Chủ động ứng phó sự cố điện trong mùa mưa bão

THÀNH CÔNG - HOÀNG PHƯƠNG 24/08/2015 09:43

Công ty Điện lực Quảng Nam đã sớm triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cấp điện và bảo vệ lưới điện trong mùa mưa bão.

Lên kịch bản

Theo thống kê, Công ty Điện lực Quảng Nam hiện quản lý trên 6.500km đường dây từ 35kV trở xuống và trên 2.900 trạm biến áp phụ tải cấp điện cho hơn 330.000 khách hàng trên địa bàn 18 huyện, thành phố. Lưới điện trải rộng trên nhiều địa bàn, qua nhiều địa hình núi non hiểm trở nên rất khó khăn trong việc quản lý vận hành, nhất là trong mùa mưa bão. Để đảm bảo an toàn cho lưới điện, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT, TKCN) được thành lập từ cấp cơ sở trở lên, đồng thời lên kịch bản ứng phó với sự cố có thể xảy ra thông qua phương án PCTT, TKCN và phương thức cấp điện khi có bão lụt, phương thức cắt điện và khôi phục phụ tải theo từng khu vực, sa thải phụ tải theo cấp gió, mức nước, vùng ngập úng. Kịch bản này liên tục được nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp sau những lần diễn tập, thực nghiệm tại cơ sở. Từ tháng 7.2015, công ty và các đơn vị đã tổ chức diễn tập xong công tác PCTT, TKCN trên địa bàn đơn vị quản lý. Dựa theo phương án diễn tập khắc phục sự cố lưới điện do bão lụt gây ra trên địa bàn huyện Thăng Bình và Hiệp Đức, các điện lực thành lập đội xung kích để huấn luyện thực hành, tổ chức khắc phục nhanh sự cố, kịp thời khắc phục thiếu sót, chấn chỉnh kịp thời trước khi bước vào mùa mưa bão. Ông Châu Phước Sinh - Trưởng phòng Điều độ Công ty Điện lực Quảng Nam cho biết: “Song song với công tác diễn tập ứng phó, Công ty còn đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình sửa chữa lớn, xây dựng cơ bản và tập trung khắc phục các tồn tại trên lưới điện để đảm bảo vận hành an toàn trong mùa mưa bão. Ngoài ra, các công tác kiểm tra hành lang tuyến, vệ sinh lưới, thống kê, xử lý các xung yếu trên lưới điện, kiểm tra các thiết bị chống sét cũng như đo đạc giá trị tiếp địa đường dây và trạm biến áp phụ tải trước mùa mưa bão là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục được thực hiện để đảm bảo an toàn”.

Nhân viên Công ty Điện lực Quảng Nam thường xuyên kiểm tra lưới điện để kịp thời xử lý sự cố. Ảnh: T.C
Nhân viên Công ty Điện lực Quảng Nam thường xuyên kiểm tra lưới điện để kịp thời xử lý sự cố. Ảnh: T.C

Phòng ngừa tai nạn có thể xảy ra do dông lốc, bão lũ, việc tuyên truyền, thông tin được thực hiện rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhằm chuyển tải cảnh báo và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng tránh tai nạn điện. Đã có hàng trăm nghìn tờ rơi hướng dẫn an toàn và các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả được phát kèm đến tận từng hộ dân trong thời gian gần đây, nhằm tối ưu việc đảm bảo an toàn khi có sự cố. Người dân có thể dễ dàng thông báo, phản ánh sự cố điện lưới cho đơn vị thông qua đường dây nóng tiếp nhận thông tin nhằm xử lý nhanh chóng, hiệu quả nhất. “Hướng đến mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn điện, không để ảnh hưởng đến người dân, chúng tôi đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền vận động nhân dân tự kiểm tra, xử lý các hư hỏng, tồn tại trên đường dây hạ thế sau công tơ và hệ thống điện sinh hoạt trong nhà; kêu gọi mỗi gia đình tự chặt cây, tỉa cành dưới đường dây điện đề phòng cây ngã đổ vào lưới điện gây sự cố, tai nạn điện” - ông Sinh cho biết.

Chủ động xử lý sự cố

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam cho biết: “Để bảo đảm an toàn cho lưới điện và đảm bảo cấp điện trong mùa mưa bão, đơn vị đã sớm ban hành phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão có thể xảy ra trên địa bàn. Trong đó có việc phân công xử lý từng trường hợp cụ thể theo mức độ ảnh hưởng của bão lụt”. Tùy vào mức độ ảnh hưởng của bão lũ, dông lốc được dự báo, các điện lực trực thuộc sẽ được triển khai phối hợp theo chỉ đạo để phòng chống, khắc phục nếu có sự cố xảy ra. Phương án ứng phó được xây dựng theo quy trình: khi có bão gần, phòng an toàn theo dõi diễn biến của lụt bão thông báo kịp thời cho Ban chỉ huy PCTT, TKCN công ty và đơn vị nắm tình hình, từ đó, chỉ huy điều hành sa thải phụ tải, xử lý sự cố theo phương thức đã lập. Khi có thông tin bão khẩn cấp, công ty yêu cầu các đơn vị phải triển khai nhanh chóng các biện pháp chằng chống công trình, nhà xưởng, kho tàng; quán triệt công tác an toàn cho cán bộ, công nhân viên trong công tác phòng chống bão khẩn cấp và chuẩn bị vật tư dự phòng, thông tin liên lạc, trang bị cứu sinh, thuốc men, lương thực; cất giữ hồ sơ, di chuyển tài sản đến nơi an toàn… Ngoài ra, đơn vị cũng đã ưu tiên chuẩn bị máy phát dự phòng để cấp điện cho khu vực nhà điều hành Văn phòng công ty và Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh để đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác PCTT, TKCN.

Hiện tại, các phương thức vận hành hệ thống điện khi bão lụt kèm theo diễn biến của từng cấp gió được triển khai xuống từng điện lực trực thuộc để đối chiếu xử lý tình huống. “Căn cứ theo danh mục ưu tiên được Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh quy định, các điện lực trực thuộc sẽ ưu tiên cấp điện phụ tải quan trọng nằm trong danh mục ưu tiên khi có gió dưới cấp 10. Riêng đối với gió cấp 10 trở lên, chúng tôi sẽ thực hiện cắt gốc toàn bộ các xuất tuyến 35, 22, 15kV còn lại của trạm trung gian và trạm 110kV, 220kV. Nguyên tắc xử lý khôi phục phụ tải khi cơn bão đi qua và sau khi nước rút sẽ được triển khai tương ứng theo kế hoạch để đảm bảo an toàn” - ông Châu Phước Sinh cho biết thêm.

THÀNH CÔNG - HOÀNG PHƯƠNG

THÀNH CÔNG - HOÀNG PHƯƠNG