Của để dành...
Trong bức tranh đầy màu sắc của bản làng sau hành trình dài 10 năm tái lập, văn hóa tộc người Cơ Tu ở Đông Giang vẫn đang là một trong những ô màu chủ đạo, được giữ gìn, bảo vệ như một thứ tài sản để dành cho thế hệ tương lai…
Trẻ em Cơ Tu làng Bhơ Hôồng 1 (xã Sông Kôn, Đông Giang) trong lễ hội văn hóa truyền thống của làng. Ảnh: T.CÔNG |
Nỗ lực bảo tồn
Những ngày tháng 8, khi vùng cao sắp sửa vào mùa gặt, đồng bào Cơ Tu ở xã Sông Kôn (Đông Giang) càng tất bật hơn để chuẩn bị cho lễ hội cồng chiêng truyền thống. Mỗi làng chọn ra những thành viên ưu tú nhất, cùng nhau luyện tập chờ dịp góp mặt trong ngày hội chung. Đêm đến, tiếng trống, tiếng chiêng vang vọng khắp ngả rừng. Bà Đinh Thị Ngơi - Phó Chủ tịch UBND xã Sông Kôn cho biết, đây là sự kiện quan trọng của địa phương, được tổ chức 5 năm một lần, góp phần giữ gìn và bảo tồn những giá trị văn hóa của người Cơ Tu, giáo dục cho thế hệ cháu con về bản sắc dân tộc mình. “Mục đích của lễ hội nhằm ca ngợi tinh thần lao động sáng tạo của đồng bào Cơ Tu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng, đề cao tinh thần đoàn kết, khát vọng tự do. Trong đời sống hiện đại, lễ hội không chỉ giới thiệu nét đẹp của người Cơ Tu đến với du khách, mà còn khẳng định được lòng tự hào, ý thức của người dân trong việc duy trì những nét đẹp đó” - bà Ngơi nói.
Lễ hội truyền thống từ lâu đã là một phần không thể tách rời trong đời sống của người Cơ Tu ở Đông Giang nói riêng, cộng đồng người Cơ Tu ở vùng tây bắc Quảng Nam nói chung. Lễ hội truyền thống vẫn được duy trì là minh chứng cho sức sống của văn hóa trước những giao thoa dữ dội của đời sống hiện đại. Tập trung cho công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy vốn quý từ văn hóa, huyện Đông Giang đã sớm cụ thể những chủ trương, đường lối bằng nhiều việc làm thiết thực. Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động đồng bào duy trì bản sắc trong xây dựng nhà ở, dựng gươl, khôi phục và phát triển các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, nghề rèn…, những lễ hội văn hóa truyền thống được tổ chức ở các địa phương như xã Sông Kôn những ngày qua là dịp ôn luyện, trình diễn và quảng bá vốn quý văn hóa của dân tộc. Ông Nguyễn Bằng - Bí thư Huyện ủy Đông Giang chia sẻ: “Nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống của tộc người Cơ Tu ở Đông Giang là một trong những nhiệm vụ quan trọng của địa phương trong thời gian qua. Văn hóa chính là cái gốc, là điểm tựa, cũng là nguồn nội lực cho phát triển. Do đó, những năm qua chúng tôi vừa hướng đến việc bảo tồn, vừa khai thác văn hóa như một thứ tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hiệu quả của chủ trương này đã bước đầu được thể hiện ở hai làng du lịch trọng điểm được xây dựng ở Bhơ Hôồng 1 (xã Sông Kôn) và Đhrôồng (xã Tà Lu)”.
Bây giờ, Bhơ Hôồng 1 và Đhrôồng đã trở thành địa chỉ quen thuộc trong bản đồ du lịch phía tây, là nơi dừng chân của rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Các tour du lịch mới cũng được mở, hấp dẫn du khách bằng chính vốn quý văn hóa đặc trưng. Cuộc sống ban sơ giữa núi rừng, tham gia các lễ hội, thưởng thức ẩm thực truyền thống trở thành “đặc sản” của Đông Giang níu chân du khách và thu hút sự đầu tư của các công ty lữ hành.
Điểm tựa từ cộng đồng làng
“Tính cộng đồng làng là một trong những thứ “chất đề kháng” tốt nhất cho văn hóa truyền thống. Bởi, tính cộng đồng là đặc trưng dễ nhận diện nhất của người Cơ Tu, cũng là yếu tố bảo đảm cho thành công của chủ trương giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện trong những năm qua” - ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng VH-TT huyện Đông Giang nói. Theo thống kê, năm 2014 toàn huyện có gần 70% số thôn đạt và duy trì danh hiệu thôn văn hóa, trong đó có hơn 50% số thôn giữ vững danh hiệu nhiều năm liền. Ngoài ra, có tổng số 81/95 thôn có gươl, nhà sinh hoạt cộng đồng phục vụ hội họp, sinh hoạt của người dân. Không gian văn hóa của các làng người Cơ Tu được giữ gìn thông qua nhiều hoạt động như lễ hội cồng chiêng, lễ mừng lúa mới, các tập tục truyền thống trong đời sống sinh hoạt như cưới hỏi, tang ma. Đặc biệt, Đông Giang là một trong những địa phương còn duy trì tục “kết nghĩa anh em” giữa các thôn, vốn là một mỹ tục đề cao tinh thần đoàn kết, lòng hòa hiếu của đồng bào vùng cao trong sản xuất, sinh hoạt. Theo già làng Y Kông - nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, duy trì các tập tục đẹp, các lễ hội truyền thống hướng tới bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa cần phải được gắn với lợi ích cộng đồng, dựa vào sức mạnh cộng đồng. “Việc tuyên truyền người dân bãi bỏ tập tục lạc hậu, giữ gìn những đặc trưng, tinh hoa văn hóa dân tộc mình cần phải gắn chặt vào cộng đồng làng và tận dụng sức mạnh từ cộng đồng. Có được diện mạo của Đông Giang hôm nay, một phần là nhờ vào thành công của quá trình dựa vào cộng đồng ấy” - già Y Kông khẳng định.
Mái gươl cong, biểu tượng của làng truyền thống người Cơ Tu vẫn đang sừng sững, hiện hữu ở nhiều ngôi làng giữa núi rừng Đông Giang. Đó cũng chính là biểu tượng của nỗ lực gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với rừng ở vùng cao. “Nhiệm kỳ tới, Đông Giang đặt mục tiêu tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống, tận dụng thế mạnh từ văn hóa và tăng cường liên kết để xây dựng văn hóa như một giá trị đặc thù của địa phương trong định hướng phát triển. Trên điểm nhìn ấy, văn hóa sẽ là cái gốc để xây dựng hình ảnh một Đông Giang giàu bản sắc, đậm đà truyền thống trong dòng chảy hội nhập” - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, ông Đỗ Tài chia sẻ.
THÀNH CÔNG