Cõng chữ lên non

H.YÊN - P.TRỌNG 26/08/2015 08:36

Ở các xã vùng sâu vùng xa của huyện Phước Sơn, có những thầy giáo cô giáo đã hy sinh thầm lặng, miệt mài bám lớp bám trường, đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp giáo dục… Đây là hình ảnh đẹp của những người “cõng chữ lên non” và cô giáo Phạm Thị Tình là một tấm gương như thế.
Rời thị trấn Khâm Đức, vượt gần 20 cây số đường dốc, chúng tôi tìm đến xã Phước Chánh, một xã vùng cao của huyện Phước Sơn. Từ trung tâm xã men theo đoạn đường dốc rất vất vả mới đến được Trường Tiểu học Phước Chánh – nơi cô giáo Phạm Thị Tình hàng chục năm qua miệt mài “gieo chữ”. Cô giáo Tình tâm sự, năm 1985 tốt nghiệp sư phạm bậc tiểu học, trong khi bạn bè cùng trang lứa lựa chọn cho mình nơi công tác là thành phố, đô thị hay chí ít cũng về quê thì cô lại quyết định ngược lên Phước Sơn. Đầu tiên cô được phân công về dạy tại xã Phước Công, sau 4 năm thì chuyển về Trường Tiểu học Phước Chánh cho đến bây giờ. Cô nói: “Mình quê Thăng Bình, lên đây lạ nước lạ cái, dạy học trong điều kiện khó khăn nên lúc đầu cảm thấy nản nhưng dần quen. Ở đây mình luôn được sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của anh em đồng nghiệp”.

Theo cô giáo Phạm Thị Tình, dạy học ở miền núi khó khăn trong sinh hoạt chỉ là một phần, việc vận động các em đến trường mới là điều đáng nói. Trước kia, khi trình độ dân trí còn thấp, đời sống dựa vào làm nương rẫy quanh năm vất vả nên người dân địa phương ít quan tâm đến việc học hành của con em, tỷ lệ học sinh đến trường và tỷ lệ chuyên cần là những con số phần trăm rất khiêm tốn. “Có hôm lớp học không có bóng học sinh nào nên cô giáo chỉ biết ngậm ngùi. Thương các em nghèo khó, xem chúng như con mà tự nhủ lòng cố gắng. Tôi thường xuyên xuống từng thôn, đến từng nhà để vận động, phân tích cho bà con hiểu việc học tập của con em là rất cần thiết và khi hiểu ra họ đã cho con đi học đầy đủ. Từ đó, tôi có thêm động lực và quyết tâm phấn đấu cho sự nghiệp giáo dục ở xã vùng cao này”.

Gần 28 năm đứng trên bục giảng, cô giáo Phạm Thị Tình đã dạy nhiều thế hệ học trò vùng cao, trong đó có nhiều người thành đạt. Anh Hồ Văn Đường - Chủ tịch UBND xã Phước Chánh từng là học trò của cô Tình. Anh kể: “Cũng như bao thế hệ học trò vùng cao, hàng ngày tôi phải lên rẫy cùng mẹ. Tôi thường xuyên phải vắng học, có lúc muốn nghỉ học luôn, thế nhưng nhờ sự động viên, tận tâm của cô giáo Tình nên tôi đã vượt qua khó khăn, tiếp tục đến lớp. Cô Tình hiểu từng điều kiện hoàn cảnh gia đình của mỗi đứa, luôn giúp đỡ kịp thời và có phương  pháp dạy học tích cực, giúp học trò tiếp thu kiến thức nhẹ nhàng mà hiệu quả. Tôi có được thành quả ngày hôm nay là nhờ công giảng dạy của cô Tình”.

Gần 28 năm trong nghề là 28 năm cô giáo Tình gắn đời mình với sự nghiệp trồng người ở vùng cao. Khi được hỏi về ước mơ của mình, cô dõi ánh mắt về những học trò thân yêu đang nô đùa dưới sân trường “chỉ mong sao cho học trò ai cũng được ăn no, ai cũng được học hành như lời Bác Hồ đã dạy”.

H.YÊN - P.TRỌNG

H.YÊN - P.TRỌNG