Giúp dân phòng chống thiên tai
Ngoài hỗ trợ người nghèo xây nhà ở kiên cố, nhiều dự án biến đối khí hậu còn đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại cảnh báo sớm thiên tai.
Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Ảnh: TR.HỮU |
Biết thiên tai qua tin nhắn
Gần một năm nay, các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng lũ từ hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn như Đại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn, Quế Sơn, Điện Bàn, Hội An được dự án “Thiết lập và vận hành hệ thống cảnh báo sớm thiên tai cho cộng đồng” hỗ trợ cảnh báo thiên tai thông qua hệ thống tin nhắn (SMS) và các phương tiện thông tin liên lạc khác như bộ đàm, đài truyền thông, kẻng, trống... Từ các thiết bị máy móc hỗ trợ, các địa phương quản lý vết lũ, truyền tin độ sâu ngập lụt; lập các biển cảnh báo lũ và các bản đồ cảnh báo; tiến hành thử nghiệm hệ thống tin nhắn SMS để cảnh báo sớm thiên tai; cung cấp phương tiện, trang thiết bị thiên tai và nghiên cứu thông tin phản hồi.
Từ năm 2014, thôn Trung Phước 2 (xã Quế Trung, Nông Sơn) đã lập điểm cảnh báo lũ và thiết lập bản đồ cảnh báo. Ông Trương Phúc Liệu, người dân thôn Trung Phước 2 cho hay, từ khi có cọc báo mực nước lũ, cộng đồng dễ dàng nắm thông tin lũ ở mức độ nào để sẵn sàng ứng phó. Tại các nhà dân được khảo sát, những tấm biển đánh dấu vết lũ được gắn lên tường để các quan trắc viên cộng đồng so sánh và đối chiếu với mực nước lũ hiện tại khi cung cấp thông tin phản hồi về cho Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Theo ông Văn Phú Chính - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ứng dụng thực tiễn nhất từ dự án “Thiết lập và vận hành hệ thống cảnh báo sớm thiên tai cho cộng đồng” do Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam - SCI tài trợ là cảnh báo sớm thiên tai bằng tin nhắn SMS. Ứng dụng tin nhắn dạng này sẽ giúp cộng đồng có thông tin ngập lụt (độ sâu ngập) trên địa bàn tỉnh, cung cấp dịch vụ nhắn tin điều hành phòng chống thiên tai.
Giám sát mực nước, lũ quét
Không phải đến thời điểm này cảnh báo thiên tai bằng công nghệ hiện đại mới được ứng dụng, mà cuối năm 2013, Công ty CP Thủy điện A Vương đã đưa vào sử dụng hệ thống truyền báo thông tin về mức ngập lụt tự động qua sóng điện thoại di động. Tuy nhiên, chỉ mới áp dụng giới hạn trong phạm vi 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đại Lộc. Thực tế cho thấy, nhu cầu truyền tin cảnh báo xả lũ từ các hồ chứa thủy điện rất được quan tâm tại vùng hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn. Tháng 5.2014, UBND tỉnh gửi văn bản yêu cầu các nhà máy thủy điện phải lắp đặt, bổ sung hệ thống cảnh báo phía hạ du.
Cách đây chưa lâu, Tập đoàn Viễn thông công nghệ thông tin Nhật Bản và Đại học Waseda (Nhật Bản) đã phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông lắp đặt nhiều thiết bị giám sát mực nước và tốc độ nước để cảnh báo lũ cho người dân tại khu vực huyện Nam Trà My. Công nghệ điện toán đám mây, phân tích nước lũ rất hiện đại, có khả năng phát hiện sớm sự thay đổi mực nước các dòng sông, suối ở thượng nguồn, từ đó phát hiện sớm các nguy cơ lũ quét và thông báo đến người dân để hạn chế thấp nhất rủi ro do thiên tai gây ra.
Người nghèo trong vùng thường xuyên bị thiên tai bão lụt được hưởng chính sách hỗ trợ xây nhà phòng tránh thiên tai. |
Hỗ trợ người nghèo xây nhà chống lũ
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg về hỗ trợ nhà ở cho người nghèo vùng sâu vùng xa ứng phó với thiên tai. Tại Quảng Nam, hơn 3.500 hộ nghèo trong vùng thường xuyên bị thiên tai bão lụt được hưởng chính sách hỗ trợ xây nhà phòng tránh thiên tai. Bình quân mỗi hộ nghèo được hỗ trợ 12 - 16 triệu đồng để xây nhà, được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tối đa 15 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 3%/năm. Tại xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ), chính quyền đã hoàn tất khảo sát đối tượng có nhu cầu, lựa chọn đúng tiêu chuẩn đối tượng được hỗ trợ. Theo ông Lê Đình Nho - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thăng, qua rà soát, trên địa bàn có 98 hộ nghèo được hưởng lợi từ Quyết định 48 của Thủ tướng. Dự kiến cuối năm nay, sẽ có 19 hộ tiến hành xây nhà. Ngoài mức hỗ trợ của Nhà nước, vốn vay ngân hàng, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ sẽ huy động hỗ trợ thêm. Nhiều vùng ngập lụt ở hạ du sông Thu Bồn qua địa phận Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn… cũng đang khẩn trương lập thủ tục hồ sơ xây nhà ở cho người nghèo.
Thống kê của ngành chức năng cho thấy, toàn tỉnh có 22 nghìn hộ nghèo và ít nhất 3.000 hộ có nhà ngập lũ từ 1,5m trở lên được hưởng chính sách hỗ trợ xây nhà ở phòng tránh bão lũ. Mẫu nhà thiết kế có kết cấu xây gác đảm bảo sinh hoạt, tránh lũ an toàn. Theo các địa phương nằm trong vùng “rốn lũ”, mô hình xây nhà phòng chống thiên tai cho người nghèo đa lợi ích, vừa giảm nghèo bền vững vừa giúp bà con hạn chế thiệt hại tài sản, tính mạng, giảm áp lực trong công tác sơ tán dân trong mùa mưa bão.
TRẦN HỮU