Đóng góp của cụ Huỳnh sau ngày độc lập

PGS-TS. NGÔ VĂN MINH 31/08/2015 08:49

LTS: Những năm đầu sau ngày độc lập, khi chính quyền cách mạng đang “ngàn cân treo sợi tóc”, nhận lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và có nhiều đóng góp to lớn. Báo Quảng Nam xin giới thiệu bài viết của PGS-TS.Ngô Văn Minh (Học viện Chính trị khu vực III) với những tư liệu phong phú, làm rõ thêm vấn đề này…

Thi đỗ tiến sĩ nhưng cụ Huỳnh không chịu ra làm quan, chỉ ở quê nhà cùng các bạn đồng chí phát động phong trào Duy tân để đến nỗi phải chịu 13 năm tù đày tại Côn Đảo. Khi ra tù, được chính quyền thực dân mời ra làm việc ở Viện Viễn Đông Bác Cổ nhưng cụ vẫn tuyên bố “việc làm quan chẳng phải là điều mong muốn”. Khi được mời ra tham gia chính phủ mới do phát xít Nhật lập nên sau sự biến ngày 9.3.1945, cụ cũng khước từ. Thế nhưng, cụ đã nhận lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sở dĩ như vậy là vì cụ thấy được nền độc lập vừa giành được và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là kết quả sự tranh đấu của toàn dân, chứ không phải chỉ là “độc lập bánh vẽ”, “độc lập tiếng gọi” của người Nhật ban cho, cũng không phải chỉ là “cái tuồng nhân dân đại biểu dở mùa” là Viện Dân biểu do thực dân Pháp dựng lên. Dù chỉ tham gia Chính phủ có 15 tháng, nhưng đấy là thời gian cụ Huỳnh có những đóng góp rất quan trọng cho chính quyền cách mạng trong giai đoạn “ngàn cân treo sợi tóc”.

Bác Hồ, cụ Huỳnh Thúc Kháng trong Chính phủ đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Bác Hồ, cụ Huỳnh Thúc Kháng trong Chính phủ đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Huỳnh Thúc Kháng đã giải quyết nhiều công việc nội chính của Chính phủ và có những đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn trật tự kỷ cương của xã hội mới. Cụ tham gia ngay từ phiên họp đầu tiên của Chính phủ liên hiệp kháng chiến (4.3.1946) để bàn các vấn đề quan trọng như chương trình nghị sự; nguyên tắc hội đồng Chính phủ; tuyên ngôn của Chính phủ liên hiệp kháng chiến; chính sách đối với Pháp; quyền hạn của Bộ Quốc phòng và Ủy ban kháng chiến… Hoặc như trong cuộc họp ngày 6.3.1946, cụ Huỳnh đã cùng những vị có mặt ký vào tờ biên bản quyết nghị tán thành ký hiệp định đình chiến và mở cuộc đàm phán chính thức với Chính phủ Pháp, theo những điều kiện Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là một quốc gia tự do. Cụ cũng là một trong 6 thành viên của Ủy ban Nghiên cứu đặc biệt các vấn đề sẽ đàm phán ở Paris do Hội đồng Chính phủ lập ra trong cuộc họp sáng ngày 22.5.1946.

Sắc lệnh số 97 do cụ Huỳnh ký với tư cách quyền Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. (Tài liệu sưu tầm tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)
Sắc lệnh số 97 do cụ Huỳnh ký với tư cách quyền Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. (Tài liệu sưu tầm tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)

