Cây Sanh hôm nay
Từ một làng quê kháng chiến, giờ đây Cây Sanh đã trở thành thị tứ phát triển năng động của huyện Phú Ninh. Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã tạo nên sự đổi thay ở vùng đất này.
Từ ngôi làng kháng chiến
Năm 1961, khi chiến tranh ngày càng ác liệt, vùng phía tây nam của huyện Tam Kỳ cũ là nơi tranh giành quyết liệt giữa ta và địch. Hòng tái chiếm vùng giải phóng bao gồm các xã phía tây của huyện Bắc Tam Kỳ, dọc tuyến ĐT616 (bây giờ quốc lộ 40B), đoạn từ chợ Cây Sanh (xã Tam Dân ngày nay) đến Cầu Vông, địch lập đồn bốt, tăng cường binh lính chốt giữ. Năm 1964, địch điều động thêm 2 tiểu đoàn chủ lực phối hợp với 2 đại đội bảo an đánh lấn vào vùng giải phóng và cho 1 tiểu đoàn pháo đóng tại chợ Cây Sanh. Quân và dân thôn Cây Sanh vẫn không nao núng tinh thần, âm thầm đào hệ thống địa đạo trong lòng đất dài 1.600m để “quần nhau với giặc”. Nhiều vị cao niên sống gần địa đạo Gò Dân - thôn Cây Sanh (xã Tam Dân) kể lại, địa đạo có từ thời kháng chiến chống Pháp (1951-1954), nhưng đến thời kỳ chống Mỹ tiếp tục mở rộng và thông miệng nhau. Công sức đều do nhân dân bỏ ra, hầu hết thực hiện vào buổi tối, “đêm đào, ngày nghỉ” nhằm tránh kẻ thù phát hiện. Năm 1952, khi máy bay Pháp thả bom xăng xuống đốt cháy rừng, chính quyền cách mạng huy động sức dân đi đào địa đạo để có chỗ giấu súng đạn.
Một góc “thị tứ” Cây Sanh hôm nay. Ảnh: TR.HỮU |
Ông Ngô Ngọc Vũ - Bí thư Chi bộ thôn Cây Sanh cho biết, hệ thống địa đạo Gò Dân trong những năm tháng ấy, dù phải luôn đối mặt với kẻ thù nhưng không bị phát hiện, tuyệt đối đảm bảo an toàn và bí mật cho cán bộ, chiến sĩ hoạt động. Địa đạo xuyên lòng đất 4 phía, chằng chịt đường hầm thông nhau, như trận đồ bát quái. Năm 1963, bộ đội tỉnh về tập kết ở xã Tam Dân và tiếp tục huy động nhân công mở rộng các tuyến địa đạo chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Dưới các đường hầm, có chỗ tích trữ lương thực, vũ khí và nơi đặt trạm xá tiền phương. Khi chiến đấu có người bị thương cũng được đưa về địa đạo sơ cấp cứu. Địa đạo Gò Dân được đào để di chuyển quân nên hầm rộng 3 người dàn hàng ngang vẫn có thể đi lọt. Quân Mỹ đưa phương tiện về cày ủi để làm đường ĐT616 song không phát hiện ra hệ thống địa đạo nằm sát bên cạnh… Tại chợ Cây Sanh, bộ đội ta tập kích trận địa pháo mới, tiêu diệt nhiều tên địch và làm vô hiệu hóa các hoạt động của chúng. “Trận đánh đồn 59 (Chóp Chài) và chợ Cây Sanh đã đi vào lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của địa phương, làm rạng danh tên đất tên làng” - ông Vũ tự hào nói.
Vì khá độc đáo và còn nguyên vẹn nên năm 2009, địa đạo Gò Dân được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Hiện nay, ngành văn hóa và chính quyền địa phương khoanh vùng diện tích hơn 500m2 bảo vệ địa đạo.
... đến thị tứ nhộn nhịp
Cây Sanh bây giờ san sát nhà cao tầng, nhịp sống hối hả, nhìn vào chẳng khác gì một thị tứ phát triển năng động. Tuyến ĐT616 được nâng cấp thành quốc lộ 40B như trục “xương sống”, nối đồng bằng với miền núi. Hơn 3 năm trước, qua trung tâm xã Tam Dân, ngán ngẫm nhất là tình trạng ùn tắc giao thông do chợ cóc ven đường Cây Sanh. Thế nhưng, từ quyết sách đúng đắn của địa phương, chợ mới được xây dựng, đảm bảo tiêu chí nông thôn mới, hơn 50 hộ dân sẵn sàng di dời, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, có nhiều hộ hiến đất. Vì thế, khu dân cư phố chợ Cây Sanh ngày nay trở nên khang trang, hiện đại với quy mô chợ loại 3, với 230 hộ dân kinh doanh, mua bán. Chợ thoáng đãng, hiện đại. Hai bên đường dẫn vào chợ là nhà cao tầng, thiết kế như khu phố mới. Ông Đặng Bá Dự - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho rằng, xây dựng khu phố chợ Cây Sanh nhằm để xóa chợ cũ nhếch nhác, xuống cấp, ô nhiễm môi trường, đồng thời cũng thể hiện quyết tâm đô thị hóa nông thôn của địa phương.
Nghị quyết Đảng bộ xã Tam Dân nhiệm kỳ 2015-2020 xác định, đến năm 2020, thôn Cây Sanh đạt chuẩn đô thị loại 4 (thị trấn). Địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng khu trung tâm phố chợ Cây Sanh để thúc đẩy thương mại - dịch vụ, kêu gọi đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động cụm công nghiệp trên Đồi 30. |
Việc xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo thôn Cây Sanh. Dọc hai bên quốc lộ 40B, đường vào chợ đã được quy hoạch xây dựng nhà ở khang trang. Hơn 150 lô đất ở kiểu đô thị đã được khai thác. Đất chật người đông nên thôn Cây Sanh đã xác định lợi thế tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, hình thành cửa ngõ kinh doanh buôn bán hấp dẫn ở vùng trung du. Những sản vật của biển, của núi rừng đều có mặt ở chợ Cây Sanh; và tại các khu dân cư nhà ở cũng là điểm kinh doanh buôn bán. Bí thư Chi bộ Ngô Ngọc Vũ quả quyết, trong 9 thôn trên địa bàn xã, có lẽ Cây Sanh giàu nhất và sắp chạm đích thôn đạt chuẩn 19 tiêu chí về nông thôn mới. Công trình nhà văn hóa thôn hơn 400 triệu đồng được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách địa phương và sự đóng góp của người dân. Công trình đang thi công, dự kiến hoàn thành trong tháng 10 đến. Cây Sanh đổi thay là nhờ bứt phá trong phát triển kinh tế, người dân mạnh dạn đổi mới tư duy làm ăn, chuyển dần lực lượng lao động thuần nông sang kinh doanh, buôn bán. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tam Dân - ông Lê Thành Nhơn, năm 2015, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn xã là 25 triệu đồng. Riêng thôn Cây Sanh chắc chắn cao hơn mức này rất nhiều nhờ lực lượng lao động tham gia loại hình tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Hơn 75% dân số của thôn lao động dịch vụ, thương mại. Hộ nghèo giờ chỉ còn dưới 1% theo tiêu chí mới. Ba năm trở lại đây, Cây Sanh không có hộ nào tái nghèo, hoặc nghèo mới.
TRẦN HỮU