hành
Giải năm nay sẽ diễn ra vào sáng ngày 16.9 tại Quảng trường 24.3 và được trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh truyền hình Quảng Nam, Đài Phát thanh truyền hình Đà Nẵng. Dự kiến có hơn 2.000 VĐV dự tranh tại 10 nội dung thi đấu, gồm khối đội tuyển các tỉnh, thành phố (nam 10.000m, nữ 5.000m); khối huyện đồng bằng, thành phố; khối huyện miền núi (nam 5.000m, nữ 3.000m); khối phòng GD-ĐT (nam 2.000m, nữ 1.500m); khối trường THPT (nam 3.000m, nữ 2.000m); khối cơ quan ban ngành, đoàn thể (nam 3.000m, nữ 1.500m); khối công nhân viên chức các huyện đồng bằng, thành phố; khối công nhân viên chức các huyện miền núi (nam 3.000m, nữ 1.500m); khối học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, lực lượng vũ trang tỉnh (nam 3.000m, nữ 1.500m); khối phong trào (nam 3.000m). |
Đây cũng là năm thứ 11 liên tiếp Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Quảng Nam đồng hành với tư cách là nhà tài trợ chính cho giải. Để có được một nhà tài trợ chính gắn bó lâu dài như vậy, ắt hẳn giải đấu đã có được nhiều thành công về công tác tổ chức, chất lượng chuyên môn và đặc biệt là sự lan tỏa, đưa hình ảnh giải đấu nói chung và nhà tài trợ nói riêng đến với nhiều người. Thu hút hàng nghìn VĐV của 12 tỉnh, thành phố, ngành trong cả nước tham gia và được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh truyền hình Quảng Nam và Đài Phát thanh truyền hình Đà Nẵng là một minh chứng về những ấn tượng của giải.
Không chỉ gắn bó lâu dài, số tiền mà nhà tài trợ chính hỗ trợ mỗi năm cho giải khá lớn khi lên đến 400 triệu đồng. Rõ ràng, trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay thì không phải dễ tìm một doanh nghiệp làm nhà tài trợ hào phóng và bền bỉ như vậy! Ngoài ra, giải còn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ 2 đơn vị cũng song hành nhiều năm qua với tư cách đồng tài trợ là Công ty CP Kính nổi Chu Lai (200 triệu đồng), Ban Quản lý dự án nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 (100 triệu đồng), Công ty CP Thủy điện Đăk Mi (100 triệu đồng). Nhờ́ sự hỗ trợ về mặt tài chính của các doanh nghiệp, không chỉ có được nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác tổ chức, giải còn có điều kiện để mở rộng quy mô.
Là giải đấu có số lượng đơn vị, VĐV tham gia đông, giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam cũng là giải có nhiều đơn vị đồng tổ chức nhất. Bên cạnh nhiệm vụ tổ chức, trong suốt 18 năm qua, các đơn vị đều có trách nhiệm chung tay đóng góp kinh phí cho giải ngày càng phát triển. Đặc biệt, giải có điều kiện hơn để đồng hành với học trò nghèo vượt khó học giỏi. Những năm qua, với số tiền tiết kiệm được từ chi phí tổ chức giải, Ban tổ chức đã thực hiện một việc làm đầy ý nghĩa là trao tặng 20 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi của Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và THPT chuyên Lê Thánh Tông với số tiền 2 triệu đồng/suất.
TƯỜNG VY