Với cương vị quyền Chủ tịch nước trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp, Cụ Huỳnh đã đóng góp quan trọng trong việc điều hành bộ máy nhà nước, chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ, giải quyết kịp thời những vấn đề hằng ngày về nội trị, ngoại giao. Cụ đã ký tất cả 112 sắc lệnh, trong đó có sắc lệnh quan trọng như lập Ủy ban điều giải đại diện Chính phủ đến từng địa phương để giải thích chính sách của Chính phủ liên hiệp đối với hoạt động đảng phái; điều tra mọi hoạt động đảng phái bất hợp pháp và tìm cách giải quyết; xét những đơn khiếu nại của các đảng phái do Ủy ban liên lạc các địa phương chuyến đến; xét các khiếu nại của dân chúng về sự lầm than, thiệt hại do đảng phái gây nên… Sắc lệnh cũng ghi rõ, ủy ban này có quyền “ra vào tất cả các cơ quan công, tư và lấy các tài liệu cần thiết cho sự điều tra; xét hỏi bất cứ nhân viên nào trong các cơ quan công, tư địa phương cần thiết cho sự điều tra”. Đặc biệt, với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, lại là quyền Chủ tịch nước, cụ đã xử lý dứt khoát đối với bọn phản động Quốc dân đảng muốn nhân lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp, lại sắp đến ngày quốc khánh của nước Pháp, cấu kết với lực lượng chiếm đóng Pháp tại Hà Nội lên kế hoạch bí mật ném lựu đạn vào tốp lính da đen đi sau trong đoàn diễu binh của Pháp vào ngày 14.7.1946 để Pháp lấy cớ đưa quân đội đến bao vây, bắt tất cả cán bộ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, chiếm các trụ sở của Chính phủ, đồng thời lưu giữ Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn đàm phán của nước ta đang ở Pháp. Nắm bắt được âm mưu của địch, lực lượng công an xung phong bao vây khám xét trụ sở Việt Nam Quốc dân đảng tại số 132 Đuyvinhô, thu được kế hoạch bạo động đảo chính do Trương Tử Anh soạn thảo, cùng các biểu ngữ, tờ rơi, bố cáo của chúng. Ông Lê Giản là người phụ trách Nha Công an lúc bấy giờ kể lại, khi ông đến trình báo với đầy đủ chứng cứ, cụ Huỳnh liền ra lệnh: “Diệt! Diệt hết lũ chúng nó!...”. Được lệnh, Nha Công an liền tổ chức lực lượng tấn công các trụ sở còn lại của Quốc dân đảng ở Hà Nội và các tỉnh khác. Qua khám xét đã làm lộ rõ nguyên hình tổ chức tống tiền, ám sát, phản dân hại nước của Quốc dân đảng, vừa bẻ gãy được âm mưu phản loạn, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Khi quân của Quốc dân đảng gây hấn với quân Chính phủ ở Bạch Hạc (Phú Thọ), cụ Huỳnh triệu tập một cuộc họp nghe báo cáo tình hình rồi giao cho Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Võ Nguyên Giáp trực tiếp giải quyết vụ việc: “Tôi lấy tư cách quyền Chủ tịch Chính phủ mà giao phó cho ông theo dõi cuộc xung đột này. Ông là Tổng Tư lệnh quân đội quốc gia do Chính phủ đề cử và Quốc hội truy nhận, cũng như tôi Bộ trưởng Bộ Nội vụ, như ông Nguyễn Tường Tam Bộ trưởng Bộ Ngoại giao… Mà Chính phủ là ai? Quốc hội là ai?... là quý ngài cả thảy… Tôi giao phó cho ông, nếu dàn xếp yên, tránh được cái nạn “nồi da xáo thịt” thì chúng ta cùng vui mừng với nhau, nếu chẳng yên thì ông cứ dùng mọi  biện pháp quân sự mà khôi phục trật tự rồi báo cáo trước Hội đồng Chính phủ”. Thực hiện chỉ thị này, chỉ vài ngày sau quân đội Chính phủ đã đánh bạt quân Quốc dân đảng ra khỏi Bạch Hạt. Từ đó, các đảng phái phản động không còn dám ra mặt chống phá nữa.

