Khai thác đá ở núi Chà Ró (Phú Ninh): Cần tiếng nói chung
Doanh nghiệp nổ mìn khai thác đá tại núi Chà Ró (thị trấn Phú Thịnh, Phú Ninh) khiến nhiều hộ dân trong khu vực bất an phải cầu cứu chính quyền các cấp.
Bức xúc
Nhiều tháng nay, hàng chục hộ dân ở 2 khối phố Nam Đông và Tân Phú thuộc thị trấn Phú Thịnh cầu cứu chính quyền các cấp về việc Công ty TNHH Thái Bình nổ mìn ở núi Chà Ró để tận thu đá làm xáo trộn đời sống sinh hoạt, sản xuất của họ. Ông Nguyễn Văn Thắng, đại diện cho các hộ dân khối phố Nam Đông bức xúc: “Mỏ đá khai thác của công ty tại khu vực núi Chà Ró gần nhà dân. Mỗi khi họ nổ mìn văng đá, làm bể ngói, vỡ tôn, rung chuyển nhà cửa và ảnh hưởng đến mồ mả trong khu vực. Bị tra tấn bởi tiếng nổ mìn, khu dân cư còn khổ sở vì phải sống chung với bụi đất, đá phủ”. Nhiều người dân ở khối phố Tân Phú cho rằng, quá trình khai thác và vận chuyển đá đã thay đổi địa hình, dòng chảy. Vào mùa mưa đường lầy lội, nước bẩn cuốn theo chất thải, dầu nhờn ngập vào khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan khu căn cứ cách mạng thời kỳ chiến tranh. Thời điểm năm 2012, người dân khu vực núi Chà Ró cũng đã có đơn khiếu nại tập thể lên chính quyền các cấp và cản trở thi công, yêu cầu công ty khắc phục hậu quả. Sự việc phức tạp buộc chính quyền huyện Phú Ninh, các ngành chức năng của tỉnh đối thoại, giải thích với người dân.
Theo quan sát của chúng tôi, vị trí khai thác đá cách một số nhà cửa người dân sinh sống khoảng 200m. Tại khu vực mỏ không có bảng cấm, hoặc chỉ dẫn lối đi an toàn. Tuy nhiên, bức xúc đỉnh điểm của người dân ở chỗ, doanh nghiệp lấn chiếm 2ha đất sản xuất, không hoàn thành nghĩa vụ đóng góp xây dựng cộng đồng tại vùng bị ảnh hưởng. “Chúng tôi yêu cầu thu hồi 2ha đất mà doanh nghiệp lấn chiếm trái phép trả lại hiện trạng cho người dân tiếp tục sản xuất. Tuyệt đối không cho gia hạn hoặc cấp phép mới tại mỏ đá Tân Phú” - người dân khối phố Tân Phú mong muốn.
Yêu cầu khắc phục hậu quả
Sai phạm của Công ty TNHH Thái Bình là khai thác ngoài phạm vi ghi trong giấy phép hoạt động, nhận chuyển nhượng đất với hộ dân nên đã bị UBND huyện Phú Ninh xử phạt vi phạm hành chính. Ông Nguyễn Hữu Hùng - Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thịnh cho biết, trong diện tích 2ha mà công ty lấn chiếm có 1.400m2 doanh nghiệp thỏa thuận với người dân, còn lại 19.000m2 do UBND thị trấn quản lý. “Vì diện tích đất do thị trấn quản lý nằm ngay trên đường vào mỏ đá, địa phương muốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Doanh nghiệp làm hồ sơ thủ tục nhưng giờ đã hết thời gian gia hạn” - ông Hùng nói. Theo Sở Tài nguyên - môi trường, trong quá trình khai thác, vận chuyển và chế biến đá, Công ty TNHH Thái Bình đã tiến hành khắc phục các tồn tại về môi trường trước đây. Tuy nhiên, công tác khắc phục chưa đầy đủ, chưa bố trí kho lưu giữ chất thải nguy hại và tiến hành phân loại chất thải theo quy định; chưa bố trí mương thu gom nước mưa dẫn đến tình trạng chảy tràn xuống khu vực nhà dân sinh sống.
Trả lời đơn thư của người dân thị trấn Phú Thịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn đã ký Văn bản số 3651/UBND-TD ngày 18.8.2015, yêu cầu Công ty TNHH Thái Bình thực hiện đúng các cam kết đã thỏa thuận, có biện pháp hỗ trợ, khắc phục đối với các ảnh hưởng do việc khai thác đá gây ra, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, tránh những hệ lụy do nổ mìn gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. Doanh nghiệp phải phân loại chất thải theo quy định, định kỳ nạo vét mương dẫn thu gom nước mưa. Trong quá trình vận chuyển cần che chắn để hạn chế phát tán bụi. Ngoài ra, công ty sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đúng quy trình, tổ chức đo chấn động nổ mìn để có cơ sở giải thích cho nhân dân. Văn bản này cũng có nội dung, yêu cầu chính quyền thị trấn Phú Thịnh xác định rõ việc quản lý, sử dụng đất (đất công ích hay đất do UBND xã quản lý) đối với diện tích 2ha mà công ty chưa được thuê đất để quản lý đúng hiện trạng, cho thuê đúng đối tượng; xác định 1.400m2 đất công ty nhận chuyển nhượng của hộ dân đã được giao quyền sử dụng đất chưa để từ đó có cơ sở giải quyết. Thiết nghĩ, doanh nghiệp và người dân cần tìm tiếng nói chung để ổn định tình hình sản xuất, sinh hoạt tại đây.
TRẦN NGUYỄN