Tìm giải pháp bảo vệ bờ biển, cửa sông phục vụ phát triển bền vững vùng ven biển
(QNO) - Cuối tuần qua, Sở KH-CN tổ chức nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc bảo vệ bờ biển, cửa sông phục vụ quản lý, phát triển bền vững vùng ven biển tỉnh Quảng Nam", do TS. Lê Đình Mầu, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học chủ nhiệm.
Triển khai từ tháng 6.2013 đến tháng 5.2015 với tổng kinh phí 720 triệu đồng, công trình góp phần làm rõ sự biến động bờ biển, cửa sông giai đoạn 1965 - 2014; nêu rõ hiện trạng các công trình bảo vệ bờ biển, cửa sông và những tác động của chúng đến điều kiện môi trường xung quanh. Qua đó, các nhà khoa học cũng đã đề xuất các giải pháp bảo vệ, tạo cơ sở để chính quyền Quảng Nam có thể áp dụng trong công tác phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại có tính khoa học, khả thi, phục vụ phát triển bền vững dải ven biển.
Quang cảnh buổi nghiệm thu. Ảnh: Hoàng Liên |
TS. Lê Đình Mầu, chủ nhiệm đề tài cho hay, trên toàn dải ven biển Quảng Nam, hiện tượng xói lở bờ biển diễn ra khốc liệt nhất là khu vực Hội An, Cửa Lở và bãi Bà Tình (Núi Thành). Tại khu vực bờ biển Cửa Đại, TS. Lê Đình Mầu đề xuất, UBND tỉnh cần có quyết định chỉ cho phép doanh nghiệp du lịch ven bờ biển được xây dựng hệ thống kè bảo vệ khi bản thiết kế đã có đầy đủ cơ sở khoa học. Không nên xây dựng công trình quá sát mép nước, nhằm tránh sự phá hủy công trình của sóng dưới dạng “undertow”, dành hệ thống cho việc xây dựng hệ thống đường đi bộ sát biển, nối thông giữa các resort. Đối với giải pháp công trình, tỉnh Quảng Nam và Hội An cần tiếp tục trồng phi lao, rừng phòng hộ ven biển chắn cát bay, nhất là khu vực phía bắc Cửa Đại, từ bãi tắm đến mũi Cửa Đại. Đối với khu vực này, có thể áp dụng hệ thống kè phá sóng xa bờ kết hợp tạo bãi theo hiệu ứng “Tombolo”… vừa có chức năng phá sóng, vừa đảm bảo cảnh quan, vừa có giá trị kinh doanh, đảm bảo mỹ quan du lịch. Riêng, ở dải phía nam Cửa Đại, có thể xây dựng hệ thống kè bảo vệ bờ dưới dạng tường đứng (sea wall)…
HOÀNG LIÊN