Chị, em & những suất học bổng toàn phần

PHAN LÊ CHÂU NỮ 02/09/2015 11:09

Từ ngôi nhà ở số 1 đường Khương Hữu Dụng (TP.Tam Kỳ), hai chị em ruột Lê Mai Thanh Thảo, Lê Mai Thanh Đức đã đường hoàng đặt chân vào những ngôi trường đại học lừng danh thế giới bằng nhữngsuất học bổng toàn phần có giá trị lên đến hàng trăm nghìn đô la Mỹ...

Hiếm có gia đình nào có cả hai con đều du học nước ngoài bằng những suất học bổng toàn phần như gia đình anh Lê Thanh Tiền và chị Mai Thị Quỳnh Giao. Ba dạy Văn (anh Tiền từng là giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, nay là Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT), mẹ dạy Toán (Trường THPT Trần Cao Vân), nhưng hai con là Lê Mai Thanh Thảo, Lê Mai Thanh Đức lại học chuyên Hóa. Bây giờ, Thanh Thảo đang du học ở Na Uy và Thanh Đức du học ở Mỹ. Thanh Thảo nói vui: “Gia đình có 4 người nhưng lại sống ở 3 phương trời khác nhau...”.

“Săn” học bổng

Dù nhận được học bổng toàn phần cho 2 năm học tú tài quốc tế ở Trường thế giới liên kết (UWC) - Hoa Kỳ khi đang học lớp 11 (năm 2013) Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm; và bây giờ, sắp đặt chân đến Trường Đại học Macalester (nằm trong top 20 trường ĐH hàng đầu của Mỹ) nhưng Đức vẫn cho rằng mình không có gì nổi trội. “Thành tích khi học ở Trường THPT chuyên của em cũng bình thường. Em học đều các môn, và không đầu tư quá mức cho môn chuyên như các bạn. Khác chăng là em tích cực tham gia hoạt động Đoàn, công tác xã hội. Và thành công của em có lẽ đến từ những hoạt động ngoại khóa đó” - Đức bộc bạch.

Lê Mai Thanh Thảo (bìa trái) nhận học bổng du học thạc sĩ ở Na Uy. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Lê Mai Thanh Thảo (bìa trái) nhận học bổng du học thạc sĩ ở Na Uy. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Từ tấm gương của 2 học sinh Quảng Nam: Hồ Phú Quốc (học UWC tại Canada năm 2005) và Hà Vi Châu (học UWC tại Na Uy năm 2010), Đức ấp ủ mục tiêu săn học bổng nước ngoài từ khi bước chân vào Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Học hỏi kinh nghiệm từ 2 anh chị đi trước, khi đang học lớp 11, Đức làm hồ sơ xin xét cấp học bổng. Năm 2013, Đức giành được 1 suất (trong số 5 suất của cả nước) học bổng ở UWC. Thời gian học tú tài 2 năm ở Trường UWC Hoa Kỳ khá áp lực với một học sinh lớp 11 như Đức nhưng nhờ có kinh nghiệm và đam mê tham gia các hoạt động xã hội nên việc học tập, hòa nhập với bạn bè đến từ hơn 80 quốc gia trên thế giới với Đức khá thuận lợi. Trong thời gian này, Đức tiếp tục tìm kiếm học bổng để học đại học. Sau khi nộp hồ sơ nhiều trường đại học ở Mỹ, Đức được 4 trường đồng ý cấp học bổng và em đã chọn Trường Đại học Macalester. Trường này cấp học bổng toàn phần với tổng chi phí cho 4 năm học lên đến gần 270 nghìn USD (tương đương 6 tỷ đồng) - một số tiền quá lớn so với một gia đình công chức như ba mẹ Đức. (Ở Trường Đại học Macalester, học bổng được cấp nhiều hay ít, toàn phần hay bán phần phụ thuộc vào bảng điểm học tập). Cuối tháng 8 vừa qua, Đức đã nhập học với học 2 văn bằng: khoa học chính trị và khoa học máy tính tại Trường Đại học Macalester. Đức tâm sự, công nghệ thông tin là ngành yêu thích của Đức, còn việc học khoa học chính trị, Đức bảo, hãy còn quá sớm để nói trước điều gì, nhưng dự định của em là sẽ trở về Việt Nam sau khi học. Và em hy vọng sẽ đem một điều gì đấy đã học được để đóng góp cho quê hương...

