Ấn Độ mở lại thăm dò dầu khí trên Biển Đông
Theo báo điện tử Today Online của Ấn Độ, Tập đoàn dầu mỏ - khí đốt tự nhiên (ONGC) của Nhà nước Ấn Độ đang dự định mở lại các hoạt động thăm dò dầu khí ở khu vực ngoài khơi bờ biển Việt Nam, tại khu vực có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.
BÁO trên dẫn một nguồn thạo tin cho biết ONGC đã được Chính phủ Ấn Độ “bật đèn xanh” để tiến hành các hoạt động khoan thăm dò dầu khí ở một khu vực có tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc. Đây là khu vực mà ONGC đã được cấp quyền thăm dò dầu khí vào năm 2006. Lần cuối cùng ONGC thử tiến hành khoan thăm dò tại khu vực này là vào năm 2009, 3 năm trước khi Trung Quốc cũng gọi thầu thăm dò dầu khí tại đây.
Theo nhận định của Today Online, động thái trên của Ấn Độ tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông là một dấu hiệu cho thấy New Delhi đang phối hợp những nỗ lực cùng với Mỹ và các nước châu Á khác để kiềm chế tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông. Báo này dẫn lời một chuyên gia thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam của Singapore nhận định: “Rõ ràng là Ấn Độ có những lợi ích ở Biển Đông, nên mới tăng cường hợp tác hàng hải với Mỹ và Nhật Bản. Và việc Trung Quốc hoạt động nhiều hơn ở vùng Ấn Độ Dương khiến New Delhi cảm thấy khó chịu hơn”.
Ấn Độ cho biết sẽ mở lại hoạt động thăm dò dầu khí ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông. (Nguồn: Bloomberg) |
Cùng thời gian này, người phát ngôn của quân đội Philippines, Đại tá Restituto Padilla cho biết Manila đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía Mỹ để giám sát những diễn biến “xảy ra theo thời gian thực” trên Biển Đông, cũng như cung cấp hoạt động trinh sát và do thám trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng bành trướng nhanh chóng ở khu vực này. Đại tá Restituto Padilla cho biết thêm Bộ Quốc phòng Philippines đã đề nghị Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris cung cấp sự hỗ trợ bằng không quân cho một tàu dân sự của nước này vốn thường xuyên chuyển đồ tiếp tế tới bãi cạn Second Thomas (Bãi Cỏ Mây) ở khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Ông Padilla nêu rõ: “Chúng tôi muốn quân đội Mỹ canh gác cho các tàu của chúng tôi bởi Trung Quốc nhiều lần tìm cách gây cản trở mỗi khi chúng tôi luân chuyển quân và mang đồ tiếp tế cho một tàu mắc cạn ở bãi Second Thomas”. Philippines từng phản đối các tàu cảnh sát biển của Trung Quốc nhiều lần cản trở các tàu nhỏ của Philippines chở binh lính, thực phẩm và các đồ tiếp tế khác tới tiền đồn quân sự của Manila ở bãi cạn Second Thomas mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và điều tàu canh gác.
Trước những thông tin trên, Trung Quốc cũng đã lên tiếng cảnh cáo rằng New Delhi không nên có bất cứ hoạt động thăm dò dầu khí nào ở các khu vực đang có tranh chấp trên Biển Đông. Theo số liệu do Trung Quốc công bố, Biển Đông ước tính có trữ lượng khoảng 30 tỷ tấn dầu và 16 nghìn tỷ mét khối khí đốt, chiếm khoảng 1/3 tổng nguồn cung dầu khí của nước này.Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã gia tăng nỗ lực nhằm áp đặt chủ quyền của nước này ở Biển Đông, đặc biệt bằng các công trình xây dựng trái phép đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa (Việt Nam).
AN XUYÊN (Tổng hợp)