Thỏa thuận hòa bình cho Nam Sudan
Ngày 26.8, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir đã ký thỏa thuận hòa bình, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài gần 2 năm qua tại quốc gia non trẻ này.
Phát biểu tại lễ ký trước sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo, ngoại giao và phóng viên các nước trong khu vực, Tổng thống Kiir cho biết thỏa thuận hòa bình vừa được ký vẫn còn nhiều điểm bất cập và nếu không được xem xét kỹ sẽ gây ảnh hưởng tới hòa bình dài lâu tại Nam Sudan. Những điểm bất cập mà Tổng thống Kiir nói tới là điều khoản yêu cầu phi quân sự hóa Juba và buộc ông phải tham vấn Phó Tổng thống thứ nhất trong các vấn đề về chính sách. Ông yêu cầu có thêm thời gian tham vấn trước khi ký toàn bộ nội dung của thỏa thuận này. Tuy nhiên, Liên hiệp quốc cảnh báo sẽ áp đặt lệnh trừng phạt nếu Tổng thống Kiir, người lãnh đạo Nam Sudan kể từ khi nước này tách khỏi Sudan năm 2011, không ký thỏa thuận trong vòng hai tuần. Nội chiến bùng phát tại Nam Sudan từ tháng 12.2013 khi Tổng thống Kiir cáo buộc cựu Phó Tổng thống Machar âm mưu đảo chính.
Đến nay, xung đột bạo lực đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, đẩy gần 70% dân số nước này vào tình trạng thiếu lương thực và buộc khoảng 200.000 người phải đi lánh nạn.
Nam Sudan - quốc gia non trẻ với cuộc nội chiến xung đột đẫm máu kéo dài 20 tháng. (Ảnh: AFP) |
Cùng thời gian, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cũng ấn định thời hạn ngày 1.9 là hạn chót để Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir thông qua toàn bộ nội dung thỏa thuận hòa bình chấm dứt xung đột đẫm máu mà không đi kèm các điều kiện khác. Phát biểu với báo giới tại trụ sở của Liên hiệp quốc ở New York, Đại sứ Nigeria tại Liên hiệp quốc, quốc gia giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Joy Ogwu nhấn mạnh khoảng thời gian trên là nhằm tạo điều kiện cho Tổng thống Kirr hoàn tất thỏa thuận hòa bình, vốn đã được thủ lĩnh phiến quân Riek Machar ký từ trung tuần tháng tám vừa qua. 15 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trước đó đã cảnh báo sẽ có “những hành động ngay lập tức” nếu như Tổng thống Kirr tiếp tục trì hoãn thông qua toàn bộ nội dung thỏa thuận.
Tuy nhiên, cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng hoan nghênh động thái mới của Tổng thống Kirr, cho rằng đây là bước đi cốt lõi nhằm chấm dứt cuộc xung đột, những hành động bạo lực và vi phạm nhân quyền tại Nam Sudan. Tuyên bố của ông Ban Ki-moon nhấn mạnh các bên hợp tác dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau nhằm thực thi các điều khoản, bắt đầu bằng thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn, nối lại các hoạt động của phái bộ của Liên hiệp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) và cứu trợ nhân đạo.
Trong khi đó, Mỹ một mặt hoan nghênh và đánh giá cao quyết định của Tổng thống Kirr, song mặt khác cảnh báo thỏa thuận hòa bình không nên bị ràng buộc bởi các điều kiện hay các hạn chế khác. Thông cáo từ phía Nhà Trắng chỉ rõ Washington và cộng đồng quốc tế không công nhận bất kỳ điều khoản bổ sung nào hoặc danh sách những hạn chế đi kèm văn kiện mà Tổng thống Kirr đưa ra. Trước đó, Mỹ đã đưa ra Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc một dự thảo nghị quyết cấm vận vũ khí và áp đặt lệnh trừng phạt đối với cá nhân gây cản trở nỗ lực kiến tạo hòa bình tại Nam Sudan.
AN XUYÊN (tổng hợp)