Bưu điện văn hóa xã: Chuyển mình để tồn tại
Đã có lúc loại hình bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) được đặt trước câu hỏi “nên hay không tồn tại”, bởi hoạt động kém hiệu quả trong nhiều năm. Nhưng gần đây, với nỗ lực lớn của Bưu điện tỉnh, BĐVHX đang dần “hồi sinh” và tìm thấy lối ra.
Việc đa dạng loại hình dịch vụ, các điểm BĐVHX đang chuyển mình để tồn tại. Ảnh: QUỐC TUẤN |
Bên bờ xóa sổ
Cách đây khoảng chục năm, khi các dịch vụ viễn thông nhất là điện thoại di động bùng nổ thì theo chiều ngược lại các điểm BĐVHX trong tỉnh bắt đầu rơi vào thời kỳ suy thoái và xuống dốc thảm hại. Với sự thay đổi chóng mặt của công nghệ kỹ thuật, người dân phần lớn chuyển từ sử dụng thư viết tay sang gửi e-mail, thay vì ra bưu điện để sử dụng điện thoại công cộng như trước, hầu hết các nhà đều có điện thoại bàn hoặc điện thoại di động. Internet trở nên phổ biến làm cho chẳng mấy ai buồn đến bưu điện để đọc sách báo, nhất là ở các địa phương vùng đồng bằng.
Nhiều điểm BĐVHX nằm ở vị trí thuận lợi đã phải giảm bớt diện tích sử dụng để cho thuê mở nhà sách, cửa hàng ăn uống,… vừa tránh lãng phí vừa tạo thêm nguồn thu. Ở những địa phương trung du, miền núi, nguồn thu lớn nhất của các điểm BĐVHX thường đến từ dịch vụ internet. Ở khu vực đồng bằng, thậm chí nhiều nơi người dân địa phương không biết BĐVHX nằm ở đâu, bởi từ lâu đã không còn sử dụng dịch vụ, còn điểm bưu điện cũng đã đóng cửa.
Những năm qua, ở nhiều điểm BĐVHX nhân viên chỉ mở cửa theo đúng quy định rồi “ngồi chơi xơi nước” cả ngày chứ chẳng có khách để phục vụ. Các điểm bưu điện Cẩm An, Cẩm Hà, Cẩm Kim, Cẩm Nam, Cẩm Châu của TP. Hội An hay Điện Minh, Điện Dương, Điện Trung thị xã Điện Bàn hoặc Duy Vinh 1, Duy Tân, Duy Nghĩa huyện Duy Xuyên… đều gần như không có doanh thu. Theo báo cáo của Bưu điện tỉnh, doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 của các điểm BĐVHX trên địa bàn Quảng Nam đạt 3,68 tỷ đồng, chỉ bằng 16% so với kế hoạch. Đặc biệt, một số địa phương doanh thu “giẫm chân tại chỗ” như Tam Kỳ chỉ đạt 3,9% kế hoạch, Phú Ninh 5,6% hay Đông Giang 6,4%. Kết quả này là điều hết sức đáng buồn bởi từng có thời các điểm BĐVHX là “địa chỉ vàng” để người dân sử dụng dịch vụ viễn thông.
Trước thực tại khó khăn đó, ngành bưu điện đã có nhiều giải pháp để cứu BĐVHX khỏi nguy cơ xóa sổ. Mới đây Sở Thông tin - truyền thông tổ chức lớp nghiệp vụ bưu chính viễn thông và nghiệp vụ thư viện cho gần 100 nhân viên điểm BĐVHX trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao kỹ năng làm việc của nhân viên bưu điện. Ngành bưu điện tỉnh cũng đang liên kết với các đơn vị hưởng ứng phong trào “cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” khi đưa các sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn giới thiệu với bà con nông dân tại các điểm BĐVHX.
