Ngày công giá rẻ vì người nghèo

LÊ THIÊN NGÂN 28/08/2015 09:10

“Ngày công giá rẻ” là mô hình hoạt động rất thiết thực, hiệu quả của Chi đoàn thôn Đông Xuân (xã Tam Quang, huyện Núi Thành).

Được thành lập vào tháng 3.2013, ban đầu nhóm chỉ có 10 thành viên. Nhiệm vụ chính là giúp đỡ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, người già, neo đơn, gia đình chính sách bằng những công việc cụ thể như: sửa sang đất ruộng, bờ đập, tham gia thu hoạch vụ mùa... với ngày công lao động chỉ bằng 1/3 ngày công bình thường. Anh Ngô Thái Dương, Bí thư Chi đoàn Dân quân cơ động, Trưởng nhóm cho biết: “Phương châm hoạt động của nhóm là lấy sức trẻ giúp dân, để dành kinh phí giúp trẻ em nghèo vượt khó”.

Nhóm “Ngày công giá rẻ” giúp dân làm đồng ruộng. Ảnh: L.T.N
Nhóm “Ngày công giá rẻ” giúp dân làm đồng ruộng. Ảnh: L.T.N

Cũng từ phương châm đơn giản và ý nghĩa ấy, hơn 2 năm qua, nhóm “Ngày công giá rẻ” đã giúp đỡ, hỗ trợ sản xuất, thu hoạch mùa vụ cho hơn 100 hộ dân, trong đó chủ yếu là người già neo đơn, gia đình có công với cách mạng. Như trường hợp của bà Trần Thị Lân (là người có công với cách mạng, hiện sống một mình) được nhóm đến gặt lúa với mức giá 120.000 đồng/sào; trong khi giá tiền công phổ thông cho việc cắt 1 sào lúa là 4 công x 100.000 đồng/công; tổng cộng là 400.000 đồng. Cuốc 1 sào đất thì chỉ lấy 60.000 đồng, trong khi giá thực tế là 250.000 đồng/sào. “Các cháu nhiệt tình lắm, cắt lúa xong còn vận chuyển về tận nhà giúp bà. Quý giá hơn nữa là các cháu không tính toán gì, số tiền công nhận được thì đem giúp học sinh nghèo”. Ngoài việc tính ngày công giá rẻ, mỗi bạn đoàn viên, thanh niên thay phiên nhau đến giúp bà những khi đau ốm. Có khi chỉ là nấu giúp 1 bữa cơm, quét dọn vệ sinh hay chăm sóc vườn rau sau nhà.

Cũng như bà Trần Thị Lân, gia đình bà Trần Thị Sáu cũng là gia đình có công với cách mạng, thường xuyên được nhóm “Ngày công giá rẻ” đến hỗ trợ. Nói về các bạn thanh niên, bà Sáu luôn cảm thấy ấm lòng bởi thanh niên đã tự nguyện đến giúp đỡ bằng sự quan tâm, tri ân chân thành. Anh Bùi Như Diệu, Phó Bí thư Huyện đoàn Núi Thành cho biết: “Bên cạnh sự hỗ trợ về kinh phí của Nhà nước đối với người có công với cách mạng thì không thể thiếu được sự quan tâm, vào cuộc, tiếp sức của địa phương và gia đình. “Ngày công giá rẻ” là cách làm hay, cần được nhân rộng, phát huy”.

Ngoài công việc chính là sửa sang đất ruộng, bờ đập, tham gia sản xuất và thu hoạch vụ mùa, nhóm còn tham gia rất nhiều hoạt động an sinh xã hội tình nguyện khác như: tổ chức trại hè truyền thống, vận động thanh niên địa phương thu gom rác thải, dọn vệ sinh môi trường ở các điểm công cộng và đường làng ngõ xóm; thăm hỏi, giúp đỡ, tặng sách giáo khoa, tập vở, bút viết, áo trắng cho các em học sinh khó khăn... Kinh phí để thực hiện các chương trình này chính từ số tiền công lao động của thanh niên trong nhóm tiết kiệm, để dành trong suốt quá trình lao động. Từ hiệu quả hoạt động ban đầu, nhóm đã thu hút nhiều bạn thanh niên cùng tham gia. Đến nay, số lượng thành viên nhóm luôn duy trì con số 22 với nhiều hoạt động an sinh xã hội, xã hội tình nguyện rộng rãi khác.

LÊ THIÊN NGÂN

Trĩu nặng những đồng tiền thương khó

TUẦN qua, chúng tôi nhận được 7 triệu đồng của một bạn đọc ủng hộ cho 14 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật đang cần sự giúp đỡ đã được đăng tải trên mục Địa chỉ từ thiện số thứ Sáu hằng tuần của Báo Quảng Nam. Người gửi ủng hộ là ông Trần Bạn, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Tam Ngọc, huyện Phú Ninh. Nhìn mẩu giấy viết tay, cẩn thận ghi tên từng người được nhận, địa chỉ và sự gửi gắm, chúng tôi biết người gửi đã tỉ mẩn chắt lọc từng mẩu báo, từng mảnh đời chẳng may gặp cảnh ngặt nghèo hằng tuần, hằng tháng. Hẳn là còn nhiều hơn, những hoàn cảnh khi nhận chia sẻ từ những đồng tiền thương khó này sẽ rưng rưng xúc động. Như người thân của em Phan Công Hùng (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình) nhờ Nhịp cầu bạn đọc của Địa chỉ từ thiện nhắn giúp: “Hiện, cháu Hùng đang được hàng xóm, láng giềng cưu mang. Cháu tiếp tục đến trường, ai cũng động viên cố gắng học tập và xoa dịu dần nỗi đau mồ côi cả cha lẫn mẹ”. Hay như trường hợp của cháu Nguyễn Hữu Anh Khoa (thôn Giao Thủy, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc) cũng muốn được trực tiếp cảm ơn bác Trần Bạn. Hiện, số tiền ủng hộ được cộng tác viên và các tác giả trao tận tay người được giúp. Sự tin tưởng gửi trao của bạn đọc cũng sẽ được “Địa chỉ từ thiện” tận tâm chia sẻ. Lẽ hẳn nhiên, chúng tôi đều biết xưa nay, có khá nhiều bạn đọc khi đọc thông tin trên Địa chỉ từ thiện của Báo Quảng Nam đã lặng lẽ đến từng nơi để chia sẻ mà không cần để lại bất cứ tên tuổi nào. Nên khi nhận những đóng góp, ủng hộ thông qua nhịp cầu của báo, chúng tôi càng hiểu hơn những điều bạn đọc muốn gửi trao. Những đồng tiền thương khó, vì thế mà nặng trĩu hơn!

TÂM AN

LÊ THIÊN NGÂN