“Tôi ấn tượng với Đức ngay lần gặp đầu tiên bởi sự
Lê Mai Thanh Đức (phải) và giáo sư Ravi ở Trường Thế giới liên kết Hoa Kỳ.
Lê Mai Thanh Đức (phải) và giáo sư Ravi ở Trường Thế giới liên kết Hoa Kỳ.
nhiệt tình học hỏi, sự quan tâm đối với người khác và sẵn sàng làm bất cứ việc gì. Rồi tôi tiếp tục ấn tượng bởi cậu ấy là sinh viên xuất sắc, sáng dạ, có óc phân tích, đam mê học tập, ham học hỏi. Tuy nhiên, vượt lên trên tài năng học tập nổi trội của Đức, là tính khiêm nhường, ngay thẳng, hào phóng, tôn trọng và yêu thương mọi người, vui vẻ vượt qua khó khăn để giúp đỡ khi khác cần…” .
Giáo sư Ravi – người Ấn Độ, giảng viên UWC

Còn Lê Mai Thanh Thảo - chị của Đức, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương TP.Hồ Chí Minh đã săn được suất học bổng thạc sĩ toàn phần của chính phủ Na Uy dành cho sinh viên các nước đang phát triển tại Trường BI Norwegian Business School (top 20 trường đại học kinh tế hàng đầu châu Âu). Căn nhà của ba mẹ Thanh Thảo, Thanh Đức dường như có phần khiêm tốn so với thành tích của 2 chị em: Thanh Thảo 3 lần đoạt được giải thưởng Phan Châu Trinh (dành cho học sinh đoạt giải nhất cấp tỉnh, giải ba quốc gia giải toán trên máy tính Casio, sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi). Còn Thanh Đức, khi đang học lớp 8, em đã cùng đồng đội đoạt chức vô địch cuộc  thi “cùng Petronas khám phá thế giới năm 2010” (tương tự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia dành cho học sinh THPT) với chuyến du lịch Malaysia; em cũng được nhận giải thưởng Kim Đồng dành cho đội viên xuất sắc toàn quốc năm 2010 và giải thưởng Phan Châu Trinh của TP.Tam Kỳ trao tặng.

Chia sẻ kinh nghiệm

Như Đức nói, em chỉ học đều các môn, tuy nhiên luôn phải đảm bảo điểm trung bình các môn hằng năm trên 9,0 điểm; tích cực tham gia hoạt động xã hội và đặc biệt, phải học thật giỏi tiếng Anh để có thể có cơ hội xin được các học bổng tốt và đáng tin cậy. Đức đúc kết: “Bản thân em, ngay sau khi biết tin mình giành được học bổng, em học ngay khóa tiếng Anh cấp tốc nhưng vẫn không theo kịp những gì thầy cô dạy nên những ngày đầu phải nhờ bạn bè giảng lại. Từng có nhiều bạn học rất giỏi nhưng mất cơ hội du học chỉ vì chưa giỏi tiếng Anh. Thêm vào đó, khi xét học bổng, người nước ngoài thường đánh giá cao những ứng viên hoạt động xã hội sôi nổi, nhiệt tình với cộng đồng, nhất là khi các ứng viên có kết quả học tập ngang nhau”.

Đức nhận xét, một trong những hạn chế của sinh viên Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng là kỹ năng làm việc nhóm, tự ti khi nói chuyện trước đám đông, dù thành tích học tập không thua bạn bè đến từ bất cứ quốc gia nào trên thế giới, nếu không muốn nói là nổi trội hơn. Đây quả là điều đáng tiếc. Bây giờ, dù lịch học dày đặc nhưng Đức vẫn dành nhiều thời gian để tham gia công tác từ thiện, xã hội.

PHAN LÊ CHÂU NỮ

PHAN LÊ CHÂU NỮ