Dịch vụ đa chức năng
Thực hiện ký kết về chi trả “Gói trợ cấp xã hội hợp nhất cho hộ gia đình” qua bưu điện giữa Bộ LĐ-TB&XH với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, từ tháng 7.2015, các bưu điện trên địa bàn thị xã Điện Bàn đồng loạt thực hiện chi trả tiền hỗ trợ hàng tháng cho người dân. Đây là lần đầu tiên, thị xã Điện Bàn cũng như các địa phương trong tỉnh áp dụng hình thức chi trả này. Theo đó, thay vì đến UBND xã như trước đây, những người được hưởng gói trợ cấp xã hội trên sẽ đến các điểm BĐVHX tại nơi cư trú để nhận các khoản trợ cấp bằng tiền mặt. Đây là các đối tượng thuộc nhóm bảo trợ xã hội như: trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ 3 - 15 tuổi nhưng không đi học; người cao tuổi đơn thân; người tàn tật, người tâm thần; hộ nghèo có trẻ em và phụ nữ mang thai… Mới đây nhất, Bưu điện tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH triển khai chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công qua BĐVHX tại các địa phương Hội An, Quế Sơn, Núi Thành và Đông Giang; và theo kế hoạch sẽ nhân rộng ra toàn tỉnh. Trước đó, Bưu điện tỉnh cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Giao thông vận tải cung cấp dịch vụ chuyển phát hồ sơ, tổ chức tiếp nhận, đăng ký thông tin cấp đổi giấy phép lái xe cấp độ 3 qua hệ thống bưu cục, BĐVHX. Những dịch vụ hành chính công trên không chỉ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân mà BĐVHX cũng có thêm loại hình dịch vụ để hoạt động. Hiện nay, một số điểm BĐVHX còn tham gia dịch vụ thu tiền điện, cước điện thoại…
Quảng Nam hiện có 164 BĐVHX, và những hướng đi mới đang dần tạo lối ra cho các điểm bưu điện. Chị Lê Thị Hương - nhân viên điểm bưu điện Cẩm Sa (phường Điện Nam Trung, Điện Bàn) chia sẻ: “Trước đây, mỗi ngày tôi chỉ làm 4 tiếng đồng hồ do không có việc gì nhiều, nhưng hiện nay BĐVHX đã mở thêm nhiều dịch vụ mới như nhận chuyển giấy phép lái xe, chứng minh nhân dân, chuyển tiền hàng, bưu kiện, giao hàng nông nông mới, chi trả trợ cấp xã hội, cấp phát lương hưu… nên công việc khá bận rộn. Doanh thu gần đây của điểm bưu điện đã khá hơn và có tín hiệu tích cực”. Còn chị Ngô Thị Hải Âu - nhân viên điểm bưu điện Duy Sơn 2 ( Duy Sơn, Duy Xuyên ) cho biết: “Doanh thu trong tháng 7.2015 của bưu điện đạt hơn 7 triệu đồng, con số rất khá và vượt xa so với trước khi ngành bưu điện hợp tác mở thêm nhiều dịch vụ”.
Bà Trần Thị Hoa - phụ trách mảng BĐVHX của Bưu điện Điện Bàn cho biết: “Thị xã có 12 điểm BĐVHX đang hoạt động và 2 điểm đang tìm nhân viên để khôi phục mở cửa trở lại. Ngành bưu điện cũng đang tiếp tục tìm nhiều giải pháp nhằm duy trì các điểm BĐVHX, không chỉ cho mục đích tuyên truyền mà còn hướng tới nhiệm vụ chính là kinh doanh”. Có thể nói, BĐVHX đang dần trở thành một loại hình dịch vụ đa chức năng chứ không chỉ còn gói gọn trong phạm vi bưu chính - viễn thông. Với sự linh hoạt của ngành Bưu điện tỉnh, loại hình BĐVHX đã “thoát chết” và đang dần trở lại, tương tác mạnh mẽ với cộng đồng, không còn thuộc diện “bỏ thì thương, vương thì tội”.
QUỐC TUẤN