Với cương vị là Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, cụ Huỳnh đã có những đóng góp tích cực trong việc thực hiện mục đích của hội là “đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước và đồng bào yêu nước vô đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc để làm cho nước Việt Nam: Độc lập - Thống nhất - Dân chủ - Phú cường”. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất trân trọng vai trò của cụ Huỳnh trong việc kêu gọi đoàn kết toàn dân, như đã thể hiện trong số thư tay của Người gửi cho Thứ trưởng Bộ Nội vụ Hoàng Hữu Nam được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, trong đó có thư viết tháng 1.1947 với nội dung: “Nhờ các vị Huỳnh [Thúc Kháng], [Phạm Bá] Trực cùng kêu gọi lương và giáo đứng lên kháng chiến chống ngoại xâm”, hoặc một thư khác viết ngày 6.1.1947: “Nhắc điện cho cụ Huỳnh kêu gọi dân chúng kháng chiến”. Kêu gọi đoàn kết các đảng phái, cụ Huỳnh cũng rất nghiêm khắc đối với các cá nhân, đảng phái phá hoại chế độ dân chủ cộng hòa. Ngay trong phiên họp Chính phủ, cụ nói thẳng với đại biểu của các đảng này: “Thưa các ngài, tôi nói ngay, tôi dám chê quý ngài dòm gần mà không dòm xa, thấy cái nhỏ mà không thấy cái lớn, biết bộ phận mà không biết toàn thể. Tôi dám chắc tình trạng này mà kéo dài ra nữa thì dân Việt Nam chúng ta trở lại làm nô lệ, mà đảng của quý ngài cũng lại làm đảng lưu vong”. Khi đại biểu Quốc dân đảng đến Bắc Bộ Phủ xin gặp để tìm cách phân bua về những tội lỗi của mình đã bị Nha Công an phát hiện tại trụ sở của chúng ở đường Đuyvinhô và phố Ôn Như Hầu và thanh minh cho đường lối “cách mạng quốc gia” của đảng mình, Cụ Huỳnh cầm batoong chỉ thẳng vào mặt chúng mà quát: “Đồ kẻ cướp! Đồ vô lại! Quốc gia dân tộc gì chúng mày!”. Trong cuốn “Những năm tháng không thể nào quên”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại, trong cuộc họp báo sau đó, cụ Huỳnh tuyên bố: “Đoàn kết là cần… để xây dựng nền dân chủ cộng hòa, nhưng không thể vin vào “đoàn kết” mà làm những điều phi pháp. Tôi khuyên mọi đảng phái, mọi phần tử quốc dân đoàn kết. Nhưng cũng vì quyền lợi quốc gia, tôi phải đem ra trước pháp luật những kẻ làm điều phi pháp. Những đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng chân chính được bảo đảm tự do hoạt động trong vòng pháp luật. Pháp luật là pháp luật chung. Những kẻ bắt cóc, tống tiền, ám sát thì phải đem ra pháp luật nghiêm trị. Đây không phải là vấn đề đảng phái”.

Với cương vị là đặc phái viên Chính phủ trên đường đi kinh lý các tỉnh miền Trung khi đã diễn ra Toàn quốc kháng chiến, đến đâu cụ Huỳnh cũng giải thích đường lối kháng chiến và kêu gọi toàn dân ủng hộ Chính phủ, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên đường đi, ngày 1.1.1947, nhân danh Ủy ban Kháng chiến quân dân chính, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, cụ viết thư gửi quốc dân đồng bào kêu gọi: “Đại đoàn kết một khối rất mạnh, ta phải khuyên nhau/Độc lập quốc muôn thuở vinh quang, gì còn hơn nữa?”. Cho đến khi bị ốm nặng, biết mình không qua khỏi, cụ còn bảo người thư ký ghi lại di ngôn của mình chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh “sống lâu để dìu dắt quốc dân trên đường vinh quang hạnh phúc”, gửi các chiến sĩ, và gửi các đảng phái, tôn giáo với lời kêu gọi “thực hiện ngay đại đoàn kết chung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng xuất chúng, vị anh hùng của dân tộc”. Cụ tạ thế hai ngày sau đó, kết thúc một cuộc đời vì nước vì dân, trong đó tuy chỉ có 15 tháng tham gia Chính phủ nhưng ở cương vị nào cụ cũng đều hoàn thành trọng trách của mình, đóng góp xứng đáng vào việc xây dựng nhà nước mới trong những ngày đầu còn trứng nước…

PGS-TS. NGÔ VĂN MINH

PGS-TS. NGÔ VĂN MINH